Cánh đồng dưới chân núi lửa Nâm B’lang có diện tích khoảng 700ha, trong đó hơn 500ha trồng lúa nước, từ đó đưa xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô trở thành “vựa lúa” lớn nhất Đắk Nông. Nhiều năm qua, người dân nơi đây đã thực hiện cơ giới hóa sản xuất, trong đó sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc lúa.
Đưa công nghệ vào sản xuất lúa
Những năm qua, người dân tại xã Buôn Chóah đã canh tác lúa theo chuẩn VietGAP nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến năm 2023, người dân nơi đây tiếp tục đã áp dụng công nghệ, sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc lúa, giúp tiết kiệm được nhân lực, thời gian và hạn chế tiếp xúc với hóa chất.
Ông Nguyễn Văn Đức (ngụ thôn Nam Sơn) là 1 trong 2 trường hợp sở hữu máy bay không người lái phục vụ sản xuất lúa nước tại xã Buôn Chóah. Chiếc máy bay được gia đình ông Đức tự bỏ chi phí đầu tư, trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Ông Đức chia sẻ, thấy nhiều nơi người dân ứng dụng máy móc vào sản xuất nên ông đã tìm hiểu và mua máy về sử dụng. Chỉ mất một ngày tập bay, ông Đức đã biết sử dụng thiết bị chăm sóc lúa từ trên cao này.
Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, máy bay không người lái của gia đình ông Đức đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngoài phục vụ gia đình, ông Đức còn nhận phun thuốc bảo vệ thực vật cho rất nhiều hộ dân khác.
“Trung bình mỗi ngày tôi phun thuốc cho khoảng 6 - 7ha với giá là 350.000 đồng/ha. Qua một năm, việc sử dụng máy bay không người lái giúp tiết kiệm được nhân công, thời gian chăm sóc lúa và giúp nông dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ thực vật. Hiệu quả chăm sóc lúa được nâng cao rõ rệt”, ông Đức cho hay.
Ông Đức cho biết thêm, khi sử dụng máy bay phun thuốc, mỗi ha mất khoảng 15 phút. Đối với các thửa ruộng có diện tích lớn, phun thuốc bằng máy bay không người lái sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian hơn so với cách phun thuốc truyền thống.
“Hiện nay vị trí, diện tích và hình dạng các thửa ruộng đều được số hóa, hiển thị trên thiết bị điều khiển máy bay. Chúng tôi chỉ cần đổ thuốc vào bình chứa, sau đó cất cánh may bay. Toàn bộ việc phun thuốc sẽ tự động”, ông Đức nói thêm.
Còn bà Nguyễn Thị Xuyến (ngụ xã Buôn Chóah) cho biết, mỗi vụ lúa, gia đình sẽ phun thuốc từ 4 đến 5 lần. Trong đó, gia đình bà Xuyết phun xử lý cỏ, kích thích mầm và phòng trừ bệnh.
“Trước đây gia đình tự phun thuốc tốn thời gian và tiếp xúc trực tiếp với thuốc nên người mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi chuyển sang phun thuốc bằng máy bay, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ là xong toàn bộ diện tích lúa giúp gia đình tiết kiệm chi phí. Đặc biệt chúng tôi không tiếp xúc trực tiếp với thuốc nên sức khỏe được bảo vệ”, bà Xuyến thông tin.
Nâng cao hiệu quả sử dụng phân thuốc
Tại xã Buôn Choáh, ngoài máy bay không người lái của gia đình ông Đức, hiện HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh cũng đầu tư một chiếc để chăm sóc lúa. HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh là đơn vị đầu tiên trong số gần 300 HTX của tỉnh Đắk Nông đầu tư gần 400 triệu đồng mua máy bay để chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đinh Văn Thường, phụ trách kỹ thuật của HTX cho biết, khi cây lúa mắc sâu bệnh, sử dụng máy bay phun thuốc đạt hiệu quả cao hơn so với xịt thủ công thông thường như trước đây bởi máy bay sử dụng ít nước. Ngoài ra, tốc độ máy bay phun thuốc nhanh hơn thủ công, đồng thời không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Máy bay phun thuốc mỗi ha chỉ mất khoảng 15 phút. Trong khi phun thuốc bằng thủ công phải mất tới 3 giờ. Giá dịch vụ phun thuốc từ máy bay chỉ 350.000 đồng/ha, rẻ hơn khoảng 150.000 đồng so với phun thủ công.
“Một ưu điểm nổi trội nữa của máy bay không người lái giúp bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Máy bay cũng giảm rất nhiều công lao động trong quá trình chăm sóc lúa. Máy bay còn gieo sạ, rải phân đều hơn so với cách làm truyền thống. Trung bình, sử dụng dịch vụ máy bay gieo sạ, rải phân có chi phí ít hơn khoảng 30% so với trước đây”, ông Thường chia sẻ
Ông Đinh Đăng Linh, Giám đốc HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh cho biết, ban đầu, chỉ một số thành viên của HTX sử dụng máy bay chăm sóc lúa. Sau đó, các thành viên nhận thấy tính hiệu quả nổi bật của máy bay, nên nhiều nông dân đã sử dụng loại phương tiện này.
Qua đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Krông Nô, sử dụng máy bay sẽ tăng tính hiệu quả của thuốc, phân bón; giảm chi phí, nhân công. Trong gieo sạ, máy bay giúp giảm lượng hạt giống. Sử dụng máy bay chăm sóc cũng giúp cây lúa phát triển tốt hơn.
Krông Nô là địa bàn sản xuất lúa nhiều nhất tại Đắk Nông. Mỗi năm huyện gieo sạ 2 vụ lúa, trong đó mỗi vụ khoảng 2.600ha, riêng xã Buôn Choáh khoảng 650 - 750ha. Mỗi vụ lúa ngoài gieo sạ thì người dân ít nhất cần 8 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân. Hiện tại, có khoảng 60% tổng số hộ sử dụng dịch vụ máy bay không người lái chăm sóc lúa.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, nhiều năm qua, nông dân xã Buôn Choáh đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào canh tác. Hiện toàn xã Buôn Choáh có 2 máy bay không người lái, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, đặc biệt là hạn chế việc nông dân tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Đến nay khoảng 70% diện tích lúa của xã Buôn Choáh đã sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc.
“Máy bay không người lái có khả khả năng dập dịch nhanh, tiết kiệm thời gian quản lý dịch hại cho nông dân, không làm nát thân và lá cây lúa. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do không phải tiếp xúc với thuốc BVTV; giảm thiểu ảnh hưởng đến vi sinh vật đất, do đó giữ được kết cấu đất, giảm hiện tượng chai và phong hóa đất, giảm ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước”, ông Lộc nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho biết, bà con đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại để sản xuất lúa. Trong đó, máy bay không người lái là công cụ hiện đại nhất mà bà con sử dụng.
“Giá của một máy bay không người lái khá cao, nhưng nó lại giúp giảm rất nhiều công lao động, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật. Đây là ưu thế lớn, nên được bà con nông dân rất quan tâm. Ngoài cây lúa, nông dân còn sử dụng máy bay không người lái chăm sóc các cây trồng khác rất hiệu quả như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu...”, bà Hạnh thông tin.