| Hotline: 0983.970.780

Vai trò nông nghiệp rất quan trọng nhưng chưa được đầu tư tương xứng

Thứ Năm 02/06/2022 , 13:42 (GMT+7)

Ngày 2/6, các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản trong thời gian tới.

Sáng 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Ngân sách nhà nước năm 2021.

Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao

Trong phiên thảo luận sáng 2/6, Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) đã có những phát biểu đáng chú ý về phát triển lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu khẳng định, hơn 2 năm qua khi chịu sự tác động nặng bởi dịch bệnh Covid-19, khu vực nông nghiệp tiếp tục bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo cơ sở quan trọng để đảm bảo sự ổn định và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng cần có thêm các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng cần có thêm các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Quốc hội.

“Nông nghiệp có vai trò quan trọng như vậy nhưng trong việc đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội vào nông nghiệp những năm qua chưa tương xứng với những đóng góp của nông nghiệp đối với Quốc gia và xã hội”, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang nêu vấn đề.

Một vấn đề nữa mà ông Nguyễn Văn Thi nêu ra là người nông dân hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước việc giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá nông sản không tăng đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Trước tình hình đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay cần bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình, sản xuất nhỏ sang hợp tác xã gắn với đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo thành các liên kết nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Cụ thể, chính sách phù hợp về đất đai, thuế, tín dụng và công nghệ để thu hút các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân trong công tác dự báo thị trường, định hướng sản xuất và đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp giữ ổn định và giảm giá các mặt hàng phân bón.

Đồng quan điểm với đại biểu này, Đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) cho biết tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang các nước láng giềng đã được Chính phủ tháo gỡ và đề nghị Chính phủ có định hướng, kế hoạch cùng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đẩy mạnh chế biến ở ĐBSCL

Một trong những vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển nông nghiệp được các đại biểu đưa ra trong phiên thảo luận sáng 2/6 là đẩy mạnh công nghiệp chế biến.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) khẳng định công nghiệp chế biến đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian tới.

Theo đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư vào khâu chế biến nông sản của vùng ĐBSCL.

Vấn đề đẩy mạnh chế biến nông sản, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL được nêu ra tại nghị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Vấn đề đẩy mạnh chế biến nông sản, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL được nêu ra tại nghị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

“Cần có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thủy sản, đầu tư cho phát triển hệ thống logistics, nhất là những kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề bảo quản nông sản vào những thời điểm thu hoạch cao điểm”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị.

Ngoài ra, bà cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho ĐBSCL thông qua những việc làm cụ thể như hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo thị trường, giúp cho nông dân kịp thời điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Ngoài đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) cũng nhất trí cao với giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu bền vững, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.