Sức lan tỏa của Ấn Độ huyền bí

LÊ THỊ HƯỜNG - Chủ Nhật, 18/09/2022 , 10:39 (GMT+7)

'Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên' là cuốn tiểu thuyết nối dài niềm đam mê Ấn Độ của Hồ Anh Thái.

“Bập vào Ấn Độ như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay nhớ quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được nữa”, nhà văn Hồ Anh Thái từng thổ lộ như vậy. Tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” là cuốn tiểu thuyết nối dài niềm đam mê Ấn Độ của Hồ Anh Thái. Mảnh đất huyền bí với nhiều vỉa tầng văn hóa cổ luôn bám riết, “hành hạ” nhà văn, làm nên một vùng thẩm mỹ, một mảng đề tài, một series truyện về xứ thiêng Ấn Độ, rất riêng.

Nhà văn Hồ Anh Thái qua nét vẽ Kim Duẩn.

Hồ Anh Thái luôn tạo lực hút từ nhan đề tác phẩm. Xâu chuỗi toàn bộ tiểu thuyết của nhà văn, nhan đề chính là những mã ký hiệu. “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” gây ấn tượng về cách sắp xếp đồng đẳng, ngang phè giữa thiêng và phàm, thiện và ác (về nhân sinh); lịch sử, kiếm hiệp, du đãng/bợm nghịch, chương hồi (về thể loại). Đây là cuốn tiểu thuyết ngắn. Tất cả được nén lại. Tuy vậy, xu hướng ngắn hóa không làm giảm sức chứa của một cuốn tiểu thuyết về Ấn Độ cổ đại với những vùng đất, những con người được sử sách ghi danh.

Qua cái nhìn đa chiều của một nhà Đông phương học, Ấn Độ còn được trình hiện với những mặt vênh lệch. Đó là tình trạng phân chia thứ bậc, những bất bình đẳng, kỳ thị đẳng cấp đẫm máu; là mâu thuẫn giữa vương triều và tôn giáo; đối thoại và dung hòa giữa Bà La Môn và Phật giáo. Những tiểu vương quốc lộng lẫy thếp vàng che giấu phía sau là tội ác, mưu mô, tranh đoạt. Quyền lực và cuộc sống xa xỉ, dâm loạn của các quan chức/giáo sĩ Bà La Môn. Đó còn là những lễ hội, phong tục, nghi lễ hỏa táng, thủy táng trên dòng sông thiêng. “Mỗi ngày có hàng trăm hàng nghìn người chết được hỏa táng bên sông rồi tro cốt được rải xuống sông… Người chết nhờ thế mà mát mẻ trong nước và lên với cõi trời”.

Kiệm lời. Đa sắc thái biểu cảm. Những con chữ có độ kết tinh. Nhà văn đi từ bí mật hậu cung đến việc lớn triều đình; từ tinh thất bình an đến những chuyện rất đời; từ câu chuyện tình yêu mang màu sắc kiếm hiệp diễm tình đến những hận thù truyền đời khó buông bỏ. Những góc khuất trong giáo đoàn, khi các khất sĩ còn đang trên con đường tu tập, khi ánh sáng từ bi, không đẳng cấp, không hận thù vẫn còn là lý thuyết của một tôn giáo mới.

Một thoáng xao xuyến đồng giới trong chốn tu hành; một khoảnh khắc say sưa nghiêng ngả trên đường khất thực, những mâu thuẫn nội bộ giáo hội khiến Đức Phật “phiền lòng”. Nhà sư, hoàng hậu, ô cửa hẹp và một vòng tay ôm vượt trên cả lễ nghi. Một thoáng rưng rưng run rẩy khi người con gái (dẫu từng là một Nữ Chúa xuất quỷ nhập thần, diệt bạo cứu nhân) nhìn những lọn tóc rơi rơi khi tìm chốn bình yên nơi cửa Phật. Và một chớp nhoáng bất ngờ khi sư nữ gục xuống, vì một mũi tên tẩm độc của một gã bị “cắt chim”, bị tước bỏ đẳng cấp vẫn nuôi lòng thù hận. Thiện ác, ân oán luẩn quẩn. Hận thù ngỡ đã hóa giải vẫn ngoi lên giữa chốn thiện lành. Phải chăng là nghiệp?

Lịch sử cho thấy căn tính của một dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử cho thấy trí lực và tầm văn hóa của một nhà văn. Tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” viết về lịch sử nhưng không lệ thuộc sự kiện mà nhà văn đã trình hiện lịch sử theo cách của một cái-tôi-văn-hóa. Câu chuyện về lịch sử cổ đại Ấn Độ được cấu trúc theo lối cổ điển, phù hợp với chuyện xưa tích cũ.

Nội dung được triển khai từ một sườn truyện dựa trên trục nhân vật, vừa phân mảnh, vừa liên hoàn. Những nổi nênh phận người dồn nén qua lời tự bạch và dòng tâm trạng. Một cô gái thuộc “đẳng cấp bất khả tiếp xúc” trở thành Nữ Chúa. Một chàng trai si tình thành nhà sư kiêm điệp viên. Một hoàng hậu sống giữa biến loạn vương triều nhưng bằng thiên nhãn nhìn thấu cõi vô minh. Một tiểu vương đắm mình trong hoan lạc, mê muội dẫn đến mâu thuẫn giữa quý phi và hoàng hậu với những cái chết thảm thương. Cấu trúc theo trục nhân vật chỉ là bề mặt văn bản. Cấu trúc nội tại là những mối quan hệ chồng chéo giữa nhiều phương diện (tôn giáo, tín ngưỡng, luật tục, vương triều, tình yêu và cả bi kịch hồng nhan). Tất cả những vấn đề thuộc về một xứ sở, đã vượt thoát khỏi phạm vi lãnh thổ, xóa nhòa biên độ không thời gian, mang chứa nhiều vấn đề muôn thuở của con người. Từ câu chuyện lịch sử, dòng đời, khuôn diện cuộc sống cứ tươi ròng qua lối viết vừa ẩn vừa lộ đậm chất tiểu thuyết. Thiện ác, nhân quả, Trung đạo, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm, không chỉ là lý thuyết siêu hình mà đậm nhạt qua một cõi nhân sinh lộn lạo nhiều dục vọng, chênh vênh giữa buông bỏ và níu giữ hận thù. 

Tiểu thuyết "Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên" của Hồ Anh Thái.

“Chúng ta đã có Đức Phật là người chỉ đường. Con đường ấy là Trung đạo. Đấy là sự cân bằng. Mà hết thảy nhân loại đều lệch cán cân và mất thăng bằng”. Sự xóa bỏ đẳng cấp chính là cốt lõi nhân văn trong tiểu thuyết có cái tên rất bợm nghịch này. Mỗi người một thân phận đều gặp nhau dưới ánh đạo hằng của Đấng Giác Ngộ - những con người thuộc đẳng cấp trên quyền lực, đầy tội lỗi và những số phận thuộc đẳng cấp dưới đầy bi kịch đau thương.

Tất cả đều được tái sinh, từ một tôn giáo mới, giáo chủ là Đức Phật, là đấng giác ngộ muôn loài. “Tôn giáo ấy không câu nệ đẳng cấp mà nói rằng mọi người đều ngang bằng bình đẳng”. Không để cho Đấng Giác Ngộ xưng ta, tự kể về mình là sự lựa chọn hợp lý của nhà văn. Phật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là một “nhân vật” đồng đẳng với các nhân vật khác, không đẳng cấp, chẳng quyền uy. Nhà văn không giải thiêng cũng chẳng tụng ca. Từ chiều cạnh lịch sử, tác giả tái hiện Đức Phật như một vị đứng đầu giáo hội, đại diện cho một giáo phái mới còn xa lạ, có khi đối nghịch với các tôn giáo khác ở các tiểu vùng Ấn Độ thời cổ đại.

Thậm chí, có lúc Phật “lúng túng” trước cách ứng xử của một tiểu vương quốc; mâu thuẫn trong giáo hội, những biểu hiện sai trái của những khất sĩ có lúc còn vướng buộc bởi sân si trần thế. Đức Phật “phiền lòng” vì chuyện sư uống rượu, chuyện xếp hàng trước nhà vệ sinh, chuyện ẩu đả giữa các pháp hữu và sự mất đoàn kết giữa các giáo đoàn. Đối thoại tôn giáo đặt ra gay gắt nhưng cuối cùng là dung hòa - “Hai tôn giáo khác nhau, nhưng lúc này đều chung một thiện ý. Họ sẽ là những hài nhi mới sinh ra trong một nguồn học thuyết mới, trong một hệ thống đạo đức mới”.

Ấn tượng để lại từ tác phẩm là tình huống bác sĩ chia tay con gái để tiến cung và hẹn gặp lại con ở bến sông. Vị bác sĩ âm thầm làm công việc “cắt mổ khâu vá” các phạm nhân, thiến đi “công cụ làm ác”, để trả thù riêng, trả thù đời. “Bọn ấy không bị treo cổ không bị vùi xác mà tất thảy đều bị cắt chim, rồi bị tập trung cải tạo trên một hòn cù lao hoang vắng trên đầu nguồn sông Hằng. Cắt chim. Bởi vì đấy là cái công cụ dữ tợn mà chúng thường sử dụng với đám đàn bà con gái đẳng cấp thấp trong làng”.

Oán thù ngỡ nguôi ngoai cởi bỏ khi hàng trăm phạm nhân mất nam tính, mất đẳng cấp cao đã được tái sinh. Khi trên đảo không còn những gã đàn ông bị trừng phạt bằng hình phạt nhục nhã, đau đớn còn hơn cả cái chết. “Nhưng cởi ra gỡ ra bằng cách nào đây?”.

Khó có thể xóa bỏ thù riêng, vị bác sĩ âm thầm biến đứa con gái nuôi mơn mởn, hồn nhiên, tràn trề dục lạc thành độc nhân. “Cô là một Vishkanya, một độc nhân, không chỉ là độc dược mà là một độc nhân, một người mà cả thân thể của mình là bầu thuốc độc”. Lại một thiếu nữ tiến cung, không phải để mỏi mòn chờ kiệu ngựa vua ngẫu nhiên dừng lại ở bó cỏ tươi non (“ngựa dừng lại ăn bó cỏ trước phòng nào thì cung phi trong phòng ấy được chọn. Lúc ấy đám cấm vệ mới rầm rập chạy đến, chăng đèn kết hoa. Đám nữ tì chuẩn bị trà nước và một điếu cần sa. Giường đệm được thay mới. Trầm được đốt lên. Xạ hương được vẩy khắp”) mà làm vật hiến tế, để tiêu diệt cái ác. Lại một bông hoa tàn rữa vì một gã đàn ông đẳng cấp cao, gã đàn ông ấy mặc hoàng bào, khuôn mặt “phảng phất buồn” che giấu con quỷ dâm dục bên trong. Tiểu vương có khuôn mặt trầm lặng ấy là kẻ hoang dâm vô độ “bắt hết đàn bà con gái về hậu cung”, dung túng cho quý phi từ đẳng cấp hạ tiện lên chốn mẫu nghi, khuynh loát vương triều.

Cuộc hẹn đắng lòng. “Người cha biết rất rõ rằng mỗi Vishkanya là một thứ thuốc độc chỉ dùng một lần rồi bỏ. Khi kế hoạch thành công thì đứa con gái nọ không thể nào chạy ra được khỏi hoàng cung”. Hận thù khó buông bỏ. Một đời xóa không xong.

“Sẽ không bao giờ nó chạy được ra đến bến sông này”. Nhà văn buông một lời kết nhẹ tênh nhưng trĩu nặng trầm tư, để lại ấn tượng sâu đậm, tạo sức lan tỏa của câu chuyện về lịch sử Ấn Độ huyền bí. Một đất nước thờ toàn nữ thần sao nam quyền thống trị? Một xứ sở thần linh sao dòng sông thiêng không rửa sạch được khổ nạn người?                                                                                  

LÊ THỊ HƯỜNG
Tags:
Tags:
Tin khác
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.