| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp trách nhiệm

Từ 'khoán hộ' đến một nền nông nghiệp trách nhiệm ở Vĩnh Phúc

Thứ Ba 15/03/2022 , 08:12 (GMT+7)

Nông nghiệp Vĩnh Phúc không chỉ là 'nồi cơm' của người dân trong tỉnh mà còn xuất ra bên ngoài khá nhiều. Vậy 'nồi cơm' đó đang được đảm bảo an toàn như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để trả lời cho câu hỏi đó, phóng viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc.

Sự kế thừa, tiếp nối

Từ thực tế như thế nào mà tỉnh Vĩnh Phúc định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn và có những chính sách hỗ trợ gì để thúc đẩy nó thưa ông? Việc này đã diễn ra từ bao giờ?

Xã hội đang ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng cao, yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa nâng cao được hiệu quả canh tác đòi hỏi ngành nông nghiệp của tỉnh phải đặt ra định hướng phát triển theo hướng an toàn. Đó là xu hướng tất yếu nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng.  

Bài liên quan

Sự kế thừa truyền thống trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, từ chính sách “khoán hộ” đến “chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp”, năm 2006, Tỉnh ủy đã ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là tiền đề để Trung ương xây dựng Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Giai đoạn 2012-2015, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết số 52, 53 về hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; Giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong các chính sách đó luôn xác định an toàn là định hướng cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được biết Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong trong việc hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tỉnh đã tuyên truyền như thế nào để các địa phương mà nhất là người dân chuyển đổi thói quen sử dụng thuốc và đã hỗ trợ bao nhiêu tiền cho chương trình này?

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; Giai đoạn 2020-2022, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; Giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân (xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP; hữu cơ, theo hướng hữu cơ). Tổng kinh phí hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học là 1,8 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020: 800 triệu đồng; năm 2021: 1 tỷ đồng).

Thu hái su su ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hái su su ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để giúp người dân chuyển đổi thói quen từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực triển khai các hội nghị tập huấn; Đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, VietGAP, IPM, SRI, sản xuất theo chuỗi giá trị…; Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông như Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Website ngành Nông nghiệp & PTNT, hệ thống truyền thanh cấp cơ sở... để tuyên truyền, phổ biến.

Đó là chính sách kéo dài, nối tiếp nhiều năm, đầu tiên chỉ đơn giản là hỗ trợ giống, sau đó hỗ trợ phân vi sinh, cuối cùng là thuốc sinh học. Nhìn từ bên ngoài, tôi thấy qua từng giai đoạn tư duy, cách thức hỗ trợ cho dân của Vĩnh Phúc đã có sự cải thiện, bắt nhịp với nhu cầu của cuộc sống.

Kết quả của việc thực hiện hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học như thế nào, có khó khăn gì trong thực hiện và có đạt được như kỳ vọng của tỉnh không thưa ông? Ngoài ra để sản xuất an toàn thì tỉnh còn có những chính sách hỗ trợ nào khác ví dụ như phân bón hữu cơ, vi sinh chẳng hạn?

Những kết quả đạt được có thể nói đến: Việc hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã làm tăng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn (năm sau cao hơn năm trước), góp phần tăng khối lượng nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường. Riêng 2 năm 2020 và 2021, với gần 5.000 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ và hữu cơ đã sử dụng khoảng 4.300 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần làm giảm việc sử dụng 2.000 tấn phân bón vô cơ và trên 2.500 kg thuốc bảo vệ thực vật hóa học...

Vận chuyển su su từ ruộng lên đường lớn, đem đi tiêu thụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vận chuyển su su từ ruộng lên đường lớn, đem đi tiêu thụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồng thời giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về tính an toàn, hiệu quả trong sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường sinh thái, thúc đẩy họ tích cực hưởng ứng, tham gia. Các loại cây trồng sản xuất theo hướng an toàn, hàng hóa đều đảm bảo năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Qua sơ bộ hạch toán kinh tế cho thấy, sau khi trừ chi phí, bí đỏ lãi gần 90 triệu đồng/ha; dưa chuột lãi 120 triệu đồng/ha; ớt, cà chua lãi gần 100 triệu đồng/ha và khoai tây lãi gần 80 triệu đồng/ha...

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như: Giá cả thị trường không ổn định, giá các loại vật tư đầu vào cao, trong khi đó giá bán, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp thường thấp và bấp bênh nên nhiều lao động nông nghiệp không còn mặn mà với sản xuất. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây khó khăn trong việc triển khai tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhận thức của một bộ phận người sản xuất nông nghiệp về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn hạn chế, muốn phòng trừ dịch hại nhanh, triệt để nên vẫn sử dụng thuốc hóa học...

Vùng trồng su su của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vùng trồng su su của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài hỗ trợ nông dân thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tỉnh Vĩnh Phúc còn có các chính sách về hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ, cụ thể: Hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ, để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP quy mô từ 2 ha trở lên, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha/vụ, không quá 2 vụ/năm/người sản xuất.

Hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022; Chương trình Khuyến nông hàng năm).

Mỗi người đều phải có trách nhiệm theo nghĩa vụ, chức năng của mình

Quan điểm của ông về nông nghiệp trách nhiệm là như thế nào? Từ quan điểm đó, khi triển khai vào thực tế theo ông cần có những bước đi cụ thể ra sao?

Trước yêu cầu về an toàn thực phẩm, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi mỗi chúng ta (từ người quản lý, hoạch định chính sách đến người sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm) đều phải có trách nhiệm theo nghĩa vụ, chức năng của mình để xây dựng nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Theo tôi giải pháp để thực hiện nền nông nghiệp trách nhiệm trong thời gian tới cần phải: Thứ nhất là tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành; tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ nhì là tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới và hoàn thiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Mô hình trồng rau ở xã Vân Hội, huyện Tam Dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình trồng rau ở xã Vân Hội, huyện Tam Dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ ba là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và PTNT. Nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phát triển nhanh các sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ tư là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cuối cùng là nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về chất lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

Ruộng đồng manh mún hiện nay là một cản trở lớn cho việc Vĩnh Phúc tiến lên sản xuất nông nghiệp an toàn. Thêm vào đó, với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cũng đang đe dọa những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh này, khi để ra được một vùng như thế phải mất hàng chục năm nhưng chỉ cần một quy hoạch là có thể xóa đi tất cả.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa dừng thu phí buổi tối

Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa dừng thu phí trong thời gian thi công từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Ban ngày thu phí bình thường.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.