Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) luôn là một chủ đề “nóng” trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn quốc gia, quốc tế về an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mặc dù chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đã ra đời từ những năm 1960 và được thế giới áp dụng hơn 60 năm qua với mục tiêu hàng đầu là hạn chế sử dụng thuốc hóa học, nhưng theo số liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAOSTAT, 2020), trong 30 năm (1990-2020) lượng thuốc BVTV sử dụng trên thế giới đã tăng thêm khoảng 50%.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu bức xúc tăng năng suất, sản lượng cây trồng thêm 70% đến năm 2050 để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, đồng thời phải đảm bảo phát triển xanh, bền vững, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học là một xu thế tất yếu, được sự đồng thuận cao của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính phủ nhiều nước đã có những nỗ lực, tăng cường đầu tư, áp dụng trong thực tiễn nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Một số nước đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong việc cắt giảm thuốc hóa học thông qua chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học. Một số nước phát triển đã đưa ra mục tiêu trong vòng 25 năm tới chuyển sang nền nông nghiệp không sử dụng hóa chất BVTV.
Thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên thế giới
Theo MarketandMarkets, giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học trên thế giới dự báo đạt 6.7 tỷ USD trong năm 2023 và sẽ đạt 13.9 tỷ USD vào năm 2028 với mức tăng trưởng về giá trị bình quân 15.9%/năm trong giai đoạn 2023-2028. Mặc dù vậy, thuốc BVTV sinh học chủ yếu vẫn được sử dụng tại các nước phát triển như Bắc Mỹ chiếm 38.2%; EU chiếm 33% tổng giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học toàn cầu. Châu Á - Thái Bình Dương chỉ sử dụng 13.2% lượng thuốc BVTV sinh học của thế giới (năm 2021). Dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ ngày càng tăng.
Động lực chính thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học
Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp và các tổ chức phân tích, dự báo thị trường, tốc độ tăng trưởng sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ nhanh hơn so với thuốc hóa học. Một số dự báo cho rằng, đến giai đoạn 2040-2050, giá trị thuốc BVTV sinh học trên thị trường sẽ bằng và vượt giá trị thuốc hóa học với các động lực chính như sau:
+ Chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, bền vững, thân thiện môi trường của các quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã thực hiện các đề án, chiến lược và kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu… Cùng với đó là các chính sách đầu tư, khuyến khích nghiên cứu, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
+ Sự phát triển nhanh của sản xuất nông nghiệp hữu cơ do nhu cầu về thực phẩm hữu cơ tăng cao. Thị trường thực phẩm hữu cơ thế giới đã được định giá khoảng 167 tỷ USD vào năm 2021. Ngoài các thị trường lớn như Bắc Mỹ và châu Âu, đã xuất hiện xu thế sử dụng thực phẩm hữu cơ tại một số nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ với nhu cầu về thực phẩm hữu cơ tăng trưởng hai con số/năm. Đến năm 2030, EU sẽ tăng diện tích đất canh tác hữu cơ từ 8% hiện nay lên 25%, đồng thời giảm lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng trong nông nghiệp 50%.
+ Hiện tượng kháng thuốc hóa học của nhiều loại sinh vật gây hại (bọ trĩ, nhện, bệnh phấn trắng, cỏ dại…) gia tăng nhanh chóng, thuốc sinh học là sự lựa chọn hiệu quả đối với các sinh vật hại này. Hiện tại, trên thế giới ước tính có trên 500 loài sinh vật gây hại cây trồng được công bố kháng thuốc hóa học và con số này tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhiều loại bệnh hại vùng rễ lây lan trong đất và tuyến trùng cũng không thể giải quyết có hiệu quả bằng thuốc hóa học;
+ Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, tạo dạng thuốc, bảo quản, sử dụng thuốc sinh học (thuốc xử lý hạt giống, phun lên lá; thuốc bột; thuốc sinh học trừ tuyến trùng; nanobiopesticides…) góp phần tăng hiệu quả của thuốc sinh học và người sản xuất có thể sử dụng dễ dàng hơn.
+ Nhận thức, hiểu biết về vai trò và cách sử dụng thuốc BVTV sinh học của người sản xuất được nâng cao thông qua công tác truyền thông, tập huấn, khuyến nông…
+ Yêu cầu ngày càng cao và chặt chẽ hơn về độ an toàn đối với thuốc BVTV hóa học làm tăng đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu, phát triển, đăng ký, thương mại hóa các thuốc BVTV hóa học mới.
+ Chi phí nghiên cứu, phát triển, đăng ký thuốc BVTV sinh học thấp hơn so với thuốc hóa học, thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Để nghiên cứu, phát triển, đăng ký và thương mại hóa một hoạt chất thuốc hóa học mới cần chi phí gần 300 triệu USD. Đối với một loại thuốc BVTV sinh học mới, con số này chỉ khoảng 10-15 triệu USD.
Rào cản chính trong sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thực tiễn cũng đang gặp phải một số tồn tại, hạn chế chính như sau:
+ Hiệu lực thuốc sinh học thường thấp hơn, chậm hơn và không ổn định so với thuốc hóa học;
+ Thuốc BVTV sinh học thường có chuyên tính hẹp hơn, các chủng loại thuốc trên thị trường bị hạn chế hơn nhiều so với thuốc hóa học;
+ Thời gian bảo quản thuốc BVTV sinh học thường ngắn hơn, yêu cầu về điều kiện bảo quản khó hơn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp và giảm chất lượng hơn so với thuốc hóa học;
+ Để thuốc BVTV sinh học phát huy hiệu quả tốt, người sử dụng thuốc BVTV cần phải có hiểu biết về quy luật phát sinh, phát triển, gây hại sinh vật hại và kỹ năng sử dụng thuốc đúng thời điểm, đúng lúc, đúng cách… cụ thể đối với từng đối tượng sinh vật hại.
+ Chi phí sử dụng thuốc BVTV sinh học cao hơn so với thuốc hóa học (kể cả giá thuốc và chi phí sử dụng).
+ Tại các nước đang phát triển, thói quen sử dụng thuốc hóa học và nhận thức về vai trò của thuốc BVTV sinh học rất hạn chế, giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học rất hạn chế, chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
+ Cơ chế, chính sách và các quy định về quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư nghiên cứu, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Quản lý thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên thế giới
Tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý thuốc BVTV nói chung và quản lý thuốc BVTV sinh học nói riêng. Tuy nhiên, quy định về quản lý thuốc BVTV sinh học có sự khác biệt giữa các nước. Mục đích và yêu cầu chung đối với quản lý thuốc BVTV sinh học gồm:
- Đảm bảo chất lượng, hiệu lực của thuốc đã được đăng ký và lưu thông trên thị trường;
- Đảm bảo độ an toàn đối với người, động vật, thực vật và môi trường;
- Đảm bảo các thông tin có liên quan đến thuốc trung thực, rõ ràng;
- Ngăn ngừa vi phạm pháp luật, gian lận thương mại;
- Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, lưu thông, sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học an toàn, hiệu quả, góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc hóa học.
Công tác quản lý đăng ký, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học của tất cả các nước có một số đặc điểm chung sau đây:
+ Thuốc BVTV sinh học được coi là an toàn hơn so với các loại thuốc hóa học (trừ một số trường hợp đặc biệt);
+ Thuốc BVTV sinh học là sự lựa chọn phù hợp với chiến lược IPM, để phát huy hiệu quả cần phối hợp với các biện pháp khác và người sử dụng cần có hiểu biết về sinh vật hại, cơ chế tác động của thuốc.
+ Các nước đều khuyến khích, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phát triển, đăng ký sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học nhưng cũng rất quan tâm đến vấn đề an toàn sinh học, chất lượng, hiệu quả của thuốc;
+ Trong quá trình đăng ký thuốc BVTV sinh học, yêu cầu về kết quả nghiên cứu, dữ liệu về độc lý học, tác động đến môi trường, thời gian cách ly, dư lượng thuốc… không đòi hỏi cao như đối với thuốc hóa học, nhiều chỉ tiêu được loại bớt;
+ Thời gian thử nghiệm hiệu lực sinh học, đăng ký thuốc sinh học tại nhiều nước được rút ngắn, chỉ bằng 30-50% thời gian đối với thuốc hóa học;
+ Chi phí đăng ký thuốc BVTV sinh học thấp hơn nhiều so với chi phí đăng ký thuốc hóa học (5-20 lần);
+ Một số loại thuốc BVTV sinh học/sản phẩm sinh học BVTV được miễn đãng ký tại một số nước;
+ Một số nước tách riêng quy định quản lý thuốc BVTV sinh học; Hội đồng tư vấn đối với thuốc sinh học cũng tách riêng;
+ Để thuận tiện cho quá trình xem xét đăng ký thuốc, nhiều nước phân loại thuốc BVTV sinh học ra các nhóm khác nhau, với những yêu cầu cụ thể khác nhau; có nhóm thuốc được ưu tiên hơn do độ an toàn cao (ví dụ thuốc vi sinh - microbial và thiên địch);
+ Một số nước ban hành Danh mục các thuốc BVTV sinh học có độ an toàn cao, thuốc “ Làn xanh” khi đăng ký để nhanh hơn, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp (List of minimum risk biopesticides);
+ Ngoài thuốc BVTV sinh học thương mại hóa, nhiều nước đang phát triển quan tâm khuyến khích, hỗ trợ sản xuất thuốc BVTV sinh học phi thương mại để sử dụng rộng rãi khi cần thiết, đặc biệt trong thời gian có dịch sâu bệnh hại nghiêm trọng xảy ra.