Nói về chuyển đổi số trong nông nghiệp, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, cho rằng, chuyển đổi số là một con tàu mà không thể bỏ lỡ, và những người trẻ là chủ thể trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Trước hết, người trẻ có thế mạnh về sử dụng công nghệ, đặc biệt là những ứng dụng trên smartphone hay là những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain… Việc áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nếu những người trẻ không làm, thì rất khó để đòi hỏi những người lớn tuổi phải đi tiên phong trong vấn đề này.
Trên thực tế phát triển hợp tác xã, trang trại ở Bình Phước trong thời gian qua, đã thấy rõ những dấu ấn của người trẻ trong chuyển đổi số. Chẳng hạn, tại trang trại Thiên Nông của Đặng Dương Minh Hoàng, số hóa đã được ứng dụng để vận hành hệ thống tưới tự động, quản lý nông trại từ xa, giúp khách hàng theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bơ, truy xất nguồn gốc sản phẩm…
Hay ở vườn hoa cẩm cù của anh Đỗ Văn Phúc ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, số hóa đang được ứng dụng mạnh mẽ trong việc quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm hoa cẩm cù tới đông đảo khách hàng gần xa.
Từ khi thành lập, với đội ngũ nòng cốt có nhiều doanh nhân, chủ trang trại trẻ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước đã triển khai nền tảng số AutoAgri trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đến nay, HTX đã tiến hành số hóa cho tất cả các thành viên.
Không chỉ đẩy mạnh số hóa trong sản xuất, kinh doanh của các thành viên, HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, còn đang tích cực tuyên truyền và hỗ trợ chuyển đổi số cho nhiều nông dân ở Bình Phước.
Trong thời gian qua, Hợp tác xã đã tổ chức những buổi tọa đàm về chuyển đổi số tại một số xã, huyện hoặc ở Bình Phước, như ở huyện Hớn Quản hay gần đây là tại 3 xã Phú Văn, Phú Nghĩa và xã Đức Hạnh thuộc huyện Bù Gia Mập.
Thông qua những buổi tọa đàm như vậy, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước đã giúp bà con có thể hình dung ra được thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là như thế nào.
Qua những buổi tập huấn, nhiều nông dân Bình Phước đã nhận ra việc chuyển đổi số có thể bắt nguồn từ việc ứng dụng nền tảng số để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất như thế nào cho hiệu quả nhất về chi phí, về vận hành, hoặc sử dụng các loại máy móc, thiết bị của mình cho những công việc khác nhau. Chẳng hạn, mỗi khi xảy ra mưa trái mùa vốn mang theo nhiều axit ảnh hưởng không tốt tới khả năng thụ phấn và đậu trái của cây ăn trái, nông dân có thể biến chiếc xe dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật thành xe phun nước rửa hoa của cây ăn trái trong vườn nhằm rửa trôi axit trên hoa.
Các buổi tập huấn cũng giúp nhiều nông dân bước đầu tiếp cận với giải pháp sử dụng nhật ký điện tử mà nhiều trang trại đang thực hiện để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc một cách dễ dàng. Theo đó, nông dân được học hỏi cách sử dụng smartphone để cập nhật việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lên phần mềm, đồng thời cập nhật cả các thông tin khác như ngày thu hoạch, phương tiện vận chuyển, chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP…
Với sự cập nhật dễ dàng, thường xuyên và kịp thời qua nền tảng số, nông dân sẽ minh bạch được toàn bộ quá trình sản xuất, qua đó thuyết phục được người tiêu dùng tin tưởng vào các loại nông sản do nông dân sản xuất và cung cấp.