Chuyển đổi số không chỉ là việc số hóa dữ liệu trên giấy, mà quan trọng hơn là tổ chức, sắp xếp, phân tích và đánh giá các tập dữ liệu để hình thành dữ liệu lớn. Từ đó, áp dụng công nghệ để phân tích tìm giá trị mới và đưa vào thực tiễn sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
MC: Kính thưa quý vị và các bạn! Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người nông dân có thể theo dõi và điều chỉnh hoạt động sản xuất cũng như thực hiện giao dịch một cách dễ dàng. Tiến bộ này không chỉ thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững mà còn phát triển kinh tế gia đình. Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của chuyển đổi số trong nông nghiệp mời quý vị theo dõi phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL thực hiện.
Theo Bộ NN-PTNT, trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã khẳng định KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) là động lực quan trọng để mở ra cơ hội và tạo điều kiện cho những mô hình tăng trưởng mới trong nông nghiệp.
Trong đó, CĐS là nhiệm vụ rất quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. Từ thực tiễn triển khai CĐS thời gian qua, có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về CĐS. Năm 2021 là nắm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về CĐS trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 là năm đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy nông dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của ngành nông nghiệp nói riêng và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế nói chung.
Ông Trần Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Trà Vinh: Mỗi ngành thì làm chung cái CĐS thì nó tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân sản xuất cũng như doanh nghiệp để tiếp cận về cái số liệu, về để phục vụ cho lĩnh vực về phát triển như nền kinh tế gắn với xã hội .
CĐS trong nông nghiệp bao gồm 3 bước. Đầu tiên là số hóa dữ liệu, tức là chuyển đổi các thông tin như văn bản, hình ảnh, hoặc âm thanh sang định dạng kỹ thuật số để máy tính có thể xử lý. Tiếp theo là số hóa quy trình, bằng cách tích hợp các thiết bị kết nối internet vào mọi hoạt động để tự động thu thập dữ liệu. Cuối cùng là quản lý số, sử dụng các công cụ kỹ thuật số như ứng dụng di động và phần mềm để điều hành và quản lý quá trình sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan: Ứng dụng công nghệ số giúp thu thập dữ liệu từ các phân khúc trong chuỗi giá trị như giống, vật tư đầu vào, canh tác, thu gom, chế biến và phân phối tiêu thụ. Dựa vào dữ liệu này, chúng ta có thể tăng năng suất, giảm tác động đến môi trường, nâng cao lợi nhuận và làm hài lòng người tiêu dùng trong quá trình sản xuất nông sản.
Tại Trà Vinh, tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đồng thời phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ số và công nghệ thông tin vào toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị.
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó đời sống nông hộ được cải thiện.
Hơn nữa, việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, giúp sản xuất nông nghiệp được hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Lê Văn Tích, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Nhờ Trung tâm khuyến nông hỗ trợ máy, tôi có thể kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi theo giờ. Dù ở đâu, tôi cũng có thể theo dõi các thông số qua điện thoại thông minh. Chỉ cần chạm vào, các thông tin như nhiệt độ, oxy hòa tan, hay khí độc đều được cập nhật đầy đủ.
Ông Võ Văn Sang, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Mình xử lý môi trường cũng qua công nghệ hiện nay bằng máy. Mình kiểm soát được mầm bệnh, yếu tố độc tố nên giảm đi rủi ro trong quá trình mình nuôi.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh: Hiện nay, áp dụng ở Trà Vinh rất hiệu quả. Ví dụ vấn đề công tác chăm sóc sức khỏe tôm, cảnh báo môi trường, lượng thức ăn cho tôm. Ở xa mình cũng biết được tốc độ sinh trưởng con tôm, thức ăn dư thừa cũng biết, tôm bệnh mình cũng biết.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, để bắt kịp xu thế phát triển chung của đất nước.
PGS. TS Nguyễn Trung Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: Chuyển đổi số không chỉ là việc đầu tư trang thiết bị và số hóa dữ liệu từ quản lý trên giấy tờ thành tư liệu số, mà quan trọng hơn là tổ chức, sắp xếp, phân tích và đánh giá các tập dữ liệu để hình thành dữ liệu lớn. Từ đó, áp dụng công nghệ để phân tích tìm giá trị mới và đưa vào thực tiễn sản xuất, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
MC: Nhìn chung, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một xu hướng tất yếu hiện nay, đây không chỉ là cải tiến để phù hợp với thời đại, mà còn là sự sáng tạo để“xóa bỏ” cách làm cũ. Do đó, để chuyển đổi số trong nông nghiệp được thuận lợi, đúng trọng tâm và hiệu quả thì cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là người nông dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học và công nghệ.