Nguyễn Bá Ngọc hạ thủy lồng HDPE nuôi mực và ốc hương lớn nhất thế giới
Thứ Năm 13/06/2024 , 15:46 (GMT+7)CEO Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Chi phí hoàn thành 'siêu lồng nuôi biển' này chỉ hết hơn 15 tỷ đồng, dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ hoạt động ở vùng biển Ninh Thuận.
Ngày 13/6, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Công ty vừa hoàn thành và hạ thủy Lồng nuôi biển bán tự nhiên nuôi mực kết hợp nuôi ốc hương ở tầng đáy bằng vật liệu HDPE lớn nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, Lồng nuôi biển bán tự nhiên nuôi mực kết hợp nuôi ốc hương ở tầng đáy bằng vật liệu HDPE của Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông có đường kính 100m, chu vi 314.16m, diện tích 7.850m2, thể tích 102.000m3 nước… CEO Nguyễn Bá Ngọc khẳng định, đây là lồng nuôi biển bán tự nhiên nuôi mực kết hợp nuôi ốc hương ở tầng đáy bằng vật liệu HDPE lớn nhất thế giới hiện nay.
Khi đi vào hoạt động, Lồng nuôi biển bán tự nhiên nuôi mực kết hợp nuôi ốc hương ở tầng đáy bằng vật liệu HDPE có thể thả nuôi 100.000 con mực giống, 5,5 triệu con ốc hương mỗi năm. CEO Nguyễn Bá Ngọc tính toán: Căn cứ kết quả nuôi thí điểm chỉ cần đạt tỷ lệ 50/50 thì sau 8 tháng sẽ thu khoảng chừng 50 tấn mực, 55 tấn ốc hương.
Chi phí hoàn thành “siêu lồng nuôi biển” này hết hơn 15 tỷ đồng trong thời gian hơn 3,5 tháng. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa hệ thống lồng nuôi sẽ được kéo ra vùng biển C3, cửa biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó vào ngày 27/2, Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông cũng đã hạ thủy lồng nuôi biển lớn nhất Việt Nam. Lồng có đường kính 61,5m, chu vi 193m, diện tích 3.000m2, dung tích chứa 30.000m3 nước, công trình do chính CEO Nguyễn Bá Ngọc thiết kế, thi công trong thời gian liên tục gần 2 tháng.
Như vậy đến nay, diện tích lồng nuôi biển của Nguyễn Bá Ngọc và Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông đã lên tới 12.100m2 lồng, thể tích nuôi đạt 151.250m3 nước. Toàn bộ hệ thống lồng nuôi biển bằng vật liệu HDPE đều do CEO Nguyễn Bá Ngọc thiết kế sau nhiều năm trời nghiên cứu, thử nghiệm.
CEO Mực nhảy Biển Đông chia sẻ: Đi đầu về công nghệ nuôi biển trên thế giới là Na Uy. Tuy nhiên quốc gia này cũng chỉ mới có những lồng nuôi với kích cỡ đường kính đạt 55 - 56m, chi phí sản xuất cực kỳ tốn kém, lên tới vài trăm ngàn USD/lồng. So với họ, lồng nuôi công nghệ HDPE do Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông trực tiếp thiết kế, thi công có diện tích gấp đôi nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.
Nhiều đoàn khách, bao gồm cả những chuyên gia trong nước và quốc tế đến thăm hệ thống lồng nuôi của Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông đã rất thán phục. Họ không thể ngờ CEO Nguyễn Bá Ngọc và Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông có thể thiết kế và tự tay làm được những lồng nuôi lớn như vậy.
Theo Đề án nuôi biển của tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu sẽ hình thành các khu công nghiệp trên biển có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản.
Những hạt nhân tiên phong như CEO Nguyễn Bá Ngọc và Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông mang khát vọng rồi đây mỗi vùng biển Việt Nam sẽ là một hồ nuôi khổng lồ, ở đó ngư dân sẽ có sinh kế bền vững và giảm áp lực đánh bắt tự nhiên.