Ô Quy Hồ!
Con đèo hiểm trở ngoạn mục dài hơn 50 cây số thườn thượt từ Lào Cai vắt sang đất Lai Châu trên độ cao hơn 2.000 thước, dài hơn cả Đèo Pha Đin (dài 32km) hơn cả Đèo Khau Phạ (của Yên Bái, dài hơn 40km). Ô Quy Hồ xứng danh "tứ đại đỉnh đèo". Vua đèo Tây Bắc!
Lẩn thẩn nghĩ, người nước Nam mình biết tên con đèo hiểm trở Ô Quy Hồ ấy dường như có chút can dự của cây bút tài hoa lẫn ma mỵ, nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn?
Văn sĩ ấy là em trai của phu nhân Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương Lê Đỗ Kỳ. Cụ Lê Đỗ Kỳ là bố vợ của nhà thơ Hữu Loan.
Văn sĩ Tchya - cái tên phải viết hoa - TCHYA - Tôi Chỉ Yêu Anh - từng làm tham tá ở Nha học chánh Đông Dương từ năm 1930. Thời ấy Tchya viết báo, viết văn cho các tờ Đông Tây, Tri Tân, Tiểu thuyết thứ bảy. Tchya từng thay mặt cho giới viết lách Việt dự hội nghị văn bút quốc tế và là người được cử đọc diễn văn bế mạc hội nghị ấy. Rồi những năm tháng khi khoát hoạt khi lặng lẽ với các cây bút Tạ Tỵ, Vũ Bằng… đất Sài Gòn và trút hơi thở cuối cùng vào cái năm Mậu Thân 1968 thọ đúng một hoa giáp.
Trở lại với những cuốn sách bán chạy thời ấy của Tchya Đái Đức Tuấn như "Thần hổ", "Tiếng ai hát giữa rừng khuya"... Những địa danh ám ảnh bạn đọc của vùng đất Thạch Thành, đèo Ba Dội, thì đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa, Lào Cai) cũng là nơi thần hổ xuất hiện trong ngòi bút của nhà văn Đái Đức Tuấn. Đèo Ô Quy Hồ, nơi thần hổ rình rập và vồ chết một người đẹp, nàng Oanh Cơ!
Đèo Ô Quy Hồ, một chiều thu hơn trăm năm trước có một đoàn chừng hơn 10 người đi theo phục dịch vợ quan tri châu Phong Thổ. Bà tri châu nhan sắc chim sa cá lặn ấy là Oanh Cơ đi cùng hai con nhỏ về Phong Thổ.
“Bà tri châu lúc ấy giở tráp trầu ra ăn một miếng, trông bà có vẻ buồn rầu lo lắng, nhưng vẻ lo buồn không làm thế nào át được sắc đẹp dịu dàng sắc sảo của bà. Oanh Cơ là công trình tuyệt mỹ tuyệt xảo của Hóa Công, gồm cả thanh âm lẫn nhan sắc. Ðó là một người đàn bà cứ trong khoảng năm sáu trăm năm, mới được gặp một lần trên cõi phàm tục này”
Người còn gái tuyệt sắc ấy, bất hạnh thay sớm trở thành ma trành! Cứ như lời tả của Đái Đức Tuấn, thì sau khi hồn phách phiêu diêu, Oanh Cơ thành con ma trành đẹp nhất thế gian!
Văn sĩ họ Đái viết như này.
“… Theo đúng nghiệp số của nàng, nàng phải theo hai anh chị chết dưới vuốt thiêng loài mãnh thú. Con hổ này rình nàng từ lâu lắm rồi!
Tra khảo vía anh chị nàng, nó biết nàng tất phải qua đèo Ô Quy Hồ vì theo chồng ra Phong Thổ. Nó phục trong bụi lau đợi nàng ở đó. Ngày giờ nàng đã đến, số kiếp nàng đã tận, nàng bị nó nhảy xổ ra ngoạm chặt lấy lôi đi" (Trích "Ai hát giữa rừng khuya").
Loại sách đường rừng ma quái bán chạy hút độc giả khiến ối người mỗi khi có dịp qua Ô Quy Hồ trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiểm trở ấy tự dưng quên bẵng đi một huyền thoại xửa xưa của người Mông! Mà chỉ choán rợn trong ý nghĩ chuyện ma trành của Tchya khiến con đèo thêm phần kỳ bí!
Một huyền thoại đẹp nhưng ai oán. Có đôi trai gái Mông không lấy được nhau. Họ tìm đến cái chết tức tưởi. Rồi hóa thành đôi chim cứ chiều xuống buông tiếng kêu thương da diết. Âm thanh khi trầm khàn khi lảnh lót như một tiếng thở dài rút từ ruột chốn sơn khê. Ô huây ồ… Ô quây hồ…
Chưa ai được chứng kiến cái hình dáng loài chim có tiếng kêu thảm Ô Quy Hồ ấy cả! Nhưng âm thanh ai oán ấy đã biến thành tên gọi con đèo hoang dại ở độ cao hơn 2.000m này.
*
* *
Những việc viếc khiến tôi nhiều lần ngược Ô Quy Hồ. Lần thì ngả Hòa Bình, Sơn La lên. Đận thì lối Yên Bái, Lào Cai qua Sa Pa.
Coi lại những tờ báo cũ Tri tân rồi Nam Phong tạp chí thuật lại Ô Quy Hồ là con đường chỉ 5km rải đá bắt đầu từ Sa Pa xuyên mãi hàng chục cây số đèo hiểm trở chỉ vừa cho hai ngựa thồ tránh nhau.
Ô Quy Hồ thời cuối 50 đầu 60 của nhà văn Nguyễn Thành Long khi ông viết "Lặng lẽ Sa Pa" xe hơi đã chạy. Nhưng vẫn thèo đảnh, hoang vu. Chi tiết anh cán bộ Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa nơi cùng hương tịch nhưỡng ấy buồn quá là buồn. Anh bèn nghĩ ra cách dùng đá chặn ở đường đèo. Thảng hoặc có xe qua phải dừng lại cho anh tốc táo chuyện trò, hỏi han cho thỏa cơn nhớ… người!
Cái Trạm Khí tượng đo gió đo mây đâu như gần Trạm Kiểm lâm Ô Quy Hồ. Mùa xuân năm 1973, hai chiếc xe ca hơn 60 thày trò khoa Văn khóa 17 chúng tôi xuất phát từ Hà Nội đi Lai Châu để sưu tầm văn học dân gian dân tộc Thái, Mông. Xe đột xuất phải dừng lại ở Trạm Kiểm lâm mấy giờ đồng hồ để cấp cứu cho mấy cô bạn say xe. Được mấy cán bộ kiểm lâm chăm sóc chu đáo tận tình. Bữa ấy trời trong. Rất ấn tượng từ độ cao của Trạm Kiểm lâm, con mắt trẻ chúng tôi lần đầu được đã khung cảnh thần tiên những rừng những suối của Ô Quy Hồ bày ngoạn mục tít tắp. Những lần ngược Lai Châu sau này, chỗ Trạm Kiểm lâm gần Cổng Trời này đều là nơi dừng chân cho hành khách lẫn du khách ngắm ngó thưởng ngoạn. Là điểm check-in nổi tiếng của Ô Quy Hồ của vùng núi Tây Bắc được nhiều du khách yêu thích. Là địa điểm các phượt thủ tới đây để săn mây.
Nhưng Ô Quy hồ những năm gần thì đã khác!
Khu vực Trạm kiểm lâm quen thương hồi nào đã biến mất! Nhường chỗ cho những lở loét ngổn ngang của sự xây cất quy mô lớn.
Một đơn vị xây dựng có tên là Công ty Pusamcap thuê lại khu vực Trạm Kiểm lâm - đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn này từ năm 2013 với thời hạn 50 năm.
Khu vực cho thuê có diện tích hơn 500 nghìn m2 làm nơi đứng chân cho một khu du lịch sinh thái. Những nhà hàng, khách sạn, khu biệt thự, chợ đồng bào dân tộc, hồ sinh thái...
Bao nhiêu những phân vân cùng đắn đo. Đã đành công trình xây dựng trên đèo Ô Quy Hồ nghe nói được cấp phép đầy đủ, và là một phần trong chủ trương phát triển du lịch của địa phương.
Nhưng không ít ý kiến cho rằng, vẻ đẹp, cảnh quan của đèo Ô Quy Hồ sẽ bị phá vỡ bởi những công trình xây cất hoành tráng bằng bê tông cốt thép ấy? Đã thế lại có khá nhiều đơn thư gửi đến nhiều tòa báo phản ánh hàng chục hecta rừng trên dãy Hoàng Liên Sơn đoạn khu vực Cổng Trời, xã Sơn Bình đã bị san gạt, hàng nghìn cây xanh bị đốn hạ, nhiều thảm thực vật bị tàn phá nặng nề. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Công ty Pusamcap đã chồng lấn vào nhiều diện tích của các hộ dân không nằm trong phần diện tích UBND tỉnh Lai Châu giao cho họ sử dụng.
Nhưng... con đà mọc răng còn nói năng chi nữa.
Khu vực nhà kiểm lâm hiện được cải tạo thành khách sạn 3 tầng trên diện tích 539m2. Hơn 400m2 là căn nhà 2 tầng dùng làm nhà hàng, quán cà phê, chợ đồng bào dân tộc. Và dài dặc những hàng quán ăn theo khu du lịch cũng nối theo, mọc thêm!
…Lần này qua Ô Quy Hồ, cố tìm, lách qua những bít bùng quán xá quanh khu sinh thái cốt tìm một chỗ thoang thoáng để cà phê, ngắm ngó. Bất đồ xe phanh khự kèm tiếng kêu ngạc nhiên của chú lái xe. Thì ra khung cảnh chiếc cầu kính khổng lồ mới được xây dựng phía dãy núi trước mặt làm chú choáng! Khu sinh thái đã nham nhở, rối mắt. Giờ lại thêm công trình Cầu kính Rồng Mây sừng sững trên Ô Quy hồ!
Trong lúc cậu lái xe mê mải ngó, tôi mở Google để đọc những dòng này.
"… Là công trình cầu kính cao nhất Việt Nam, tọa lạc trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ thuộc địa phận huyện Tam Đường của tỉnh Lai Châu.
Cầu kính Rồng Mây nằm trong quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Thác trắng đèo Hoàng Liên Sơn cách thị xã Sa Pa (Lào Cai) 17km, cách TP Lai Châu 46 km. Từ đây, du khách có thể ngắm được nhiều phong cảnh đẹp, thơ mộng, núi non hùng vĩ, trùng điệp, mây ôm núi có thể ghi vào ống kính những khoảnh khắc ấn tượng.
Hệ thống thang máy đặc biệt có độ cao 300m, thiết kế 3 mặt kính cường lực trong suốt, chạy dọc từ chân núi tới cầu kính với một phần thang nằm trong lòng núi.
Cầu kính có tổng chiều dài 139m, chiều rộng là 1,5m gồm 3 lớp cường lực và 4 lớp phim được sản xuất tại Mỹ với sức tải khoảng 1.000 du khách cùng lúc. Các lớp kính hành lang được dựng từ 3 lớp kính dày khoảng 7cm".
Rằng hay thì thật là hay. Nhưng chắc ông chủ công trình phải phân vân lẫn đắn đo cùng lao tâm khổ tứ lắm lắm khi phải làm cái công việc phá sơn lâm để bê vác lên độ cao lưng chừng giời một khối lượng vật liệu khổng lồ như thế!
Phải một thôi đường nữa mới tới một chỗ thoang thoáng. Cây cô đơn. Tên một địa điểm check-in quen thuộc của du khách. Cây táo mèo cổ thụ của ông Giàng A Chu trồng nay đã sum xuê trên phần đất ông thuê bên con dốc của đèo Ô Quy Hồ. May mắn bên gốc táo mèo còn một khoảng thoáng.
Chiều chậm buông trên đèo Ô Quy Hồ. Có một khoảnh khắc hiếm hoi vắng bặt âm thanh xe máy. Khí núi trắng xóa lặng lẽ trườn ra từ các hẻm đá. Nâng chén trà mới pha mà khí núi chợt òa làm nguội bớt, nhà báo Lê Xuân Sơn bỗng ngẫu hứng mấy câu. "Tà rồi, nhạt lịm ánh dương/ Dừng chân quán núi, dặm đường còn xa/ Chẳng cao nhã đọ người ta/ Cũng xin nâng một chén trà đưa sương".
Đâu đây trong sương chiều Ô Quy Hồ, như mơ hồ âm thanh tờ tợ tiếng thở dài của loài chim thiêng hay tiếng nấc của nàng Oanh, vợ viên Tri châu Phong Thổ.
Ô uây hồ…