| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Trung Quốc hy vọng vào giống lúa trồng một lần, thu hoạch nhiều năm

Thứ Hai 19/12/2022 , 09:23 (GMT+7)

Lần đầu tiên khi Liang Yuxin nghe nói về một giống lúa mới có thể thu hoạch trong nhiều năm mà không cần phải trồng lại, ông háo hức muốn thử ngay lập tức.

A1

Liang Yuxin (trái) trồng hơn một ha lúa lưu niên ở tỉnh Quảng Tây, tây nam Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Nếu thử nghiệm của ông thành công, nó sẽ mang lại niềm tin cho nông dân địa phương, Liang, đại diện của một hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực Quảng Tây, tây nam Trung Quốc, cho biết.

“Có rất nhiều mảnh đất bị bỏ hoang ở các vùng nông thôn phía nam Trung Quốc và chi phí trồng trọt khá cao. Nhưng nếu tôi có thể trồng lúa một lần và thu hoạch trong vài năm, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều”, Liang nói. “Tại sao lại không thử?”

Liang là một trong hơn 40.000 nông dân nhỏ lẻ ở Trung Quốc đã chọn trồng loại lúa mới này.

Theo một báo cáo nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Nature Sustainability, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Vân Nam trong hơn hai thập kỷ, giống lúa lưu niên này không chỉ cho thấy tiềm năng về năng suất mà còn giảm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng đất.

Các nhà nghiên cứu đã lai giữa giống lúa hàng năm đã được thuần hóa của châu Á với giống lúa lưu niên hoang dã của châu Phi để tạo ra một giống lai mới mà họ gọi là “lúa lưu niên 23” (PR23).

Năng suất của nó đã được chứng minh là cao hơn khoảng một tạ so với những giống lúa hàng năm trong 4 năm đầu tiên, trung bình 6,8 tấn/ha mỗi mùa.

Mặc dù chi phí cho cả hai loại lúa trong vụ đầu tiên là như nhau, giống lưu niên không cần gieo hạt, canh tác và cày xới trong vài năm, điều đó có nghĩa là nông dân có thể tiết kiệm tới 1.400 USD cho mỗi vụ tiếp theo.

Nhìn chung, lúa lưu niên có thể cắt giảm 60% chi phí lao động và giảm một nửa chi phí đầu vào cho mỗi chu kỳ tái sinh trưởng. Theo các tác giả của nghiên cứu, lợi ích kinh tế ròng có thể dao động từ 17% đến 161% so với lúa hàng năm ở các địa điểm trồng khác nhau.

PR23 đã được thương mại hóa cho nông dân Trung Quốc vào năm 2018 và nằm trong 29 giống được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này khuyến nghị gieo trồng vào đầu năm nay.

Năm ngoái, tổng diện tích gieo trồng lúa lưu niên ở Trung Quốc là hơn 15.000 ha, cao gấp 4 lần so với năm 2020.

Liang cũng trồng một giống lưu niên khác, PR25, trên diện tích hơn một ha hồi tháng 8 và thu hoạch hơn 8 tấn ba tháng sau đó.

 “Chúng tôi tin tưởng vào lúa lưu niên”, ông quả quyết, thêm rằng ông đang dự định mở rộng diện tích canh tác của mình.

“Bình thường, trồng lúa rất khó kiếm tiền. Nhưng sau khi trồng lúa lưu niên, tôi hài lòng rằng chúng tôi có thể kiếm được một số lợi nhuận nhất định nếu quản lý tốt. Nông dân chắc chắn sẽ hưởng lợi nếu việc canh tác chúng được thúc đẩy”.

A2

Nông dân thu hoạch lúa lưu niên giống PR23 trên một cánh đồng ở tỉnh Quảng Tây sau vụ gieo cấy đầu tiên. Ảnh: SCMP.

Erik Sacks, giáo sư khoa khoa học cây trồng tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, Mỹ, đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay việc hạn chế cày xới khi trồng lúa lưu niên giúp bảo tồn đất và tích lũy chất hữu cơ.

“Đất chứa hàm lượng chất hữu cơ cao có năng suất nhỉnh hơn đất có chất hữu cơ thấp vì chất hữu cơ có thể giữ chặt các chất dinh dưỡng và cung cấp chúng cho sự phát triển của cây trồng”, ông giải thích, thêm rằng trồng lúa lưu niên còn giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước cần dùng.

Năng suất của nó đã được chứng minh là cao hơn khoảng một tạ so với những giống lúa hàng năm trong 4 năm đầu tiên, trung bình 6,8 tấn/ha mỗi mùa.

Zhang Shilai, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Trường Nông nghiệp Đại học Vân Nam, cho biết nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các giống lúa chịu lạnh, chịu nóng và kháng bệnh để chúng có thể được gieo trồng trên những khu vực rộng lớn hơn.

“Chúng tôi đã quảng bá lúa lưu niên trên khắp Vân Nam và giải quyết các vấn đề quan trọng nhất đối với nông dân, gồm năng suất, chi phí, hương vị và sản xuất ổn định trong nhiều mùa. Không ít người trong số những nông dân này trồng lúa để làm lương thực chính cho gia đình họ, vì vậy lúa lưu niên phải cạnh tranh được với các giống lúa khác”, ông nhấn mạnh.

Hồi tháng 4, Đại học Vân Nam và tổ chức nghiên cứu gen BGI Group đã thành lập một liên doanh lúa lưu niên, tập trung vào nội địa hóa quy mô lớn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng ghi nhận các thách thức về sâu bệnh và cỏ dại, những vấn đề có thể dễ dàng kiểm soát hơn đối với lúa hàng năm.

“Nhưng lúa lưu niên vẫn là một loại cây trồng rất mới và chúng tôi dự đoán rằng những phương thức canh tác phù hợp và giống kháng sâu bệnh mới sẽ tiếp tục được phát triển”, Tim Crews, đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học tại Viện Đất đai, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Kansas, Mỹ, đánh giá.

Những giống lúa lưu niên mới có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng là nước tiêu thụ gạo hàng đầu, chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu toàn cầu.

(Theo SCMP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.