Cô giáo dạy vẽ Lê Thị Kim Bạch đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam. Cô giáo Lê Thị Kim Bạch từng đứng trên giảng đường Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Trường Đại học Văn Lang…
Bên ngoài môi trường giáo dục, cô giáo dạy vẽ Lê Thị Kim Bạch lại được mến mộ như một nữ họa sĩ hàng đầu nước ta. Bà thổ lộ: “Song hành với cuộc đời của một họa sĩ, tôi là một cô giáo dạy vẽ. Vì thế trong con người tôi có sự giao thoa giữa sự lãng mạn, bay bổng của một nghệ sĩ và sự nghiêm cẩn, chững chạc của một nhà giáo. Điều đáng mừng là làm hai công việc với những cách thể hiện khác nhau nhưng tôi vẫn được sống trong thế giới đầy huyền bí”.
Nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch sinh năm 1938 tại Tân An- Long An, nhưng quê quán ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc, học trung cấp mỹ thuật tại Hà Nội, rồi học đại học mỹ thuật ở Liên Xô. Nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch nổi tiếng với các tác phẩm tranh lụa, và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Triển lãm “Dòng chảy của lụa” được Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như một sự tri ân dành cho nữ họa sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật bằng giá trị truyền thống của chất liệu có thời gian tưởng đã mai một. Triển lãm “Dòng chảy của lụa” cũng là cơ duyên để những người yêu quý họa sĩ Lê Thị Kim Bạch được dịp thưởng lãm một phần trong số những tác phẩm mà bà đã chắt chiu sáng tạo cả cuộc đời.
60 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm “Dòng chảy của lụa” cho thấy sự đa dạng đề tài trong bút pháp tranh lụa mang thương hiệu Lê Thị Kim Bạch. Cách bà vẽ phong cảnh, chân dung hay tĩnh vật đều toát ra một vẻ đẹp quyến rũ, khó nhầm lẫn với bất kỳ ai.
Năm 2001, nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, với những tác phẩm “Chân dung chiến sĩ cách mạng Bà Điểm, Hóc Môn”, “Hoa trái quê hương”, “Bến xe ngựa chợ Bà Điểm”…
Không chỉ là cô giáo dạy vẽ và họa sĩ lừng lẫy, Lê Thị Kim Bạch cũng rất được tín nhiệm trong giới chuyên môn. Bà có nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Hà Nội và Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Đóng góp tận tụy cho nghề sư phạm và nghề cầm cọ, nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch thổ lộ: “Tôi không có gia đình! Có tranh xung quanh mình nên tôi không thấy cô đơn. Làm được điều mình thích, mình đam mê là hạnh phúc rồi. Nhiều người nói rằng tôi hi sinh vì nghệ thuật. Điều đó không đúng. Vì nếu gặp được người mình yêu thì không chừng có thể bỏ cả nghệ thuật đấy chứ”.
Trên chặng đường phát triển của hội họa Việt Nam, dấu ấn lưu lại của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch chiếm vị trí không nhỏ. Không chỉ cống hiến tư duy, quan điểm nghệ thuật mới mẻ mà bà còn phá vỡ định kiến về giới trong nghệ thuật. Nhiều tác phẩm của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch diễn đạt được chiều sâu của nội tâm và đặc trưng về con người miền Nam dung dị, nhân hậu nhưng rất kiên cường, bất khuất.
Nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch vẽ rất nhiều, nhưng bà không hề bán một bức nào. Có nhiều tác phẩm chân dung được bà vẽ xong, thì tặng lại cho chính nhân vật mà thôi. Vì vậy, ngoài gần chục tác phẩm được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hầu như hiếm gặp tác phẩm của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch trong các bộ sưu tập tư nhân.
Cho nên, không phải ngẫu nhiên, triển lãm “Dòng chảy của lụa” thu hút sự chú ý của công chúng. Và giới mỹ thuật đều có chung đánh giá, cuộc đời của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch cũng là một tác phẩm, không đồ sộ về khuôn khổ, không ồn ào khoe khoang nhưng bút pháp rất trầm lắng, sâu đậm, nhẹ nhàng và quyến rũ.