Mỗi sáng sau khi đưa con đến trường, Ye Yuya đi bộ 50m đến một nhà xưởng, nơi hàng chục bà mẹ giống như cô miệt mài làm việc bên những chiếc máy may để kiếm thêm thu nhập.
Ye xuất thân từ một gia đình nông dân có thu nhập thấp ở huyện Tam Môn, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Trong thời gian làm nông trái vụ, cô kết hợp làm việc cho một "xưởng thịnh vượng chung" chuyên may áo khoác cho một công ty may mặc địa phương.
“Khi con đi học, tôi làm ở đây để phụ giúp gia đình. Xưởng gần trường nên tôi dễ dàng đón con và chăm sóc chúng sau giờ làm”, cô nói.
Xưởng may tọa lạc tại tiểu khu Hải Du thuộc huyện Tam Môn, nơi có hơn 300 công ty sản xuất áo khoác, chiếm gần 60% tổng sản lượng toàn quốc.
Pan Litai, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp áo khoác của huyện, cho biết, ngoài các nhà máy sản xuất số lượng lớn đơn đặt hàng, các công ty cũng đã mở hơn 180 “xưởng thịnh vượng chung” để giúp hơn 10.000 cư dân cải thiện thu nhập.
Đây là sáng kiến nằm trong mục tiêu xây dựng “cộng đồng phú dụ” (cộng đồng thịnh vượng) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung hướng tới.
Đúng như tên gọi, các nhà xưởng là câu trả lời của doanh nghiệp trước lời kêu gọi từ chính phủ nhằm giảm khoảng cách thu nhập và đạt được “thịnh vượng chung cho tất cả mọi người”. Chúng hầu hết được mở ở các thị trấn và làng mạc nông thôn để tạo cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp, người có thu nhập thấp và nông dân Trung Quốc muốn kiếm thêm thu nhập trong thời gian trái vụ.
Ví dụ, xưởng nơi Ye làm việc có 50 phụ nữ và một nam giới. Nó được chính quyền huyện đề xuất và nhận trợ cấp tiền thuê nhà từ chính phủ.
Lou Mingrong, người đứng đầu xưởng và là nhân viên của một công ty may mặc địa phương, giải thích các xưởng này cho phép người có thu nhập thấp làm việc gần nhà. Việc làm linh hoạt cũng giúp các công ty giảm bớt tình trạng khủng hoảng lao động và giảm chi phí nhân công.
Sự phát triển của những xưởng như vậy ở Chiết Giang, một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, là điều đáng chú ý. Dữ liệu chính thức cho thấy đến cuối tháng 6/2023, Chiết Giang đã thành lập 7.683 “xưởng thịnh vượng chung”, tạo việc làm cho 355.000 cư dân nông thôn và tăng thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của họ thêm 2.600 nhân dân tệ (khoảng 356 USD).
Kể từ thời kỳ cải cách và mở cửa, Chiết Giang từ lâu đã nổi tiếng với sự giàu có và tinh thần kinh doanh theo thị trường tự do. Tuy nhiên, nó ít được biết đến trong nỗ lực thịnh vượng chung của Trung Quốc, dù duy trì được tính cân bằng giữa thành thị và nông thôn ổn định nhất cả nước.
Năm 2022, Chiết Giang tiếp tục đứng đầu trong số các khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc về thu nhập khả dụng của người dân, đồng thời khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn của tỉnh thuộc hàng thấp nhất nước.
Năm 2021, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã ban hành chủ trương biến Chiết Giang thành điển hình trong nỗ lực hướng tới “cộng đồng phú dụ”. Tỉnh được khuyến khích xây dựng một bộ cơ chế, biện pháp và hệ thống đánh giá để thu hẹp hơn nữa khoảng cách giàu nghèo.
Trong số các sáng kiến quan trọng có cơ chế “lá lành đùm lá rách”, qua đó 26 huyện miền núi của Chiết Giang đã nhận được gần 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 triệu USD) tài trợ từ các quận huyện khá giả hơn trong 20 năm, cũng như 12.438 dự án công nghiệp với tổng vốn đầu tư 730,5 tỷ nhân dân tệ (gần 101 triệu USD), theo số liệu chính thức.
Việc tái phân bổ nguồn lực trong tỉnh đang lan rộng ra các khu vực xã hội. Kể từ năm 2021, Chiết Giang đã yêu cầu 5 thành phố có dịch vụ chăm sóc người già tốt hơn những nơi khác gửi 162 nhân viên điều dưỡng đến hỗ trợ hơn 30.000 người cao tuổi sống trên 15 hòn đảo xa xôi.
“Giáo viên từ các quận huyện khác đang giảng dạy trực tuyến cho học sinh của chúng tôi”, Fan Yanfei, Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Chu San đang phải vật lộn với nguồn lực giáo dục khan hiếm, cho hay.
Tỉnh có gần 65 triệu dân này đã đặt mục tiêu đạt được thịnh vượng chung vào năm 2035. Theo kế hoạch hành động của chính quyền tỉnh, tỷ lệ gia đình có thu nhập khả dụng hàng năm từ 200.000-600.000 nhân dân tệ sẽ đạt 45% vào năm 2025.
Giới chuyên gia cho rằng Chiết Giang là tấm gương sáng cho các tỉnh khác của Trung Quốc đang nỗ lực cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phân phối tài sản công bằng hơn.
"Trong những năm tới, việc phát triển nền kinh tế để "làm ra chiếc bánh lớn hơn và ngon hơn" vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở đó, chúng ta phải nỗ lực phân chia và phân phối chiếc bánh hợp lý", Gao Peiyong, nhà kinh tế học của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói, nhấn mạnh vai trò của doanh nhân và người có thu nhập cao trong việc phát triển kinh tế từ gốc.