Tại sao ở miền Bắc có tục cải táng, miền Nam không?

. - Thứ Năm, 23/06/2022 , 08:24 (GMT+7)

Trong chương trình Midnight Talk 20 Nguồn gốc người Việt, một khán giả miền Nam hỏi rằng tại sao ở miền Bắc có tục cải táng mà miền Nam lại không có.

Hình ảnh minh họa một đám tang của một quý tộc vào thế kỉ 17 ở Việt Nam.

Các chủ tọa có vẻ cũng bối rối trước câu hỏi này, và có lẽ cũng nhiều người thắc mắc, nay trong phạm vi bài viết này tôi thử lý giải điều đó, với tư cách là một người đã có những trải nghiệm thực tế.

Cải táng hay còn gọi bằng các từ như bốc mộ, bốc mả, cải mả, sang cát, sang tiểu là một tập tục mà sau khi người chết đã ba năm đoạn tang rồi hoặc vài năm nữa, thì con cái sẽ tiến hành cải táng. Cải táng tức là đào huyệt mộ lên, nhặt xương của người chết, bỏ vào tiểu sành hoặc quan quách rồi đem đi chôn chỗ khác.

Giải thích cho lý do tiến hành cải táng, sách Việt Nam phong tục lý giải có bốn cớ như sau. Một là nhà nghèo, khi chôn dùng ván kém chất lượng, đến khi ván hư nát sẽ động tới thi hài. Hai là chỗ chôn đất mối kiến, lũ lụt. Ba là gia đình người sống gặp chuyện không may, thì cũng cải táng bởi có thể do chôn người chết ở chỗ đất xấu. Bốn là gia đình đó muốn cầu công danh phú quý.

Nhìn lại lịch sử, người xưa đã quan tâm tới Đạo gia tiên từ rất sớm, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Đà làm vua ở Nam Việt, nhưng có lần nói với sứ giả nhà Hán rằng mồ mả tôi nay ở Chân Định. Sách An Nam chí lược chép về phong tục người dân thời Trần ở Đại Việt vào thế kỉ 13: “Ngày mồng một tháng mười (lương nguyệt), có trưng bày hào - soạn để cúng ông bà, gọi là cúng "tiến tân" (cơm mới)”.

Sử cũng chép những sự kiện liên quan tới hài cốt người chết, như việc nhà Minh sai đào hài cốt cha Lê Lợi, và ông phải sai người lấy lại; hay việc Nguyễn Ánh phải dùng lễ "chiêu hồn nạp táng” để chôn lại cho cha mẹ mình, một nghi lễ mà do mất đi hài cốt, phải dùng thân cây đẽo lại hình người, gọi hồn người chết nhập vào đó và chôn lại vào phần mộ. Chứng tỏ vào thời cổ người dân đã có những sinh hoạt tín ngưỡng về Đạo gia tiên và hài cốt là một phần quan trọng của tín ngưỡng.

Trở lại với cách giải thích của sách Việt Nam phong tục cũng có lý, tuy nhiên nó không phải là lý do chính để cải táng hay không ở một số cộng đồng người. Ví dụ cộng đồng nơi tôi đang sống, ở Nghệ Tĩnh, nơi có truyền thống dòng họ rất mạnh mẽ với các dòng họ nổi tiếng như họ Hồ ở Quỳnh Lưu, họ Nguyễn Cảnh ở Thanh Chương... Truyền thông dòng họ ở đây về mặt bản chất nghĩa là gì? Nó bắt nguồn từ việc thờ cúng gia tiên đã thành tục lệ tín ngưỡng của mỗi gia đình nên được tôn sùng gọi là Đạo gia tiên, sau đó là sự yêu thương, đùm bọc nhau không chỉ trong gia đình mà còn anh em trong dòng họ. Văn hóa dòng họ có thể nói có hai phần, phần âm và dương, phần dương tức là phần dành cho đời sống, ví dụ như làm việc để sinh kế, còn phần âm là phần dành cho tổ tiên, những người đã khuất trong dòng họ, ví dụ như việc tế tự.

Hiện nay ở Nghệ Tĩnh đa phần mỗi dòng họ đều có nhà thờ lớn nhất gọi là Nhà thờ Đại tôn, trong mỗi họ thì chia ra các chi, mỗi chi đều có nhà thờ riêng gọi là nhà thờ Trung tôn. Mỗi chi đều có một khu đất riêng trong nghĩa địa để chôn người trong chi đó. Nếu người nào chết thì sau hơn 3 năm, người nhà tiến hành bốc mả và đưa lên nghĩa địa chung của chi họ. Ví dụ như dòng họ Đặng Đình của tôi ở xã Thanh Liên, ông tổ vào Thanh Chương lập nghiệp, sinh ra được 6 người con trai, thì thành 6 chi họ, 6 chi đều có nhà thờ Trung tôn riêng, hàng năm có 2 ngày giỗ chung lớn nhất là ngày giỗ ở nhà thờ Đại tôn và ngày giỗ ở nhà thờ Trung tôn.

Hình ảnh mô tả những sinh hoạt và kiến trúc của người dân thời Đông Sơn.

Tại sao lại phải tốn các thủ tục khá phức tạp, nhất là vào thời phong kiến chẳng hạn, thứ nhất đó là một tập tục mà về mặt tâm linh nhiều người tin rằng việc chôn chung với nhau như vậy, sẽ mang lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho người đã chết, vì họ có thể được ở gần nhau, gồm vợ chồng, anh em, chú bác… tức theo nguyên tắc "dương sao, âm vậy”. Thứ hai, việc chôn ở nghĩa trang chung, đảm bảo rằng phần mộ đó sẽ được thay phiên nhau chăm sóc từ con cháu đời sau. Bởi vì tất cả các thành viên còn sống sẽ phải có trách nhiệm bảo quản và chăm sóc nghĩa trang. Những người không có con trai, gọi là “tuyệt tự”, do có nhà thờ và nghĩa trang chung, sẽ được đảm bảo rằng họ vẫn sẽ được cúng tế ở nhà thờ và mộ phần được chăm sóc chu đáo.

Nguyên tắc đặt mộ là mộ ông bà tổ tiên ở hàng trên cùng, mộ vợ cạnh mộ chồng, “nam tả, nữ hữu”, sau đó là các đời tiếp sau. Những người tự tử không được phép chôn trong nghĩa địa chung. Vì vậy những người còn sống khi lên nghĩa trang sẽ biết mình sẽ được chôn ở thứ tự nào trong đó, biết được vị trí của tổ tiên qua thứ tự, hình thành một nhân cách theo tôn ti trật tự rất đặc biệt. Việc những ai tự tử không được chôn trong nghĩa trang chung cũng là lời răn cho con cháu, phải sống có trách nhiệm, không được phép tự hủy hoại bản thân.

Còn tại sao miền Nam không có tập tục cải táng, có lẽ nó phát xuất từ việc truyền thống dòng họ đã phai tàn khi người dân di cư vào đây. Nhiều gia đình duy trì tục thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên đa phần không có nhà thờ chung, gia phả, hay nghĩa trang chung để tế tự như ở ngoài miền Bắc.

Ngoài việc tìm hiểu tập tục văn hóa qua việc cải mả, chúng ta cũng nhận thấy rằng những mặt tốt đẹp của người xưa, khi đặt ra các qui tắc, cách thực hành tín ngưỡng vừa để giữ gìn truyền thống biết nhớ tới người đã khuất, từ người trực tiếp sinh ra mình, tới bậc tổ tiên, vừa không quên nguồn cội, vừa để răn dạy thế hệ sau sống phải có trách nhiệm và có tôn ti trật tự, không chỉ trong gia đình, dòng họ mà còn với cả xã hội.

Đặng Quỳnh Lê

Tư liệu tham khảo:

1. Việt Nam phong tục, Tác giả Phan Kế Bính. Nhà xuất bản Văn học, 2005, trang 37, 38.

2. Việt Nam từ điển, quyển thượng, Nhà sách Khai trí, 1970, trang 156.

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Thời đại, 2013.

4. Lam Sơn thực lục, Nhà Xuất bản Tân Việt, 1944, Dịch giả Mạc Bảo Thần.

5. Đại Nam nhất thống chí Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 2006.

6. https://www.youtube.com/watch?v=srF-aCjZm5w Link về Video với nội dung Nguồn gốc của người Việt, Một góc nhìn phi chính thống, phần 4.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.