Thứ Ba 19/11/2024 , 16:31 (GMT+7)

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Thứ Ba 19/11/2024 , 16:31 (GMT+7)

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nhà giáo Lê Minh Vũ.

Nhà giáo Lê Minh Vũ.

Tâm sự nghề nghiệp của nhà giáo, thì không biết nói sao cho đủ. Tôi công tác trong ngành giáo dục tính đến nay thấm thoát đã gần 30 năm. Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, bỗng giật mình không ngờ thời gian lại trôi nhanh quá.

Ngày ấy, khi chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi thật sự băn khoăn đứng giữa ngã ba đường, không biết rẽ theo lối nào cho ước mơ nghề nghiệp của mình. Năm cuối cấp, tôi ước mơ theo học ngành báo chí. Niềm đam mê và sở thích viết lách lúc bấy giờ cứ thôi thúc tôi mãi. Tôi đã có thơ, văn đăng các báo và tạp chí từ năm học lớp 10. Chính điều đó càng làm cho tôi nung nấu ước mơ bay bổng của mình. Mong muốn trở thành chàng sinh viên Khoa Văn- Trường Đại học tổng hợp TPHCM theo tôi đi vào từng giấc ngủ.

Những năm ấy, gia đình tôi gặp không ít khó khăn về kinh tế. Nghề nông lam lũ, vất vả nuôi sáu đứa con đã vắt kiệt sức, làm cho ba tôi ngã bệnh. Tôi nhớ trong bữa cơm chiều, ba nhìn tôi buồn rầu nói: “Con coi thi vào trường nào ở tỉnh mà học, ba không lo cho con đi Sài Gòn học nổi đâu”.

Ba nói dứt khoát mà lòng nghẹn đắng. Bầu không khí gia đình trở nên nặng nề. Tôi nuốt vội chén cơm cùng với nỗi buồn vụn vỡ trong lòng: “Dạ, con học ở đâu cũng được”.

Tôi thi vào khoa Ngữ văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé, với mong muốn viết tiếp ước mơ văn chương. (Khi đó, tỉnh Sông Bé chưa tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Học sư phạm, tôi vẫn có thể viết báo. Học sư phạm, tôi vẫn có thể sáng tác thơ văn. Và quan trọng nhất là tôi sẽ có học bổng, đạp xe đi về mỗi ngày, không phải xin tiền gia đình nếu như phải sống giữa đất Sài Gòn hoa lệ.

Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên sư phạm trong trạng thái chẳng vui cũng chẳng buồn. Lớp chỉ có năm thằng con trai. Bốn đứa ở nội trú, còn tôi ngày hai buổi đạp xe đi về. Thời sinh viên tôi làm thơ, viết văn bằng cả niềm say mê thôi thúc khi được các tạp chí, tuyển tập như Áo Trắng, Tuổi Hồng, Hoa Học Trò, Mực Tím, Bạn Ngọc, Nữ Sinh… đăng bài thường xuyên. Chúng tôi – những cây bút cùng địa phương, đã tìm đến với nhau lập nên Bút nhóm Dòng Sông Xanh, thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sáng tác và thi nhau gửi bài cho các báo, tuyển tập. có thơ, văn đăng báo vừa nổi tiếng như cồn, được mọi người ngưỡng mộ, vừa có chút ít tiền nhuận bút tiêu vặt cũng hay.

Kể ra cũng có những lựa chọn khác, khi tôi được các anh chị, thầy cô thương mến. Đầu tiên là anh T. ở tỉnh đoàn. Hồi còn sinh viên, tôi hoạt động khá tích cực được tham gia Liên hoan điển hình tiên tiến trong phong trào sinh viên học sinh, nên anh T. để mắt tới, có nhã ý muốn tôi về tỉnh đoàn công tác sau khi tốt nghiệp. Tham khảo ý kiến mọi người, tính tới tính lui, tôi vẫn muốn làm thầy giáo đứng trên bục giảng. 

Về phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bến Cát với ưu tiên số một trong danh sách, một lần nữa tôi lọt vào tầm ngắm của cô trưởng phòng. Cô giữ tôi lại bố trí công tác tại phòng, mà không cho về trường như các bạn khác. Tuổi trẻ với ước mơ chỉ muốn được trước tiếp đứng lớp giảng dạy, nên một lần nữa tôi cương quyết không nhận nhiệm vụ tại phòng giáo dục của huyện.

Tôi đi dạy khi mới vừa tròn 21 tuổi.

Ngôi trường mà tôi công tác đầu tiên ở vùng nông thôn của ba xã Phú An, An Tây, An Điền nằm phía tây nam của huyện Bến Cát và cách huyện Củ Chi - TPHCM một khúc sông Sài Gòn. Ngôi trường mang tên có ý nghĩa rất địa lý: Trường Trung học cơ sở Tây Nam.

Thời gian này, tôi vẫn sáng tác đều đặn. Tôi bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay khi mà những dòng thơ không thể chuyển tải hết những tâm sự nghề nghiệp. Năm 1997, tôi đoạt giải thưởng “Truyện ngắn hay trong năm” do Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương trao tặng. Thành công bước đầu càng làm cho tôi hứng khởi bằng những sáng tác mới. Dạy học và sáng tác thơ văn, tôi say mê với những trang viết tràn đầy khát vọng.

Tập thơ 'An nhiên dưới mái trường' của nhà giáo Lê Minh Vũ.

Tập thơ "An nhiên dưới mái trường" của nhà giáo Lê Minh Vũ.

Công tác ở Trường Trung học cơ sở Tây Nam được 4 năm, tôi xin chuyển về Trường phổ thông trung học Bình Phú, ngôi trường cũ ngày trước tôi từng học. Về lại trường xưa, được gặp lại thầy cô cũ, biết bao cảm xúc dâng tràn. Tôi viết liền một mạch: “Có những điều bình thường lắm các em ơi! Tấm bảng đen cũng như là mảnh đất. Viên phấn trắng thầy gieo mầm kiến thức, cho ước mơ em thành hiện thực bội mùa. Cuộc đời thường còn lắm nỗi ưu tư. Thầy nhìn xuống thấy những thiên thần mắt biếc. Đứng giữa lớp là chẳng còn so hơn thiệt, bỏ lại bên ngoài những trăn trở, bon chen.

Từ ngôi trường này các em tung cánh khắp trăm miền. Thầy vẫn thế sớm chiều trên bục giảng. Sổ sách, bình hoa, khăn lau, hộp phấn, và nhìn cuộc đời qua bốn cạnh bảng đen.

Thầy giảng bài bằng nhiệt huyết con tim. Bằng rung động của từng viên phấn cuội. Khép trang sách vẫn còn nghe bối rối, khi cuộc đời còn bao nỗi băn khoăn. Ánh mắt học trò trong sáng hiền ngoan, những câu hỏi về tương lai rất thật. Ngoài cổng trường đường đời xa tích tắp. Hành trang em mang từ lớp học hôm nay. Những cánh chim vượt bão giông bay, hãy vững tin về khung trời xanh rộng.

Giữa thầy cô ngày xưa và học trò hôm nay, những nhịp cầu nối bến bờ hạnh phúc. Các em ơi! Các em nào hiểu hết tấm lòng thầy luôn rộng mở, bao dung. Sân trường đầy hoa nắng lá bàng rung. Ôi, áo trắng các em hồn hậu quá! Thầy đứng lặng yên như một người khách lạ, lạc giữa thiên đường nhớ quay quắt một thời xa”.

Tâm sự nghề nghiệp cũng được tôi gửi gắm vào thi ca: “Gởi tặng em những ước mơ tinh khiết/ Giọt sương trong của buổi sớm đầu ngày/ Thiếu ngôn ngữ để thầy bày tỏ/ Những nỗi niềm trước ánh mắt thơ ngây…/ Rồi mai mốt em xa thời áo trắng/ Như cánh chim tung cánh giữa bầu trời/ Đừng gục ngã dẫu cuộc đời cay đắng/ Không hoa thơm và thiếu những nụ cười/ Thầy đã sống và không hề nuối tiếc/ (Ai lại so đo nhân nghĩa với bạc tiền)/ Cả một đời ra vào khung cửa hẹp/ Mong con đường em bước rộng thênh thênh”.

Nghề giáo đã gắn bó với cuộc đời tôi bao nhiêu năm thì nghiệp văn chương cũng từng ấy năm song hành không dứt. Càng công tác, càng thấy yêu nghề giáo mình đã chọn. Tuy nhà văn, nhà báo, nhà giáo cộng lại thành nhà nghèo, nhưng tôi luôn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc khi được sống trọn vẹn với đam mê và khát vọng.

Ở môi trường giáo dục, năng lực của tôi được cấp trên ghi nhận, đề bạt và bổ nhiệm làm công tác quản lý giáo dục. Với văn chương, tôi đã xuất bản được bốn tập sách và đạt nhiều giải thưởng. Tôi luôn tự hào vì mình đã bốn lần liên tiếp đạt Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương.

Bây giờ, tôi đã ở tuổi 50, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, bỗng hiểu ra rằng nghề dạy học và nghiệp văn chương giúp cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa và hạnh phúc.

Tin khác

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 5h trước
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24h trước
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/11/2024
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/11/2024
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/11/2024