Đó là mô hình trang trại của gia đình ông Ngô Xuân Hiếu, 57 tuổi, ở bon R’Bút, xã Quảng Sơn, Đắk Glong, Đắk Nông.
Năm 2008, ông Ngô Xuân Hiếu, cùng gia đình từ Ninh Bình vào Đắk Nông lập nghiệp ở bon R’Bút. Ban đầu, ông chỉ đủ tiền mua 2ha đất canh tác. Sau nhiều năm tháng cần mẫn lao động, cuối cùng, ông cũng hái trái ngọt, trở thành nông dân tiêu biểu, giàu nhất vùng Quảng Sơn với tài sản là hơn 30ha đất trồng nhiều loại cây ăn trái theo quy trình sạch, bền vững.
“Ngày xưa vùng đất này rất khô cằn, nắng gió, đường giao thông chưa có, chưa có ai đầu tư, nên giá đất nông nghiệp còn rẻ. Lúc đó gia đình tôi và gia đình người anh trai cùng vào đây, nhìn thế đất thấy đẹp, phía dưới là thung lũng, có hồ thủy lợi khá lớn, nếu đầu tư máy bơm, ống dẫn thì có thể dẫn nước lên tưới cây, nên chúng tôi quyết định mua. Đến nay anh trai cũng có 30ha rồi. Hiện tổng diện tích của cả 2 gia đình là hơn 60ha”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết, toàn bộ các loại cây trồng đều canh tác theo hướng an toàn, bền vững. Sau nhiều năm làm giàu cho đất, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, nay năng suất các loại từ thấp ban đầu cứ tăng dần đến trung bình và nay không kém các vườn sử dụng thuốc hóa học.
“Canh tác theo hướng bền vững, không dùng phân, thuốc hóa học là xu hướng tất yếu của xã hội, bắt buộc mình phải theo. Xác định điều đó nên ngay từ những ngày đầu trồng cây, tôi đã làm như vậy. Vừa bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, vừa cho sản phẩm ngon, sạch hơn, giá cao hơn, không bị thương lái ép giá. Ngoài ra còn giúp cây khỏe, đất sạch, không ô nhiễm môi trường”, ông Hiếu nói.
Là người ham học hỏi, tư duy nhạy bén, ông Hiếu phân tích, nếu có diện tích đất lớn thì phải nghĩ đến định hướng đầu tư làm theo mô hình kinh tế trang trại, quy hoạch bài bản, sử dụng cơ giới, máy móc hiện đại, vừa giảm công lao động, vừa hiệu quả hơn nhiều.
“Hiện nay, trang trại đã sử dụng hệ thống tự động, từ bón phân, tưới nước đến xịt thuốc, không chỉ tốn ít công hơn mà còn đều hơn làm thủ công. Thực ra thì mình canh tác theo quy trình, nên công lao động nhiều nhất là lúc thu hoạch, công phơi, sơ chế, đóng bao… còn công chăm thì không nhiều, ngay cả cỏ cũng chỉ cắt tỉa quanh gốc cây, nên không tốn nhiều công”, ông Hiếu nói.
Nói về kết quả thu được từ 30ha vườn, ông Hiếu cho biết: “Năm nay cà phê và tiêu giá cao. Tôi không trồng cà phê, nhưng có 7ha hồ tiêu, năng suất khá, đạt khoảng 4 tấn/ha, thương lái bao tiêu với giá từ 130 - 135 ngàn đồng/kg. Với 5ha sầu riêng Thái, năm nay thu gần trăm tấn trái, bán tại vườn từ 45 - 55 ngàn đồng/kg, tuỳ thời điểm, mẫu mã”, ông Hiếu cho biết.
Riêng bưởi da xanh, loại cây ăn quả được ông Hiếu trồng đầu tiên tại trang trại, là 10ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng đạt khoảng 100 tấn/năm. Do chất lượng cao nên thị trường trái bưởi được mở rộng. Ông Hiếu cho biết, đang lên kế hoạch đầu tư máy móc để chế biến sâu các sản phảm từ bưởi như mứt, tinh dầu, sấy lạnh, nước ép bưởi tươi… vừa nâng cao giá trị nông sản, lại có điều kiện hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các nông hộ khác.
Theo ông Hiếu, khi bắt tay vào khởi nghiệp ở Quảng Sơn, ông trồng hồ tiêu và tạo được nguồn thu nhập tốt. Sau đó, dựa vào các yếu tố đất, khí hậu, ông xác định trồng cây ăn quả sẽ phù hợp hơn. Do đó, ông đã tìm tòi, học hỏi để trồng bơ, sầu riêng, bưởi, mít...
Để có được thành quả như hôm nay, cả gia đình, vợ con và bản thân ông Hiếu đã mất nhiều năm “bán mặt cho đất…”, quanh năm quần áo luôn thấm đẫm mồ hôi, bất kể nắng mưa, nỗ lực không ngừng. “Hồi đó, vùng này còn heo hút lắm, đi lại chỉ có một con đường nhỏ đất đỏ, mưa lầy, nắng bụi. Vào đến trong này rất vất vả. Điều kiện bất lợi như thế, trong khi những vườn tiêu, cà phê ở đây phần lớn là của người đồng bào bản địa, không chăm đúng, đủ nên năng suất rất thấp, chính vì thế, họ cũng không mặn mà.
Thực tế là khi mua đất ở đây, nhiều người lắc đầu ngao ngán, nghĩ chúng tôi sẽ khó thành công. Nhưng, làm gì cũng phải có đầu óc, quyết tâm, kiên trì, kể cả ít vốn vẫn làm được. Bằng chứng là chúng tôi mua xong 2ha đất thì không còn gì. Ban đầu có khả năng bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, làm được bao nhiêu lại tích trữ, có dư chút lại mua thêm… cứ vậy mà dần dần đi lên.
Có tiền tôi mua máy bơm, đường ống, tưới bằng tay. Thêm thời gian nữa, có thêm tiền tôi tiếp tục đầu tư hệ thống tưới tự động, mua xe cơ giới để phun, tưới phân, thuốc… Rồi tiếp theo là đầu tư mở rộng con đường dài gần 1,5km từ nông trại ra đến đường dân sinh, rải đá cấp phối, đủ cho 2 xe tải nhỏ tránh nhau. Vậy là bây giờ xe thu mua nông sản có thể vào tận nơi”, ông Hiếu tự hào.
“Ngày xưa tôi từng đến vùng đất này, khi đó chỉ có những vườn tiêu, cà phê, điều èo uột của người dân địa phương. Họ canh tác cho có, được mất phụ thuộc vào nắng mưa của trời. Cho đến khi gia đình ông Hiếu vào đây lập nghiệp, vùng quê xơ xác này cứ mỗi năm lại xanh hơn, tươi mát hơn, đúng với câu “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Để có được thành quả này, tôi biết họ đã phải nhiều năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, điều mà không nhiều người làm được”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông.