3 xã thí điểm chỉ tồn tại 1
2 xã là Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) và Nam Thắng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thì không còn bóng tằm.
TS Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương phân tích, nguyên nhân do nuôi tằm trên nền yêu cầu phải có nhà nuôi riêng, phải có diện tích mặt bằng rộng, những điều kiện rất khó ở dưới vùng đồng bằng đất chật người đông.
Lúc thí điểm mô hình trong những ngôi nhà truyền thống Bắc bộ có ban thờ đặt giữa, hai gian hai bên, người dân phải dọn hết đồ đạc như giường tủ, bàn ghế đi để dành chỗ cho nuôi tằm, còn người dồn lại vào ở một gian hoặc dưới nhà ngang.
Kết thúc hội nghị đánh giá tốt đấy nhưng sau đó người dân lại kê đồ vào ở, lại trở về với cách nuôi trên nong như cũ. Công nghệ nuôi tằm trên nền nhà hiện đã phổ biến ở tỉnh Yên Bái, còn trên phạm vi cả nước ước chiếm khoảng 80%.
Sau này, nuôi tằm trên nền nhà ngày càng giúp cho mọi việc đơn giản dần, không còn phải bắt những con tằm chín cho lên né nữa mà khi tằm chín đều, dồn vào luống rồi chỉ việc đặt né vào giữa để chúng tự bò lên, nhàn tênh.
Trước có né rơm, né tre, sau này phát triển né gỗ vuông, từng con một, mỗi con một tổ cứ thế bò lên, khi thu hoạch thay cho nhặt đã có bàn dập, đỡ công gỡ.
Cũng bởi lý do trước kia nuôi tằm trong nhà ở nên không tiến hành sát trùng được, giờ nuôi trong nhà riêng nên sát trùng đầy đủ giống như lợn nuôi trong chuồng kiểu công nghiệp. Ngoài khử trùng, hàng ngày người nuôi còn rắc vôi trắng xóa lên thân tằm để vừa sát trùng vừa làm khô khu vực nuôi. Ngoài ra, hiện tại đã có nhiều loại thuốc phòng trừ bệnh hiệu quả cho tằm.
Về giống dâu, trước năm 1970 là giống bản địa, năng suất chỉ 12-15 tấn lá/ha, từ năm 1970 đến 1993 ta chọn tạo theo hướng tam bội thể, đạt năng suất 25 tấn/ha, từ năm 1993 phát triển theo hướng dâu lai, đạt năng suất 30 - 35 tấn/ha. Hiện, các giống dâu mới đang chiếm khoảng trên 90%.
Về giống tằm, trước đây là tằm kén vàng, vỏ rất mỏng, sau đó kén vàng lai rồi đến lưỡng hệ kén trắng. Bắt đầu từ năm 1993 Tổng Công ty Dâu tằm tơ gặp suy thoái, hệ thống nhân giống tằm chao đảo dần.
Sau khi Tổng công ty Dâu tằm tơ vỡ nợ bị sụp đổ, hệ thống nhân giống tằm cũng sụp đổ theo. Mấy chục cái trại tằm trong cả nước từ đồng bằng Bắc bộ đến những vị trí đắc địa, mát mẻ ở miền núi như Mộc Châu (Sơn La), miền Trung như Bà Nà (Đà Nẵng), Tây Nguyên như Bảo Lộc đều bị tan rã, bị bán mất.
Trong thời điểm nhập nhằng đó, các tư thương nhập trứng từ Trung Quốc về, bắt đầu phổ biến dần đến quãng năm 2000 là chiếm hết thị phần tằm kén trắng. Giống nội chỉ còn co cụm lại ở tằm kén vàng và tằm sắn, chiếm quãng 15 - 20%.
Đến năm 2012, diện tích trồng dâu ở Việt Nam ngừng giảm, bắt đầu tăng lên, hiện đạt 13.938ha, gấp đôi thời kỳ thấp nhất nhưng không bằng 1/2 thời đỉnh cao, tuy nhiên sản lượng kén giờ hơn 16.824 tấn, không kém mấy thời kỳ cao nhất.
Sản lượng tơ năm 2021 của ta đạt 1.067 tấn, đứng thứ 4 thế giới, xuất khẩu được 72 triệu USD, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Uzbekistan, còn cao hơn cả thời kỳ huy hoàng nhất ở thập niên 90.
Trên thế giới, trong khi các quốc gia khác vẫn đang trên đà giảm diện tích dâu tằm, chỉ có một số nước quay trở lại phát triển, trong đó Việt Nam tăng thứ bậc nhanh nhất, còn Thái Lan, trước đây có rất nhiều diện tích dâu vẫn chưa khắc phục được đà giảm.
Về công nghệ ươm tơ, trước các nhà máy ươm tơ kiểu thủ công và cơ khí, giờ hầu hết đã đổi sang ươm tơ tự động, năng suất lao động cao hơn nhiều mà chất lượng tơ đã được cải thiện rất rõ rệt. Trước đây chỉ đạt cấp E, cấp G nay đã đạt đại trà cấp 2A.
Những làng nuôi tằm làm thực phẩm
Theo TS Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, xưa nuôi tằm chủ yếu mục đích lấy tơ, giờ là đa mục đích. Con tằm rất kị hóa chất, lá dâu chúng ăn cũng thế, không phải dùng bất cứ thuốc BVTV nào. Đầu vào sạch, đầu ra chúng là một thực phẩm nghiễm nhiên an toàn, hợp với xu thế thực phẩm của tương lai gồm những loại côn trùng giàu dưỡng chất.
Trước bảo quản kén bằng sấy rồi lưu kho, giờ cho vào container lạnh để ươm dần bởi thói quen của người Việt là ăn nhộng. Bảo quản lạnh giúp cho nhộng bán được, là một trong những yếu tố giúp cho người ươm tơ sống được trong thời gian vừa qua nhờ tăng nguồn thu.
Còn các quốc gia khác thì không có thói quen ăn nhộng nên sấy khô kén, ươm tơ rồi đem nhộng đi chế biến thành thức ăn gia súc.
Xuất phát từ giai đoạn biến động thị trường, không tiêu thụ được tơ nên người nuôi phải bán tằm chín hay cắt kén bán nhộng, ở Việt Nam đã dần hình thành lên thị trường nuôi tằm bán nhộng ở những vùng nuôi tằm truyền thống.
Như xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có khoảng 250ha dâu chuyên dùng để nuôi tằm nguyên (tằm vàng) lấy nhộng. Trong nhà họ lúc nào cũng có mấy lứa tằm, lứa tuổi 1, tuổi 2, lứa sắp chín, lứa đang đẻ trứng. Với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg kén, dù năng suất chỉ 5 - 6kg kén/vòng trứng nhưng nuôi tằm kiểu này vẫn cho hiệu quả kinh tế khá. Ngoài tỉnh Thái Bình ra khu vực tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi nơi đều có vài chục ha trồng dâu nuôi tằm lấy nhộng như vậy.
Nếu như dâu tằm là cây trồng riêng biệt nên có thể thống kê được diện tích, từ đó suy ra sản lượng tằm, tơ thì sắn là cây trồng lấy củ, chỉ một số nơi tận dụng lá để nuôi một loại tằm đặc biệt là tằm sắn nên không thể thống kê được sản lượng. Chỉ có thể ước lượng thông qua số lượng trứng mới ra sản lượng của tằm sắn.
Nuôi tằm sắn là kiểu kinh tế cộng sinh khi người nuôi tằm không phải trồng dâu cũng chẳng phải trồng sắn mà tận dụng những vùng sắn sẵn có, hàng ngày khai thác dưới 1/3 số lượng lá để không ảnh hưởng đến củ bên dưới đất.
Đó là điển hình của kinh tế tự cung tự cấp nhưng dần dần cũng chuyển theo hướng hàng hóa dần, khi tằm chín mang ra chợ bán như các loại hàng hóa khác. Ưu điểm của tằm sắn là sức đề kháng khỏe, tạo thành thực phẩm là tằm chín được người dân trong khu vực ưa chuộng.
Có hẳn một làng sản xuất tằm sắn giống và tằm sắn thịt ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông Vi Tiến Cường, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho tôi biết, trước đây, chủ yếu trên địa bàn người dân trồng bạch đàn, chu kỳ 5 năm, khai thác bán gần 100 triệu/ha, tương đương chưa được 20 triệu/ha/năm.
Từ hồi người dân chuyển đổi sang trồng sắn lấy lá nuôi tằm, thu hoạch 200 triệu/ha/năm, gấp tới 10 lần. Sau năm đầu tiên hái lá, người ta chặt thân sắn đi, để lại gốc cho lên chồi để lấy lá tiếp, hết năm thứ hai thì đào củ bán để làm thức ăn chăn nuôi.
Ước tính, cả xã hiện có khoảng 300 lao động tham gia vào nuôi tằm sắn thịt và tằm sắn giống, cung cấp hầu hết lượng giống cho cả miền Bắc, đem lại doanh thu mỗi năm tới 60 tỷ đồng. Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa... đều có thể nuôi tằm sắn tương tự Phú Thọ.
Để tìm hiểu về cách con tằm “chuyển vùng” lên miền núi cao thế nào, ông Vân hẹn tôi một chuyến đi tham quan huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Mỗi năm ở Đồng Lương có một vụ tằm giống kéo dài 7 - 8 tháng, 7 cơ sở sản xuất được 3,5 tấn trứng, với giá trung bình 8 triệu/kg là xấp xỉ 30 tỉ đồng. Vụ sản xuất tằm làm thực phẩm ở xã cũng khoảng 7 - 8 tháng, mỗi ngày xuất 1,5 tấn, với giá trung bình 80.000 đồng/kg là được khoảng 30 tỉ đồng nữa.