| Hotline: 0983.970.780

Về Vĩnh Long xuôi sông ngắm gốm

Thứ Sáu 24/06/2022 , 08:16 (GMT+7)

Có thể nói dòng sông Mang Thít và kênh Cai Thầy được coi là dòng sông gốm. Cả ngàn lò gạch lớn chạy dọc sông dài tới hàng chục cây số.

Những lò gốm dọc sông ở Vĩnh Long.

Những lò gốm dọc sông ở Vĩnh Long.

Mảnh đất Vĩnh Long được thiên nhiên ưu đãi khi nằm ở ngã ba của hai con sông dồn về bồi đắp phù sa. Đây được coi là hạ nguồn sông Mê Kông. Khi chảy đến thành phố Vĩnh Long, dòng lưu được chia đôi tạo nên con sông Cổ Chiên chảy song song đổ ra biển Đông. Hàng trăm kênh rạch tạo nên cảnh quan kỳ thú. Trong dân gian đã có câu: "Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh/ Quyện lòng du khách gợi tình nước non".

Trên thực tế tỉnh Vĩnh Long nằm giữa hai con sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang do chính dòng sông mẹ Mê Kông tách ra. Hệ thống sông ngòi chằng chịt được hình thành bởi sự xuất hiện những cồn đảo do phù sa bồi đắp. Hàng ngàn năm qua dưới lớp phù sa của hai con sông đã hình thành những vỉa tầng đất sét dẻo quý hiếm.

Đặc biệt khảo sát địa chất mới hay vùng đất sét đỏ được hình thành tập trung tại hai huyện Long Hồ và Mang Thít ở Vĩnh Long. Sóng nước Cổ Chiên đi qua huyện Mang Thít rất xoáy tạo nên những trầm tích địa chất kỳ lạ. Trong đó có sự hình thành con sông Mang Thít rẽ ngang dài hàng chục cây số. Trong những câu hò điệu lý cổ vẫn còn lưu truyền: "Sông Mang Thít có nước xoáy/ Rạch Ba Soi nước chảy vòng cung/ Người đi mang nỗi nhớ nhung/ Sông này vẫn giữ thủy chung với người".

Đất sét ở đây đã được dân làng khai thác làm gạch hơn 100 năm qua. Lò nung đầu tiên được xây từ năm 1887. Gạch ở đây đã chiếm lĩnh thị trường khắp lục tỉnh bởi đặc tính dị biệt của nó. Gạch màu đỏ hồng và rắn như đá. Gạch ống được xếp lên hàng khối chất ngất được coi như những thỏi vàng. Khi lấy dụng cụ gõ lên, tiếng nghe đanh vang. Chính vì thế thương hồ đánh tầu về Mang Thít lấy gạch một thời tấp nập tạo nên bến cảng lớn bên sông Cổ Chiên.

Gạch tốt có tiếng đến mức các thương lái từ Thái Lan, Campuchia, Ma Lai cũng tìm về lấy hàng. Họ thường xây chùa đền bằng gạch trần của Vĩnh Long để giữ lấy mầu hồng đỏ tươi chứ không sơn quét vôi như mọi nơi. Hầu như các đình đền và dinh thự quanh vùng như Bến Tre, Đồng Tháp, Mỹ Tho và Hà Tiên đều xây bằng gạch được nung bên sông Mang Thít.

Phải nói đất sét đỏ được coi là đặc sản riêng chỉ có ở Vĩnh Long. Cách đây hơn trăm năm đã có tới hàng trăm lò gạch được hình thành bên sông Cổ Chiên và sông Mang Thít. Sau đó dân quanh vùng đổ xô đi làm gạch ngói và xây hàng ngàn lò mới chạy dọc kinh Cai Thày một nhánh của sông Mang Thít và Cổ Chiên. Khi thịnh nhất, dân làng xuất khẩu gạch đi nhiều nước đến mức có tới 3,000 lò nung gạch. Họ xây lò rất lớn, cao 12 mét chứa được hàng vạn viên gạch. Hơn nữa, vì nung bằng trấu và than củi nên cần phải xếp gạch cao chất ngất để điều hòa nhiệt độ.

Vẻ đẹp gốm miền Tây.

Vẻ đẹp gốm miền Tây.

Có thể nói dòng sông Mang Thít và kênh Cai Thầy được coi là dòng sông gốm. Cả ngàn lò gạch lớn chạy dọc sông dài tới hàng chục cây số. Sau khi nền kinh tế thế giới gặp khốn đốn vào đầu thế kỷ 21, nghề làm gạch ở đây cũng bị giảm sút. Hiện chỉ còn chừng hơn 300 hộ và mươi công ty xí nghiệp tiếp tục sản xuất.

Nhưng điều thú vị ở đây chính là hàng ngàn lò gạch vẫn còn bỏ hoang bên sông tạo nên viễn cảnh kỳ bí. Đa số đã mọc rêu xanh và bạc màu với thời gian cùng thời tiết nắng mưa và triều dâng tràn bờ. Vẫn có những lò đã được phục hồi nhả khói trắng bồng bềnh trong nắng mai. Chúng đan xen nhau như bức tranh thủy mặc tựa những ngọn núi nhỏ. Gạch đã hóa đá với thời gian. Thậm chí nhiều cây cỏ đã mọc hoang trên thành lò tạo nên vườn cây xanh mát. Hoặc có những miệng lò đổ vỡ mang hình thù kỳ quái.

Dọc bên sông Mang Thít và Cai Thày, các lò gạch hoang phế như những lâu đài bị lãng quên. Khi nhìn từ trên cao mới thấy chúng chính là một kỳ quan tựa một thành phố bị tàn phai nhưng lại rất thơ mộng. Chung quanh dẫy lò là những vườn cây xanh trĩu nặng những chùm hoa. Hình ảnh đó đã được người dân ghi lại rằng: "Mang Thít vú sữa thơm ngon/ Long Hồ hương nhãn tiếng đồn bay xa". Đó chính là những vườn cây bên vương quốc lò gạch cổ sông Mang Thít.

Dòng sông Mang Thít với dẫy lò gạch cổ đã gây chấn động với du khách qua vẻ đẹp thẳm sâu ngỡ như thiên nhiên ban tặng. Nét hoang vu và tàn phai của hàng trăm lò gạch tạo nên cảnh quan kỳ thú nên thơ. Thành phố Vĩnh Long đã có dự án bảo tồn và tu bổ hàng trăm lò gạch này để tạo một cảnh quan hiếm có. Đây là di sản trăm năm ghi dấu ấn làng nghề gốm cổ của Vĩnh Long.

Gặp chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi ở phường 5 thành phố Vĩnh Long cho biết, ông đã dựng một ngôi nhà gốm 5 gian làm bảo tàng văn hóa đồng bằng Sông Cửu Long. Và đây cũng là một công trình hưởng ứng dự án của thành phố bảo tồn phố lò gạch bên sông Mang Thít. Ngôi nhà gốm tạo điểm nhấn cho một hành trình xuôi dòng Cổ Chiên với những kỳ quan hai bên bờ sông.

Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi bước vào ngôi nhà chính rộng hai trăm mét vuông với những cột gốm đỏ hồng. Trên tường và những cột gốm đều được trang trí và điêu khắc theo mỹ thuật dân gian trên trống đồng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi theo đuổi nghề gốm đã hơn 30 năm. Từ nhỏ ông đã theo cha và mẹ đi đào đất suốt đêm về nhào nặn. Lời ru của mẹ bên lò gốm đã nuôi giấc mơ thần tiên về những lâu đài trong chuyện cổ tích trong tuổi thơ ông. Những lời ru ấy cùng ngọn lửa luôn luôn bừng sáng đêm đêm chờ gạch ra lò. Mỗi lò gạch phải nung hơn 20 ngày rồi còn để nguội lò cả tuần mới dỡ. Mỗi lần ra gạch tựa như ngày hội. Vừa dỡ lò là tầu thuyền cập bến lấy gạch.

Trong một lò gốm bên dòng Măng Thít.

Trong một lò gốm bên dòng Măng Thít.

Cậu bé Buôi ngày đó luôn bùi ngùi mỗi khi dỡ lò và mong một ngày sẽ được ở một ngôi nhà lớn xây chính bằng những viên gạch mình làm ra. Đến nay ông vẫn nhớ câu hò sông nước trong lời ru của mẹ: "Ai về Mang Thít thì về/ Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn"; Hoặc đâu đó câu chuyện tình yêu trên dòng sông xoáy dữ luôn đem lại sự sắt son bền bỉ trong lòng chàng trai xứ Cổ Chiên. Câu hò của cha luôn vang vọng trên sóng nước xôn xao: "Bao giờ cạn rạch Thầy Cai/ Nát chùa Phước Hậu em mới sai lời nguyền". 

Chính vì những lời ru câu hò đã đi vào tâm thức của nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi với tình yêu nghề gốm thật sâu nặng. Đến nay con ông cũng theo làm gốm đánh dấu mốc bốn đời gia đình theo nghề. Những hạng mục ngôi nhà gốm của nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi trải rộng 300 mét vuông. Mỗi góc nhà đều được trưng bày những di vật mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước Vĩnh Long.

Ông theo đúng nguyên tắc mà người cha đã dậy: "Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán/ Chợ Vĩnh Long mở quán cầu hiền". Đó là yếu tố văn hóa của châu thổ đồng bằng Cửu Long Giang. Nghệ nhân đã sưu tầm được những vật cổ quý giá như 100 chiếc đèn cổ với nhiều kiểu dáng từ thời Pháp để lại. Cùng với đó là nhiều dụng cụ đồ đồng thau trăm năm và giường tủ được chạm khảm trai ốc cổ kính mấy đời truyền lại ở Vĩnh Long. Đặc biệt chiếc máy đĩa với chiếc loa cổ luôn vang lên bản vọng cổ thần sầu của ông tổ cải lương Cao Văn Lầu với bài ca "Dạ cổ hoài lang". Đây cũng là bản vọng cổ được viết cách đây hơn trăm năm (1917).

Dòng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông dường như dồn tụ tại đất mầu mỡ Vĩnh Long tạo nên mỏ đất sét đỏ vô tận. Nghề làm gạch và gốm mỹ nghệ Vĩnh Long dần dần trở lại hưng thịnh như ngày nào. Nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi cho biết nhiều xí nghiệp và công ty đã ứng dụng công nghệ mới cùng kỹ thuật nung mới tạo nên sản phẩm đa dạng. Hàng gốm Vĩnh Long đang dần tạo nên thương hiệu trên thị trường gốm trong nước và quốc tế.

Ông lim dim mắt nhớ lại bao ký ức một thuở gian nan với cơm áo gạo tiền. Nhưng thật bất ngờ khi câu chuyện của chúng tôi gắn liền với văn hóa miền sông nước đậm chất Nam bộ với kho tàng thơ ca tục ngữ bên dòng sông cuộn sóng. Đâu đó câu hò trên thuyền vang vọng từ xa: "Cù lao An Bình vườn cây xanh mát/ Dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông/ Thương em chỉ để trong lòng/ Biết bao ngày đợi, tháng trông mỏi mòn".

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.