Trên mạng đang lan truyền một đề thi có ghi trên tiêu ngữ là của “Đại học FPT”. Đề này nhận được nhiều sự ngạc nhiên vì bị cho rằng người ra đề không đọc - hiểu đúng tiếng Việt.
Với hai ngữ liệu, gồm:
1.
Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm đến với em
Lòng anh còn bóng đêm
Em sẽ làm tia nắng.
…
Mặt đất còn gai chông
Bầu trời còn mưa gió
Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm đến với em.
Và:
Phật dạy: Hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác.
Sau đó đề hỏi: Suy nghĩ của anh chị về hai phát biểu trên? Khi đau khổ chúng ta nên tìm lối thoát trong chính bản thân mình hay tìm giải pháp với sự giúp đỡ từ bên ngoài? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.
Có nhiều vấn đề cả về cú pháp, dấu câu, và hành văn trong phần yêu cầu của đề* (đoạn Suy nghĩ –> cuộc sống – xin xem phần phụ chú), tuy nhiên đáng ngại nhất là cách mà người ra đề hiểu về các “phát biểu” do chính họ lựa chọn và đưa vào.
Khi hỏi “Khi đau khổ chúng ta nên tìm lối thoát trong chính bản thân mình hay tìm giải pháp với sự giúp đỡ từ bên ngoài?” thì có nghĩa là người hỏi đã hiểu “phát biểu 1” là có nội dung thể hiện sự đi tìm lối thoát với sự giúp đỡ từ bên ngoài! Hiểu như thế là buồn cười và không thể chấp nhận được.
Vì sao? Vì 1 là một văn bản nghệ thuật (thơ), và nó phải được hiểu theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, chứ không phải ngôn ngữ sinh hoạt, khoa học hay chính luận. Có lẽ do đọc thấy những câu thơ như Bao giờ anh đau khổ/Hãy tìm đến với em/Lòng anh còn bóng đêm/Em sẽ làm tia nắng… mà người ta ngỡ rằng nó đang nói tới việc tìm lối thoát với sự giúp đỡ từ bên ngoài chăng?
Ngôn ngữ nghệ thuật cần phải được hiểu bằng chính những đặc trưng của nó, chứ không phải nghĩa bề mặt, “nghĩa tiêu dùng” (chữ của Lê Đạt). Hai khổ thơ ấy, thông qua toàn bộ hệ thống tín hiệu và hình tượng nghệ thuật của nó là một sự thể hiện tình yêu của nhân vật “em” với nhân vật “anh”. Nó là một “phát biểu” khẳng định tình yêu nam nữ, chứ không hề liên quan gì đến chuyện đi tìm giải pháp bên ngoài hay lối thoát bên trong như là “phát biểu” 2 cả! Từ một nội dung tình yêu nam nữ rõ ràng như thế, nhưng không hiểu tại sao người ra đề lại có thể “hiểu nhầm” một cách tai hại đến vậy?!
Đọc - hiểu như thế thì oan cho tiếng Việt quá!
Vấn đề còn gây ngạc nhiên hơn nữa là sau khi được lan truyền thì có không ít bạn vẫn tỏ ra đồng tình với đề thi này, vì cho rằng không nhất thiết hai “phát biểu” phải liên quan, miễn sao thí sinh lựa chọn và trình bày tốt suy nghĩ của mình là được. Lý lẽ này không chấp nhận được, vì khi muốn so sánh để chọn lựa và “trình bày” thì cả hai phải “cùng loại”. Tinh yêu nam nữ thì có liên hệ gì với cái nhân sinh quan về sự tự lực tự cường của con người (2) để mà mang ra so sánh?! Đây là một lỗi khác thuộc về tư duy logic (ở người đọc).
Từ cái sự đọc - hiểu không thông đã biến nội dung một đoạn thơ thể hiện tình yêu mãnh liệt, sâu đậm thành chuyện “đi tìm giải pháp/lối thoát”, đề đã tiến tới một sự so sánh vô căn cứ. Người bình thường khi đọc xong cái đề này sẽ lập tức hỏi “Ủa, “phát biểu” 1 chỉ đang thể hiện tình yêu nam nữ thuần túy với sự níu kéo và lòng bao dung tha thiết, chứ có liên quan chi đến chuyện tự lực hay dựa dẫm đâu nhỉ?”.
Nhưng vì người ra đề đọc - hiểu tiếng Việt văn học không đúng nên thành ra gây họa khôn lường. Ở đây, hoặc sẽ khiến thí sinh cũng hiểu lầm theo họ, hoặc buộc thí sinh chấp nhận cách hiểu vô lý đó để tiếp tục làm bài, hoặc không chấp nhận thì sẽ phải bỏ bài thi, không làm nữa. Vấn đề là, theo tâm lý thông thường, đa số sẽ chọn giải pháp thứ hai, chấp nhận cách hiểu sai đó và tiếp tục làm bài. Vậy là từ cái sai của một người/nhóm người ra đề, sẽ dẫn tới cái sai của nhiều người (thí sinh). Tiếng Việt bị làm hỏng như thế đó.
Qua đề thi Văn này, và nhiều đề thi thường xuyên xuất hiện trên mạng, chúng ta thấy ra một tình trạng đáng báo động của việc sử dụng tiếng Việt, từ cả khả năng đọc - hiểu lẫn năng lực tạo lập văn bản. Đến chuyện một trường đại học ra một “đề thi học bổng” mà còn hiểu sai hoàn toàn nội dung của một văn bản vốn không đến nỗi khó hiểu như thế, thì nó cho phép chúng ta diễn dịch về một tình trạng phổ biến có tính xã hội, chứ không còn là cá biệt nữa.
Nhà trường, với chức năng chuyên biệt hóa của nó, bao giờ cũng là trung tâm quan trọng nhất của toàn xã hội trong việc giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc; tuy nhiên, với tình trạng cẩu thả và yếu kém này, chúng ta buộc phải chua chát hiểu rằng, nhiều nhà trường không những đang không làm được điều thiêng liêng đó mà còn trực tiếp phá hoại di sản tiếng Việt vô giá ấy của cả cộng đồng.
* Phụ chú:
- Câu “Suy nghĩ của anh chị về hai phát biểu trên?” là không chuẩn; đáng ra phải viết “Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về hai phát biểu trên”, hoặc “Hãy trình suy nghĩ của anh chị về hai phát biểu trên”. Và như thế, cuối câu không thể là dấu hỏi (?) mà phải là dấu chấm (.) hoặc dấu chấm than (!).
- Từ “phát biểu” cũng được dùng không chính xác, phải là “phát ngôn” hoặc “văn bản”/”đoạn văn bản”.
- “Hai phát biểu” là cách viết không đúng ngữ pháp tiếng Việt, phải là “hai lời phát biểu”.
- Sau chữ “khổ” ở câu văn thứ hai phải có dấu phẩy (,).
- Hai câu lệnh “Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn” và “Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống” là rườm rà, thừa thãi. Đã là “Bài luận” thì mặc nhiên phải nêu quan điểm, phải dùng lập luận và ví dụ để bảo vệ, chứng minh, cần gì phải nêu lại các yêu cầu ấy nữa!
- Câu đầu đã yêu cầu trình bày “Suy nghĩ của anh chị về hai phát biểu trên?” đến mấy câu sau lại lặp lại yêu cầu ấy một cách rối rắm và không cần thiết.
- Một đề thi làm không đúng kỹ thuật ở nhiều chỗ, ví dụ: toàn bộ văn bản này là một cái đề, chứ không phải “đề bài” chỉ là phần yêu cầu và câu hỏi ở sau chót còn phần trên (ngữ liệu) thì đứng chơ vơ lơ lửng như vậy!
Tóm lại, qua đề thi này, thấy rõ một sự cẩu thả rất lớn, khó lòng mà chấp nhận được trong cung cách tạo lập văn bản và sử dụng tiếng Việt nói chung; thấy rõ một sự rẻ rúng và thiếu hẳn sự trân trọng đối với tiếng nói dân tộc.