“Tư duy ngược” của tác giả Nguyễn Anh Dũng, được xuất bản lần đầu tiên năm 2021. Mong muốn của tác giả là cuốn sách mang tính định hướng dành cho những bạn trẻ đang ở trong trạng thái “mông lung”, khao khát khám phá bản thân nhưng không biết bắt đầu từ đâu. “Tư duy ngược” không đưa ra một bộ nghiên cứu khoa học kỹ năng để thành công, mà tập trung vào những giá trị nội tại có thể tự nuôi dưỡng ỡ mỗi cá nhân.
Tác giả Nguyễn Anh Dũng là người sáng lập SBooks, nên “Tư duy ngược” được giới thiệu với những ngôn từ khá tự tin và mạnh mẽ. Điều ấy vừa thu hút sự quan tâm của độc giả lại vừa khiến độc giả đặt ra nhiều kỳ vọng cho nội dung tác phẩm. Cho nên, một số người mua sách đã bày tỏ sự thất vọng đối với “Tư duy ngược”. Thậm chí, có không ít ý kiến chê bai thẳng thắn.
Sở dĩ tác phẩm “Tư duy ngược” vấp phải phản ứng trái chiều, vì trên thị trường sách cũng có một tác phẩm cùng tên của tác giả nước ngoài. Nếu so sánh “Tư duy ngược” của tác giả Nguyễn Anh Dũng và “Tư duy ngược” của tác giả Jonah Sachs, thì chất lượng hơi chênh lệch. Cuốn sách của tác giả Jonah Sachs lập luận chặt chẽ và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, có sự mô phỏng nào ở đây không?
Theo tra cứu số liệu đăng ký xuất bản và nộp lưu chiểu từ Cục Xuất bản thì “Tư duy ngược” của tác giả Nguyễn Anh Dũng được SBooks cho in ngày 17/11/2021 tức giai đoạn vẫn còn thích ứng an toàn với Covid-19, còn cuốn “Tư duy ngược” của tác giả Jonah Sachs (do dịch dịch giả Nguyễn Khắc Hoà chuyển ngữ) được Nhà xuất bản Lao Động cho in vào ngày 18/10/2023.
Có nghĩa là khi “Tư duy ngược” của tác giả Nguyễn Anh Dũng đã phát hành trên thị trường được 2 năm, thì cuốn sách “Tư duy ngược” của tác giả Jonah Sachs mới xuất hiện. Có phải vì tâm lý sính ngoại mà “Tư duy ngược” của tác giả Nguyễn Anh Dũng bị phản hồi cực đoan chăng? Rõ ràng, tác giả Nguyễn Anh Dũng không phải "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".
Tác giả Nguyễn Anh Dũng bày tỏ, mỗi cuốn sách đều có độc giả riêng, do đó không thể nào tránh được sự trái chiều trong phản hồi của người đọc. Việc độc giả đánh giá thấp cuốn “Tư duy ngược”, thì tác giả Nguyễn Anh Dũng cũng vẫn cởi mở tiếp thu và không có ý định tranh cãi. Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ sẽ đi xa hơn khi một số độc giả nhân trường hợp “Tư duy ngược” để miệt thị cả thương hiệu SBooks trên các diễn đàn văn hóa đọc.
Với tư cách người điều hành SBooks, tác giả Nguyễn Anh Dũng thổ lộ: “Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để trở nên hoàn thiện hơn. Ngoài sách kỹ năng, chúng tôi cũng xuất bản những tác phẩm văn học nước ngoài, những tác phẩm kinh điển của văn học, lịch sử Việt Nam và cả những luận phẩm về chính trị, triết học... Sai sót là những điều không tránh khỏi và vì thế chúng tôi luôn sẵn sàng cởi mở và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ độc giả để cải thiện những hạn chế”.
“Tư duy ngược” là một quan niệm mới, rất cần được sự chia sẻ từ những ý thức trẻ. Đáng tiếc, chung quanh “Tư duy ngược” lại có những tương tác hơi kém văn minh. Câu chuyện “Tư duy ngược” cho thấy thái độ ứng xử chưa tử tế của độc giả với các tác giả Việt đang cố gắng theo đuổi thể loại sách kỹ năng sống. Cách truyền tải của họ có thể chưa thuyết phục đại bộ phận công chúng, nhưng không có nghĩa là họ không có kiến thức, không có trải nghiệm để viết sách. Hơn nữa, thị trường sách luôn đủ chỗ cho mọi ý tưởng, mọi bút pháp, mọi sáng tạo của những ai đam mê.