| Hotline: 0983.970.780

Tù mù đất dưới chân đập hồ Đoàn Kết

Thứ Ba 19/05/2020 , 06:10 (GMT+7)

Hồ Đoàn Kết được xây dựng từ trước những năm 1970, đất dưới chân đập nằm trong hành lang an toàn của hồ lại thuộc đất của dân, nên việc quản lý rất khó khăn…

Hồ Đoàn Kết. Ảnh: Thái Sinh.

Hồ Đoàn Kết. Ảnh: Thái Sinh.

Hồ Đoàn Kết nằm ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái được xây dựng trên 50 năm, cung cấp nước tưới cho khoảng 20ha lúa và hoa màu.

Ông Nguyễn Tài Tuệ, trưởng thôn Đoàn Kết cho biết, hồ xây dựng từ khi tôi chưa sinh ra, năm 1985 hồ bị vỡ một lần, khi đó nhà tôi nằm ở phía dưới kia, sau đó phải di chuyển sang vị trí khác cho an toàn.

Do xây dựng đã lâu, lại không có tiền duy tu bảo dưỡng nên con đập của hồ dài hơn 224,4m đã xuống cấp nặng nề, nước thấm qua thân đập, nguy cơ vỡ đập xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là về mùa mưa lũ.

Chân đập lại nằm sát với Ngòi Lâu, nhất là sau khi Công ty Khoáng sản Hòa Yên thực hiện nắn dòng Ngòi Lâu thì phía chân đập hồ Đoàn Kết bị dòng nước thúc vào, mỗi năm đất ruộng và soi bãi lở xuống suối hàng chục mét vuông.

Ngòi Lâu đã tiến sát chân đập, chỉ cách chân đập khoảng 20-25m, nguy cơ vỡ đập rất cao. Năm 2017 UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định đầu tư khẩn cấp đắp bổ sung mái đập phía hạ lưu, kè rọ đá bờ Ngòi Lâu để chống lại sự sói lở với chiều dài 114m, năm 2019 hồ Đoàn Kết lại được đầu tư đổ khung dầm bê tông 1,5m mái thượng lưu, đắp bổ sung đất mái hạ lưu và gia cố kè rọ đá bảo vệ chân đập chiều dài 64m. Tổng kinh phí hai lần sửa chữa khẩn cấp là 5 tỷ đồng.

Mặc dù đập đã được sửa chữa, nhưng dưới chân đập các hộ dân thôn Đoàn Kết trồng một hàng chuối, nằm trong hành lang an toàn của đập. Nếu lũ Ngòi Lâu lên cao thì chính những hàng chuối đó trở thành vật cản để sóng nước thúc vào bờ, nguy cơ vỡ đập rất cao.

Hàng chuối trồng trong hành lang an toàn hồ Đoàn Kết. Ảnh: Thái Sinh.

Hàng chuối trồng trong hành lang an toàn hồ Đoàn Kết. Ảnh: Thái Sinh.

Để bảo vệ đập hồ Đoàn Kết, ngày 26/9/2019 Công ty TNHH Tân Phú đã có công văn số 23/CV-CTTP gửi UBND TP Yên Bái, UBND xã Âu Lâu đề nghị giải phóng mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ, trên thân đập và trong phạm vi 20m sát chân đập.

Đề nghị của Công ty TNHH Tân Phú cho đến nay đã hơn 7 tháng nhưng không thể thực hiện được.

Trao đổi với ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Âu Lâu, ông Hải cho biết: Đất dưới chân đập của các hộ dân là đất lúa và đất trồng cây hàng năm, một số thửa có sổ đỏ, một số thửa người dân canh tác lâu đời từ khi chưa xây dựng con đập. Muốn giải phóng cây cối trong hành lang an toàn của hồ khi chưa có quyết định thu hồi đất thì xã không thể chặt cây cối của dân được…

Ông Nguyễn Tài Tuệ cho biết thêm, khi xây dựng con đập, bà con trong thôn tự nguyện hiến đất, chứ nhà nước không thu hồi đất và đền bù cho người dân, nên ngoài thân đập thì bà con vẫn cấy lúa và trồng cấy hoa màu từ bao nhiêu năm nay rồi.

Hiện dưới chân đập vẫn còn nền nhà của một hộ dân mới chuyển đi cách đây mấy năm, một số cây ăn quả như cam quýt vẫn còn đó…

Theo Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh Yên Bái về việc cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi, thì diện tích đất dưới chân đập hồ Đoàn Kết nằm trong hành lang an toàn bảo vệ hồ, nhưng nhà nước chưa có quyết định thu hồi thì không thể cấm người dân trồng cấy hoa màu, cây cối. Điều đó ảnh hưởng tới an nguy của hồ, nhất là về mùa mưa.

Về diện tích đất trong hành lang bảo vệ hồ Đoàn Kết, tại văn bản số 120/UBND-ĐC ngày 10/12/2019, UBND xã Âu Lâu đề nghị UBND TP Yên Bái thu hồi diện tích đất khoảng 2.200m2. Ngày 14/1/2020 UBND xã Âu Lâu phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Yên Bái tiến hành kiểm tra 3 hộ dân canh tác tại đây, có 4 thửa đất trồng cây hàng năm, 4 thửa đất trồng lúa với diện tích “khoảng” 1.617,3m2.

 Những con số 'đá nhau' trong hai văn bán của UBND xã Âu Lâu. Ảnh: Thái Sinh.

 Những con số “đá nhau” trong hai văn bán của UBND xã Âu Lâu. Ảnh: Thái Sinh.

Một sự tù mù rất khó hiểu ở đây, UBND xã Âu Lâu mà cũng không nắm được diện tích chính xác dưới chân đập hồ Đoàn Kết là bao nhiêu mét vuông.

Văn bản 120/UBND-ĐC đoán khoảng 2.200m2, biên bản kiểm tra ngày 14/1/2020 cũng đoán khoảng 1.617,3m2.

Con số chính xác sau dấu phảy 0,3m2 mà vẫn đoán là “khoảng”, thì đủ thấy sự tù mù về diện tích thực trong phạm vi an toàn hồ Đoàn Kết là bao nhiêu mét vuông, trong đó có bao nhiêu mét vuông có sổ đỏ và bao nhiêu mét vuông chưa có sổ đỏ.

Theo quan sát của PV Báo NNVN, một hàng chuối mới trồng leo lên thân đập, điều đó chứng tỏ người dân đang cố tình trồng cây lên thân đập.

Ông Nguyễn Minh Hải cho biết: Chúng tôi sẽ cho phá ngay những cây mới trồng trên thân đập, đào cả củ, chứ để như vậy vài năm thành bụi lớn sẽ nguy hại cho đập.

Ông Hải cho biết thêm: Ngày 13/5/2020 UBND xã đã báo cáo với Chủ tịch UBND TP Yên Bái đưa diện tích đất dưới chân đập hồ Đoàn Kết vào danh sách thu hồi trong năm 2020 để bảo vệ an toàn cho hồ. 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.