Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) có duyên nợ với Tây Bắc, như ông bộc bạch: “Tôi là chàng trai Hà Nội, được cử lên Tây Bắc dạy học từ năm 1970. Họ bảo lên đó mấy năm rồi về xuôi, nhưng rút cục tôi ở trên đó hàng chục năm. Tôi hầu như không biết gì nhiều về cuộc sống của Hà Nội, cũng như đời sống văn chương lúc ấy. Tôi bắt đầu viết văn từ những năm ở Tây Bắc”.
Cư ngụ ở “một bản nhỏ cô đơn”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng tác truyện ngắn đầu tiên vào năm 1971 và theo đuổi chùm truyện ngắn liên hoàn “Những ngọn gió Hua Tát” hơn một thập niên. Địa danh Hua Tát thuộc đất Cò Nòi, vùng ven thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Khi đưa Hua Tát vào văn chương, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu: “Ở Tây Bắc có một bản nhỏ người Thái đen nằm cách chân đèo Chiềng Dông chừng dặm đường. Bản tên là Hua Tát. Bản Hua Tát ở trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt”.
“Những ngọn gió Hua Tát” gồm 10 truyện ngắn “Trái tim hổ”, “Con thú lớn nhất”, “Nàng Bua”, “Tiệc xòe vui nhất”, “Sói trả thù”, “Đất quên”, “Chiếc tù và bị bỏ quên”, “Sạ”, “Nạn dịch” và “Nàng Sinh”. Sau khi trở về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp công bố “Những ngọn gió Hua Tát” trên báo Văn Nghệ năm 1987, chính thức bước vào làng văn.
Dù nhắc đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là người ta nhắc đến truyện ngắn “Tướng về hưu”, nhưng viết về đô thị bon chen không phải lĩnh vực ông tâm đắc. Sở trường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là những trang viết về nông thôn, nhất là nông thôn rẻo cao. Ngoài những truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê”, “Những bài học nông thôn” hoặc “Chảy đi sông ơi”, thì Tây Bắc trở thành vùng đất văn học của Nguyễn Huy Thiệp.
Gắn bó Hua Tát, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tình cảm đặc biệt với không gian Tây Bắc: “Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đây là thứ không khí huyền thoại… Ở đây có những khu rừng nguyên sinh từ thời thượng cổ, cây cối bạt ngàn, chim thú nhiều vô kể”; và cũng có tình cảm đặc biệt với con người Tây Bắc: “Người dân ở đây sống giản dị, chất phác. Công việc nương rẫy nhọc nhằn vất vả. Cả việc săn bắt cũng thế. Tuy nhiên, người dân ở đây lại rất rộng lòng mến khách. Đến Hua Tát, khách sẽ được mời ngồi trên bếp lửa, uống sừng rượu cần với xeo thịt rừng sấy khô. Nếu khách là một người công minh, chính trực, chủ nhà sẽ mời khách nghe một câu chuyện cổ. Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người”.
Sau chùm truyện ngắn liên hoàn “Những ngọn gió Hua Tát”, vùng đất văn học Tây Bắc cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhiều tác phẩm khác, như “Muối của rừng”, “Thổ cẩm”, “Những người thợ xẻ”, “Tội ác và trừng phạt”, “Những người muôn năm cũ”, “Sống dễ lắm”, “Truyện tình kể trong đêm mưa”… Đọc văn Nguyễn Huy Thiệp, không chỉ hiểu thêm phong tục và lối sống Tây Bắc, mà còn khám phá được căn tính con người trong cuộc giằng co tốt xấu và thiện ác. Đôi khi, ông đưa ra những chi tiết rất dữ dội, chẳng phải để biểu dương sự tàn nhẫn, mà để bênh vực sự yếu mềm của phẩm giá, sự kiên trì của nhân cách.
Độc giả thường nhớ những tình huống trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp để kể lại một cách hào hứng. Đó là sở thích cá nhân, không có gì phải bàn luận hay trách móc. Thế nhưng, khi và chỉ khi đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mà bớt chú trọng vào các mâu thuẫn giữa con người với con người, thì mới thấy hết vẻ đẹp văn chương của ông. Bởi lẽ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm sự trìu mến Tây Bắc trong những câu văn chấm phá rất sinh động và rất trữ tình.
Đã có nhiều người viết về Tây Bắc, riêng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có cách miêu tả khác biệt. Thiên nhiên Tây Bắc trong văn Nguyễn Huy Thiệp có giá trị chữa lành: “Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hằng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cây dâu da”; từ cảnh sắc: “Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”; đến loài vật: “Trên hang núi gần trường có một con đười ươi đực, nặng phải tới gần trăm cân. Những hôm nắng, nó ra ngoài cửa hang phơi nắng. Chiều tối đến, nó hú lên những tiếng hú âm thầm man rợ y hệt như tiếng người. Chúng tôi đã nhiều lần trông thấy nó đứng trên mỏm núi nhìn xuống sân trường và làm những cử chỉ rất tục tĩu”.
Tây Bắc đất rộng người thưa, nhịp điệu chậm rãi được ông ghi nhận: “Cuộc sống ở xóm núi hẻo lánh trôi đi đơn điệu, buồn tẻ. Khi chiều về, tiếng mõ trâu lốc cốc khua vang ở dưới chân núi xa xôi, lẫn lộn với khói lam chiều, rồi chìm lịm đi ở cuối vực sâu cùng với bóng tối lúc đầu còn rón rén ở những bụi cây lúp xúp màu tím nhạt, rồi lảng vảng chuyển sang màu xám tro viền trên các ngọn cây cao, rồi cuối cùng phũ phàng đen kịt trùm lên toàn bộ núi rừng. Tiếng chim xao xác gọi đàn”.
Qua lăng kính một bác sĩ miền xuôi lên miền ngược công tác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xác định khoảng cách giữa người phố và người quê: “Trong khi khám bệnh cho người miền núi, tôi ngạc nhiên nhận thấy họ gần như chẳng có bệnh tật gì, thậm chí cả ở những người cao tuổi cũng vậy. Ở độ tuổi từ 50 trở ra, nếu là người dân thành phố vẫn sống trong các khu tập thể như bố mẹ tôi thì chắc chắn mỗi người mang một ổ bệnh, mỗi năm họ đều phải nhét vào bụng mình hàng vốc thuốc đủ loại. Thần kinh luôn căng thẳng, họ rất dễ xúc động hoặc dao động, tình trạng nhàn rỗi làm cho các cơ bắp nhão ra, máu chảy chậm lại, ánh nhìn của họ trỏ nên lờ đờ hoặc vô hồn. Ở những người "dân tộc", lao động và sự điều chỉnh tự nhiên khiến họ có được tình trạng sức khoẻ tương đối thăng bằng. Đa số những người mà tôi khám bệnh, tôi nhận thấy tình trạng thần kinh của họ gần như “tuyệt hảo”, họ không nghĩ ngợi, không lý sự phân tích, họ chẳng cần đến triết học và logic làm gì. Ngoài một số bệnh thông thường do vệ sinh kém và do thiếu ăn, trên thực tế tôi nhận thấy họ sống lành mạnh, lương thiện hơn người thành phố”.
Phải có một tình yêu sâu sắc với Tây Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới có được những trang văn đắm đuối về tình yêu thiên nhiên: “Khoảng tháng Mười Một là mùa sương muối, khí hậu ban ngày khô hanh rất khó chịu nhưng ban đêm buốt giá vô cùng. Sáng ngủ dậy, sương muối đọng li ti trắng xóa ở trên mặt cỏ xác xơ. Sương muối làm chết nhiều cây, đến ngay cả những cây chuối sum suê cũng khô hết lá. Những thứ rau trồng trong vườn cũng chết lụi cả, chỉ trừ có loại rau cải Mèo là thứ rau đặc biệt của người Mông trồng là còn sống sót nhưng phải tưới nước liên tục và che chắn suốt cả đêm ngày. Nhiều đêm chúng tôi bỗng choàng tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng nổ lép bép râm ran như trời đang sụp. Chạy bổ ra ngoài, nhìn lên lưng núi thấy một vệt lửa chạy dài đang cháy rừng rực. Ánh lửa trên núi hắt xuống khuôn mặt của mấy giáo viên chúng tôi, trông ai cũng thấy hốc hác đăm chiêu. Không nói ra, chúng tôi đều biết khi đã cháy rừng ở đây nghĩa là vô phương cứu chữa. Sợ nhất khi những tàn lửa trên rừng gặp gió bốc cao rơi xuống trường học. Như thế nghĩa là mất hết, ngày mai sẽ không còn gì! Tất cả sẽ trần thùi lụi”.
Sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kéo dài khoảng 30 năm, góp phần làm phong phú thêm thể loại truyện ngắn Việt Nam. Trong đó, vùng đất văn học Tây Bắc khiến Nguyễn Huy Thiệp độc đáo hơn những đồng nghiệp cùng thời. Dư âm của “Những người muôn năm cũ” là sức quyến rũ Tây Bắc" “Qua khỏi thung lũng, tôi trèo lên đỉnh núi Đười Ươi trông ra đằng xa. Núi tiếp núi như những vỏ mít ken dày, vỏ mít xếp lại. Cuối chân trời có một ngôi sao lấp lánh đang dần bị ánh sáng ngày lấn lướt muốn xóa chìm đi. Thế là tôi đi về phía ấy... Tôi không muốn để ngôi sao kia lụi tàn”; và dư âm của “Những người thợ xẻ” cũng là sức quyến rũ Tây Bắc: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không? Chúng tôi cứ đi, đi mãi... Tôi biết chắc ở trước mặt tôi đấy là cổng Trời, là cổng Thiên đường”.