Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên

Lê Thiếu Nhơn - Chủ Nhật, 02/06/2024 , 10:56 (GMT+7)

Trái tim trìu mến của một cô giáo nghỉ hưu, đã giúp nhà thơ Trần Hà Yên tìm được ánh mắt hồn nhiên trong thế giới trẻ em nhiều sắc màu ngộ nghĩnh.

Nhà thơ - nhà giáo Trần Hà Yên.

Trái tim trìu mến dành cho trẻ em là bệ phóng đầu tiên của những ai muốn viết về tuổi thơ. Nhà thơ Trần Hà Yên có hàng chục năm tận tụy giảng dạy ngữ văn bậc trung học phổ thông. Trải nghiệm nghề giáo rất có ích cho việc sáng tác hướng đến lứa tuổi cắp sách đến trường. Vì vậy, nhà thơ Trần Hà Yên khá thuận lợi khi làm thơ thiếu nhi. Bởi lẽ, nghề giáo đã giúp chị trang bị một trái tim trìu mến, nên chỉ cần cộng hưởng ánh mắt hồn nhiên, thì chị sẽ dễ dàng có được tác phẩm gần gũi trẻ em.

Đã từng thử sức ở nhiều thể loại văn chương dành cho người lớn, nhà thơ Trần Hà Yên lặng lẽ thu xếp một góc thanh khiết lòng mình cho những vần điệu trong trẻo gửi tặng độc giả nhí. Hai tập thơ “Từ vườn hoa nhà em” và “Bác sĩ chim sâu” của chị, đã mở ra một hành trình khám phá vẻ đẹp mát lành.

Những cảnh sắc làng quê tái hiện khung trời thơ ấu bằng những hình ảnh sinh động. Từ hình ảnh con người “Xa xa ngoài đồng mẹ cấy/ Nhấp nhô nón trắng vai gầy” và “Bên bậc giếng làng mấy chị/ Đem hương bồ kết ra hong”, đến hình ảnh loài vật “Ao nhà mùa hè êm ả/ Lá tre buông xuống nhẹ nhàng/ Đàn vịt lên bờ phơi nắng/ Phơi cả ánh chiều trên lưng”.

Tập thơ "Từ vườn hoa nhà em".

Thơ thiếu nhi vốn được xem như “thị trường ngách” của đời sống văn học. Thơ thiếu nhi phục vụ đối tượng đặc biệt nên rất cần chất liệu đặc biệt, để kết nối người viết và người đọc. Con đường dẫn dắt vào thơ thiếu nhi là một lối đi rất hẹp, ưu tiên những bước chân nhẹ nhàng và khéo léo. Bất cứ sự phô diễn quá đà nào về ngôn từ hay về suy tưởng, đều khiến bài thơ hoặc câu thơ chệch khỏi quỹ đạo tiếp nhận của trẻ em. Nhà thơ Trần Hà Yên có vẻ nắm chắc “luật chơi” tinh tế ấy, thơ thiếu nhi của chị dịch chuyển mạch lạc bằng sự tỉ tê những lời ấm áp: “Một tiếng chim tu hú/ Hót từ vườn vải xa/ Em nghe thoảng trong gió/ Hương thơm quả bay ra”.

Không khó để phát hiện, điểm chung ở hai tập thơ “Từ vườn hoa nhà em” và “Bác sĩ chim sâu” là nhà thơ Trần Hà Yên lấy sự quan sát của trẻ em để làm bệ phóng cho những ý nghĩ bay bổng giữa thiên nhiên. Chú ếch xanh có sở thích riêng “Có một chú ếch nhỏ/ Lưng xanh màu lá cây/ Đôi mắt tròn dáo dác/ Chú muốn làm gì đây/ Bỏ nhà đi từ sớm/ Ếch xanh muốn biết nhiều/ Cứ ngồi hoài đáy giếng/ Sẽ biết được bao nhiêu”, mà con chuồn chuồn cánh mỏng cũng có cảm xúc riêng “Bỗng đâu tiếng cá đớp móng/ Giật mình nàng ấy bay cao/ Yêu thương gió nâng đôi cánh/ Để ao bèo nhớ xôn xao”.

Muốn lôi cuốn độc giả nhỏ phiêu lãng cùng thế giới thơ, nhà thơ Trần Hà Yên đã dùng thủ pháp thường thấy ở nhiều tác giả chuyên viết cho thiếu nhi, đó là thể hiện chính cách nói của trẻ em. Kiểu xưng hô và giọng tường thuật mang đầy đủ phẩm chất tuổi thơ, góp phần kiến tạo một không gian mới mẻ cho những câu chuyện quen thuộc. Ở không gian ấy, khi thì nhắn nhủ “Chị gió Nồm ơi mát rượi/ Thổi con thuyền lướt biển xanh/ Chị gió Nồm ơi hãy đến/ Cho diều em vút bay nhanh”, khi thì bâng khuâng “Đêm nay trời nhiều mưa gió/ Chị Hằng buồn chẳng vén mây/ Chắc là chú Cuội đi vắng/ Nên không gian ướt lạnh đầy”.

Tập thơ "Bác sĩ chim sâu".

Xin được nhấn mạnh thêm lần nữa, những nhà thơ xuất thân từ nhà giáo luôn có sẵn năng lượng âu yếm và dữ kiện tích cực để viết cho trẻ em. Trường hợp nhà thơ Trần Hà Yên cũng không ngoại lệ. Chị thấu hiểu rằng, thơ thiếu nhi phải đem đến những thông tin mềm mại hơn những trang sách giáo khoa. Vì vậy, chị xây dựng một mái trường khác trong thi ca, vừa tinh nghịch “Lớp em có bạn Gió/ Rất giỏi chơi trốn tìm/ Đố ai tìm ra được/ Nếu bạn ấy đứng im”, lại vừa ân cần “Không như mặt trời ngủ sớm/ Em còn thức để học bài/ Điểm chín điểm mười đỏ chói/ Em mong có ở ngày mai”.

Có thể khẳng định, hai tập thơ “Từ vườn hoa nhà em” và “Bác sĩ chim sâu” của nhà thơ Trần Hà Yên là món quà được dành dụm từ những năm tháng yêu thương thế hệ tương lai. Trong thơ thiếu nhi của chị, trái tim trìu mến có dịp tương phùng ánh mắt hồn nhiên.

Lê Thiếu Nhơn
Tin khác
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.