Trong 8 ngày người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bắt giữ cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung – người trực tiếp đảm trách nhiệm vụ đối thoại với người dân - đã làm những gì?
Không đối đầu, chỉ đối thoại
Trước khi ông Nguyễn Đức Chung đặt chân đến xã Đồng Tâm, nhiều người dân đã sốt ruột khi ngóng đợi người đứng đầu UBND thành phố từ nhiều ngày. Họ mong chờ một cuộc đối thoại “cho ra ngô ra khoai” để làm rõ trắng đen, đồng thời thả các cán bộ, chiến sỹ đang lưu giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành.
Nụ cười của ông Chung khi chào hỏi người dân Đồng Tâm |
Đã có ý kiến cho rằng, phản ứng của Chủ tịch Chung như vậy là chậm. Tuy nhiên, chính vị Chủ tịch thành phố đã phản bác và cho rằng: “Hôm nay (sáng 22/4) mới là thời điểm phù hợp nhất để lãnh đạo thành phố đối thoại với nhân dân Đồng Tâm”. Bởi, nếu gặp mặt trong lúc nhân dân còn có tâm lý lo sợ, đề phòng với chính quyền thì rất khó tìm được tiếng nói chung.
Trong 8 ngày Đồng Tâm trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, ông Chung nhận định rằng: Để xảy ra sự việc như vậy, chỉ là do nhân dân bức xúc từ hai nguyên nhân ngọn nguồn: Một là bức xúc liên quan đến việc giải quyết vấn đề đất đai kéo dài. Hai là trong quá trình thi hành công vụ bắt giữ, người dân đã chứng kiến những người không mặc quần áo (sắc phục của ngành - PV); không công bố lệnh bắt giữ và có hành vi đánh đập cụ Kình (82 tuổi, là đảng viên và rất có uy tín trong làng). Ông Chung cũng khẳng định: “Cụ Kình hiện nay cũng đang bị gẫy xương thật, đang phải điều trị ở bệnh viện thật”.
Và thực tế, sau khi bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Đồng Tâm đã chăm sóc rất chu đáo từ cơm ăn, áo mặc đến sinh hoạt thường ngày. Thậm chí, họ còn quan tâm các cán bộ, chiến sĩ hơn cả người thân trong gia đình mình.
Từ những nguyên nhân trên, chính quyền Hà Nội nhận thấy, việc làm của nhân dân Đồng Tâm không phải là chống đối Đảng, Nhà nước. Tuy việc bắt giữ người là sai, nhưng họ chỉ mong muốn gây sức ép nhằm đối thoại trực tiếp với Trung ương và lãnh đạo Hà Nội để tìm sự công bằng.
Ngay từ ngày 15/4, ông Chung đã chỉ đạo và cam kết công khai rằng “sẽ không có ai về trấn áp, không có ai về giải cứu các cán bộ, chiến sĩ (đang ở nhà văn hóa thôn Hoành)” để bà con an tâm. Biện pháp duy nhất để giải quyết tình hình là thông qua gặp mặt, trao đổi và đối thoại.
Cũng trong ngày 15/4, sau khi bị bắt giữ, cụ Lê Đình Kình bị gẫy xương và phải điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ông Chung đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội hủy bỏ Quyết định liên quan đến các biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra.
Người dân vỗ tay sau khi kết thúc buổi đối thoại |
Đồng thời, chủ tịch thành phố đã gặp ông Trần Đình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và những chuyên gia đầu ngành trong điều trị xương khớp để chẩn đoán, điều trị cho cụ Kình. Đồng thời, ông cũng trực tiếp gặp người thân của cụ Kình gồm: chị vợ cụ Kình, 4 người con và hai người cháu của cụ Kình để giải thích, thuyết phục.
Ông Chung còn gọi nhiều cuộc điện thoại giải thích, trao đổi trực tiếp với người dân thôn Hoành. Có nhiều cuộc nói chuyện kéo dài tới 2 – 3 giờ; và có những cuộc nói chuyện khi kết thúc là 4 – 5 giờ sáng. Ông Chung cũng yêu cầu huyện Mỹ Đức ngay lập tức ngừng phát thanh tuyên truyền về sự việc tại Đồng Tâm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Tôn trọng sự thật khách quan
Để giải quyết 2 nguyên nhân chính là ngọn nguồn “châm ngòi” cho sự việc tại Đồng Tâm, ngày 20/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 1121, yêu cầu thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng và làm rõ nguồn gốc khu đất ở đồng Sênh mà bà con đang canh tác. Trong vòng 45 ngày phải có kết luận cuối cùng.
Tại buổi đối thoại ngày 22/4, trước phản ánh của người dân thôn Hoành rằng, trong thành phần đoàn thanh tra của thành phố có đồng chí H.K, trước đây đã làm việc không công tâm, thiếu khách quan, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Ngay chiều nay, khi về Hà Nội tôi sẽ thay thế đồng chí H.K bằng người khác để đảm bảo tính khách quan”. Đồng thời, mời Thanh tra Chính phủ, đại biểu Quốc hội và Ban Dân nguyện của Quốc hội giám sát.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong thời gian vận động, thuyết phục, thành phố Hà Nội yêu cầu Tập đoàn Viễn thông Quân đội không được xây dựng bất cứ công trình nào trên “điểm nóng” đồng Sênh. Mặt khác, người dân đề nghị xác minh, điều tra những người làm sai trong việc bắt giữ người dân trong việc gây thương tích cụ Lê Đình Kình thời gian qua.
Ông Chung đã làm việc với Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị Bộ Công an cử đoàn công tác để thanh tra lại toàn bộ quá trình thực thi hợp pháp của công an thành phố Hà Nội và kết luận rõ đúng sai. Và, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm minh đến đó. Thậm chí, nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn phải làm. Bộ Công an đã đồng ý. Đồng thời, thành phố cũng phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, đảm bảo không có các đối tượng xấu quấy nhiễu, gây ảnh hưởng đến bà con.
Các cán bộ, chiến sĩ rời nhà văn hóa thôn Hoành (xã Đồng Tâm) |
Có mặt trực tiếp tại buổi đối thoại, theo ghi nhận của PV NNVN, nỗi bức xúc của người dân vẫn chưa thực sự vơi hết. Từ khuôn mặt đến lời nói, họ không thể quên được hình ảnh cụ ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, râu tóc bạc phơ, 66 năm tuổi Đảng, là người uy tín với dân làng, trên mình mang thương tật, không thể làm hại ai mà bị những người chấp pháp đánh đập và đối xử bất công.
Họ vẫn cho rằng, mảnh đất 47,6 ha mà họ canh tác từ năm 1980 đến nay nằm ngoài phạm vi đất quốc phòng. Và thực tế, quyết định thu hồi khu đất trên cũng không có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vậy dựa vào đâu mà chính quyền tiến hành thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án?
Với những cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong việc làm sáng tỏ nguồn gốc đất ở khu đồng Sênh; đồng thời xác minh, làm rõ đúng sai của những người tham gia bắt giữ cụ Lê Đình Kình, người dân Đồng Tâm đã vơi đi rất nhiều sự bức xúc. Họ tình nguyện thả cán bộ, chiến sĩ và xin được khoan hồng vì thiếu hiểu biết pháp luật (và theo người dân Đồng Tâm, cái sai của họ xuất phát từ hai cái sai của chính quyền trước đó).
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ: Đồng Tâm đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp; có 11 Mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận, 186 liệt sĩ. Ông cảm thấy mừng rằng, cho đến giờ phút này người dân Đồng Tâm vẫn tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền. Chính vì thế, người dân mới mời lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung ương về đối thoại. Và, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với người dân Đồng Tâm trong vụ việc này, cũng đã khiến người Đồng Tâm xúc động. Vị Chủ tịch thành phố rời xã Đồng Tâm trong những tràng pháo tay chân thành của đông đảo nhân dân.