| Hotline: 0983.970.780

Vị thế nông nghiệp trong kỷ nguyên mới

Thứ Năm 14/11/2024 , 09:12 (GMT+7)

Mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dựa vào quá trình lột xác của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kỷ nguyên mà chắc chắn, nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong, nòng cốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các nông dân sản xuất dứa trên cánh đồng của Công ty Doveco tại Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các nông dân sản xuất dứa trên cánh đồng của Công ty Doveco tại Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành NN-PTNT Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2024), Báo Nông nghiệp Việt Nam trò chuyện cùng ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN- PTNT và TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp về vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong kỷ nguyên dân tộc vươn mình.

Kỳ tích của nông nghiệp Việt Nam thực sự kỳ lạ và vĩ đại

Thưa TS Đặng Kim Sơn, nhìn lại quá trình xây dựng, phát triển đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm để từ đó có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc. Từ Kỷ nguyên giành độc lập tự do (từ năm 1945), Kỷ nguyên Đổi mới (từ năm 1986) và Kỷ nguyên mới hiện nay đều cho thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam chính là nền tảng, động lực để phát triển đất nước. Là chuyên gia nghiên cứu, theo ông, điều gì đã làm nên vị thế đó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

Trước hết cần phải khẳng định trong cả 3 giai đoạn, 3 kỷ nguyên của dân tộc Việt Nam từ năm 1945 đến nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều có những đóng góp vô cùng to lớn, hoàn toàn có thể gọi là kỳ tích, thần kỳ. Tất nhiên chúng ta cũng có những thành tựu khác, ở các lĩnh vực khác nhưng để có thể gọi là kỳ tích, đáng tự hào nhất, để lại những dấu ấn rõ nét nhất không những đối với nhân dân, đối với sự nghiệp phát triển đất nước mà còn được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao chính là lĩnh vực quốc phòng toàn dân, kháng chiến bảo vệ tổ quốc và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong giai đoạn 1945 -1975, kỷ nguyên độc lập tự do, khi đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để giành độc lập cho dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn vô cùng to lớn. Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do dân tộc trong bối cảnh nạn đói lịch sử đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người Việt, thiên tai ở khắp mọi nơi, địch họa bao vây trong cơn biến loạn… Vậy mà chỉ sau có một năm Việt Nam đã giải quyết được nạn đói, song song với diệt giặc dốt, với xây dựng chính quyền, với kháng chiến chống giặc ngoại xâm…, hoàn toàn dựa vào sức mình, không có viện trợ, không có nhập khẩu. Đó là điều rất khó có thể tưởng tượng được và cho đến bây giờ, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa thể nghiên cứu, giải mã hết kỳ tích, sự thần kỳ đó.

Kỷ nguyên thứ 2 từ năm 1986, đất nước bước vào quá trình Đổi mới và phát triển tiếp tục chứng minh nông nghiệp Việt Nam giữ vai trò chiến sĩ tiên phong để phá tan hàng rào cũ, xây dựng cơ chế mới góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.

TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông nghiệp giúp đất nước vượt qua khó khăn bên ngoài như bao vây cấm vận, vượt qua chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ…, nông nghiệp giúp đất nước vượt qua khó khăn bên trong là cơ chế kế hoạch trì trệ, mất hết nguồn viện trợ, thị trường ngăn sông cấm chợ, người nông dân bị “trói tay” trong các hợp tác xã, nông lâm trường, khoa học công nghệ đóng băng, thiếu đủ mọi thứ để có thể tổ chức sản xuất.

Tuy nhiên, chỉ sau một đêm Đổi mới, từ chỗ phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu. Đầu tiên là lương thực, sau đó là cà phê, điều, thủy sản…, nông nghiệp Việt Nam lập nên những kỳ tích, thần kỳ đến nỗi tôi cho rằng gần như bất cứ thứ gì người nông dân đụng tay vào, bất cứ thứ gì thuộc về nông nghiệp chúng ta đều thắng.

Đó thực sự là kỳ tích, là điều thần kỳ khó có thể tìm được ở bất cứ lĩnh vực khác, ngành khác. Để sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính mình gây ra suốt hơn 10 năm trước Đổi mới, mặc dù trên thế giới xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng, tuy nhiên điều cực kỳ đặc biệt là Việt Nam dù đôi lúc có tròng trành, có khó khăn nhưng chính nhờ nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà chúng ta có thể đứng vững.

Tựu chung lại, ở hai giai đoạn này nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của mình. Từ sơ khởi ban đầu với nhiệm vụ lo cái ăn, giữ nền tảng đất nước phục vụ kháng chiến, cho đến sau này là sứ mệnh ổn định kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xuất khẩu để cân đối nền kinh tế, giữ ổn định xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, để góp phần to lớn đưa đất nước vượt qua mọi tình thế khó khăn.

Và nông nghiệp Việt Nam làm được câu chuyện đó trong bối cảnh sự hỗ trợ, tiếp sức, tháo gỡ rất chậm và hạn chế. Đầu tư ít ỏi, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, 9-10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, cần mẫn trên diện tích đất sản xuất bình quân chỉ bằng 1 nửa so với nông dân Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, bằng ¼ của nông dân Trung Quốc, Myanmar, Lào, bằng 1/5 Thái Lan, Campuchia… Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn làm nên những kỳ tích mà tôi cho vừa kỳ lạ vừa hết sức vĩ đại. 

Thành tựu đó, kỳ tích đó là nền tảng của dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân tộc vươn mình. Kỷ nguyên mà chắc chắn, nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong, nòng cốt khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 dự kiến đạt hơn 61 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 dự kiến đạt hơn 61 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xin được hỏi ông Hồ Xuân Hùng, nhìn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta hiện nay, ông có suy nghĩ gì? Ông cảm nhận như thế nào về vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong kỷ nguyên mới của dân tộc, thưa ông?

Rõ ràng cùng với quá trình phát triển của đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cũng phát triển và thay đổi rất rõ rệt để có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc. Đặc biệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau gần 15 năm triển khai đã thay đổi bộ mặt nông thôn chúng ta rất nhiều, ngày càng khẳng định rõ hơn vị thế của giai cấp nông dân trong xã hội Việt Nam để cùng với nhiều tầng lớp khác trong xã hội xây dựng đất nước.

Với nông nghiệp, năm 2024 dự kiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể đạt hơn 61 tỷ USD, điều này cho thấy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng chất lượng và khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Điều đó mang nhiều ý nghĩa to lớn, không chỉ mang ngoại tệ về nước, giải quyết việc làm cho nông dân, công nhân mà thương hiệu quốc gia trên từng sản phẩm nông sản sẽ góp phần làm rạng danh, nâng tầm vị thế của chúng ta.

Tuy nhiên, nhìn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay rõ ràng chúng ta vẫn thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn, rào cản. Với cá nhân tôi, từ khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT và cho đến bây giờ, ở tuổi xấp xỉ 75 thì trăn trở lớn nhất vẫn là chuyện người nông dân của chúng ta là tầng lớp chịu thiệt thòi, vất vả nhất so với các tầng lớp khác, nông dân ở vùng sâu vùng xa còn khổ hơn, nông dân ở những cái nôi cách mạng còn khổ hơn nữa.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Rõ ràng chúng ta đang thiếu sự đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là khi so sánh với những đóng góp của lĩnh vực này đối với sự phát triển của đất nước. Mặc dù bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống nông thôn tăng lên nhưng có thể thấy là không đồng đều, thậm chí là chênh lệch ghê gớm. Sự chênh lệch đó không phải do phát triển sản xuất trong địa phương tạo ra mà là nguồn tiền từ con em nông dân đi xuất khẩu lao động gửi về.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao làm việc trong nước không giúp người nông dân trở nên khá giả mà phải đi ra nước ngoài, rõ ràng là thiếu sự đầu tư.

Nhiều người dân ở nông thôn nói, họ đẻ ra trí thức nhưng trí thức không quay về quê, thậm chí chấp nhận ở lại đô thị làm xe ôm công nghệ. Câu nói đó của họ khiến tôi đau đáu, chúng ta phải làm thế nào để người dân nông thôn có thể sống tốt ở nông thôn, có thể ly nông không ly hương, có thể không phải bám trụ ở thành thị, học hành xong mang trí thức trở về xây dựng quê hương đất nước.

Rồi chuyện đầu tư khoa học công nghệ, chuyện liên kết sản xuất, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu… Càng nhìn vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng thấy nhiều vấn đề cần sự đột phá, thay đổi tư duy để lĩnh vực này có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

TS Đặng Kim Sơn: Tôi muốn bổ sung thêm về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong nhiều giai đoạn phát triển đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là mặt trận hàng đầu, là trung tâm, chủ thể của quá trình phát triển, tuy nhiên mức đầu tư vào lĩnh vực này trước đây chiếm khoảng 5% GDP, bây giờ thậm chí còn ít hơn.

Một nền kinh tế khổng lồ của đất nước, chiếm 60% dân số ở khu vực nông thôn, hơn 40% lao động, đóng góp vào 12% GDP… nhưng đầu tư càng ngày càng ít đi trong bối cảnh thị trường hết sức biến động, thiên tai dịch bệnh, cạnh tranh trên thế giới khốc liệt… Trên thế giới hầu như tất cả các quốc gia đều trợ cấp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn… còn chúng ta, với mức đầu tư còn hạn chế như vậy, rõ ràng có thể làm nên kỳ tích là điều vĩ đại.

Đột phá từ đâu?

Cùng với sự đầu tư còn hạn chế, có thể nói nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi trong quá trình phát triển đất nước. Nhưng cũng chính ở lĩnh vực này, lịch sử đã chứng minh, từ chính sách Khoán 10, Khoán 100, từ Nghị quyết Trung ương 7 hay gần đây là Nghị quyết 19 của Trung ương tại Đại hội Đảng XIII, mỗi công cuộc xé rào, đột phá bằng quyết sách mới đều mở ra trang sử mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để từ đó góp phần đưa đất nước phát triển đi lên.

Xin hỏi ông Hồ Xuân Hùng, vấn đề đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay đang như thế nào?

Mọi sự đột phá đều đòi hỏi có sự hy sinh, không chỉ với cá nhân người đưa ra sự đột phá mà cái lớn hơn là sự thay đổi trong tổ chức sản xuất, từ doanh nghiệp, hợp tác xã, đến người nông dân đều phải thay đổi.

Theo tôi, đột phá lớn nhất trong thời gian gần đây đó là Đảng, Nhà nước ta đã xác định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, đây cũng là yếu tố cơ bản, nền tảng tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Đột phá thứ hai là quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam với thế giới ngày càng được mở rộng, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Xác định rõ như thế để có sự thay đổi, trước hết là thay đổi tư duy vĩ mô. Khi đã xác định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia thì phải lựa chọn tư duy chính xác và tôi cho rằng nông nghiệp Việt Nam dứt khoát phải đi theo hướng chất lượng và hiệu quả.

Cần làm rõ vấn đề hiệu quả trên mảnh đất của người nông dân. Có phải an ninh lương thực nữa không, hay là an ninh dinh dưỡng? Và lương thực liệu có phải chỉ là lúa gạo hay có thể bằng cây trồng khác, đó là những điều cần làm rõ.

Theo tôi, mọi sự đột phá đều phải hướng đến giá trị cốt lõi là lợi ích người nông dân, lợi ích quốc gia, dân tộc. Muốn như thế chúng ta cần có giải pháp, có sự tính toán hiệu quả trên cả một chuỗi ngành hàng, từ đồng ruộng cho đến chế biến và ra thị trường.

Ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục bứt phá, tạo những kỷ lục về giá trị xuất khẩu trong những năm qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục bứt phá, tạo những kỷ lục về giá trị xuất khẩu trong những năm qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Cùng với đó là giải pháp bằng những chính sách về thuế, bảo hiểm… để có thể đem lại lợi ích chính đáng và sát sườn với người nông dân, củng cố mối liên kết trong nông nghiệp, tìm giải pháp để tạo ra được những chuỗi sản xuất hiệu quả, chìa khóa cơ bản là hài hòa lợi ích giữa từng mắt xích của mối liên kết và giảm thiểu được rủi ro khi đầu tư.

Giải pháp đó phải được xây dựng bằng hệ thống chính sách, trong đó Nhà nước có thể đứng ra làm nền tảng để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân có thể dựa vào, từ đó giải quyết những thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Song song đó, cần tiếp tục đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… Tôi cho rằng đây vừa là giải pháp vừa là yếu tố căn cơ và lâu dài để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chúng ta đang tiến gần đến 100 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình, chúng ta phải chớp lấy thời cơ này, không để bị bỏ lỡ nữa.

Nông thôn cần văn minh, thịnh vượng, trong đó bao hàm cả sự sum vầy, không cô đơn. Để được như vậy, cần quan tâm hơn đến nông thôn, bắt đầu bằng quy hoạch cho nông thôn. Chúng ta cần tạo ra sự gắn kết trong quy hoạch đô thị và nông thôn. Làm sao để đời sống nông thôn phải như đô thị, thậm chí nhỉnh hơn đô thị, đặc biệt là truyền thống tình làng nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng ở nông thôn.

Và hơn hết, người nông dân phải làm giàu được trên mảnh đất của mình, từ đó tạo ra sự thịnh vượng chung cho nông thôn. Mục tiêu này cần đến sự thay đổi trong tư duy, thay đổi trong cơ cấu sản xuất, để nông nghiệp không chỉ thuần túy sản xuất nữa mà phải có cả chế biến, cả tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là người rất quan tâm đến đời sống người nông dân, đưa ra những gợi mở đột phá mới cho người làm nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là người rất quan tâm đến đời sống người nông dân, đưa ra những gợi mở đột phá mới cho người làm nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Trọng tâm là thể chế

Với TS Đặng Kim Sơn thì sao? Nghị quyết 19, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, cũng là sự khởi đầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông suy nghĩ gì về vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong kỷ nguyên mới này, thưa ông?

Bây giờ có thể nói toàn Đảng, toàn dân yêu nông nghiệp, hiểu nông nghiệp. Đây là điều hiếm có trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy lên cao trào. Ở các quốc gia khác, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã chấp nhận hi sinh, thậm chí bỏ quên nông nghiệp và họ cho rằng đó là điều tất yếu xảy ra.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay nhiều quốc gia khác trên thế giới nông thôn chỉ còn người già, thậm chí là bỏ hoang, như một quy luật tất yếu. Tuy nhiên với Việt Nam, cụ thể tại Nghị quyết số 19, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, hiểu được giá trị cốt lõi này, phát huy được lợi thế này có thể nói là may mắn, là điều đại phúc của đất nước, của dân tộc.

Xu thế thế giới hiện nay sẽ tiếp tục có nhiều biến động cả về thiên nhiên, khí hậu cả về xung đột, cạnh tranh giữa các quốc gia lương thực thực phẩm, tất cả các các loại nông sản và vật liệu, tài nguyên và nhân lực lao động sẽ lên giá, thị trường sẽ mở ra mênh mông vừa là cơ hội nhưng kèm theo thách thức không hề nhỏ.

Tôi lo nhất là những vấn đề gì chúng ta đã phát hiện ra, những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam đã nhìn thấy cho đến bây giờ vẫn còn nguyên như thế. Những điểm yếu dù quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã tập trung để đột phá nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phá được.

Nhiều địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ, tái cơ cấu nông nghiệp thành công, điển hình như Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ, tái cơ cấu nông nghiệp thành công, điển hình như Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Những điểm yếu đó là gì, thưa ông?

Thứ nhất là cơ sở hạ tầng. Mặc dù đã có nhiều đột phá, ở một góc độ nào đó cũng là kỳ tích như hệ thống thủy lợi, tuy nhiên toàn bộ hậu cần cho nền nông nghiệp vĩ đại của chúng ta hiện nay còn rất mỏng manh. Toàn bộ con đường đi ra của nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ dựa vào một số trục đường bộ, vận chuyển chủ yếu bằng xe container, còn đường sắt, đường biển hết sức hạn chế.

Tình trạng đó không thể kéo dài được, nhất là khi nông nghiệp Việt Nam ngày càng tạo ra nông sản giá trị cao như sầu riêng, thủy sản tươi sống, lúa gạo chất lượng cao... Cho nên đầu tiên phải phá được rào cản về cơ sở hạ tầng, logicstic mới phá được rào cản của nông nghiệp Việt Nam.

Điểm yếu cần phải đột phá thứ hai là khoa học công nghệ. Chúng ta mải mê nói về chuyển đổi số, nói về công nghiệp 4.0, kinh tế nghiệp xanh…, tuy nhiên khoa học công nghệ với những vấn đề nội tại của nó cần sự quan tâm đặc biệt để có thể tạo nên sự đột phá.

Chẳng hạn vấn đề giống hiện nay, hệ thống nghiên cứu khoa học hiện nay đang còn nhiều nút thắt mà tôi cho là thảm họa tệ hại. Muốn phát triển nông nghiệp lâu bền không thể dựa vào giống trôi nổi, nhiễm bệnh. Cũng như không thể dựa hết vào vai trò của các viện nghiên cứu nhà nước mà phải mở cửa cho tư nhân, cho quốc tế vào đầu tư nghiên cứu. Muốn cơ giới hóa, hiện đại hóa, muốn phát triển nông nghiệp không thể không đột phá để phá bỏ các rào cản về khoa học công nghệ.

Đột phá thứ ba là thể chế. Đột phá thể chế để phân vai cái nào của nhà nước, cái nào của cộng đồng, dựa trên nguyên tắc nhà nước lùi ra cộng đồng phải tiến vào.

Ví dụ, muốn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, muốn thực hiện cuộc chuyển hóa để đưa 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thành chủ trang trại, đưa lao động ra khỏi nông thôn để từ đó đô thị hóa nông thôn, công nghiệp hóa nông nghiệp cần phải đột phá từ thể chế.

Cơ sở hạ tầng, công nghệ, thể chế là những điểm đột phá, tạo bước tiến cho ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơ sở hạ tầng, công nghệ, thể chế là những điểm đột phá, tạo bước tiến cho ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhà nước phải đầu tư rất lớn cho hợp tác xã từ đất đai, cơ sở hạ tầng, con người…, phải có chính sách ào ạt, quyết liệt, đổ tiền đổ của vào làm, biến sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn, phát triển hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng đi vào thực chất, để những tổ chức đó thay nhà nước làm những việc mà người dân cần nhất.

Hơn lúc nào hết chúng ta phải tổ chức lại cộng đồng, từ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất, cộng đồng phát triển nông thôn, muốn như vậy thể chế phải thay đổi.

Tóm lại tôi nghĩ rằng, đột phá vào 3 điểm yếu nói trên chúng ta mới có niềm tin và hi vọng rằng truyền thống vẻ vang của nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo nghiên cứu của tôi, trong vòng 20 đến 30 năm tới sẽ là giai đoạn lột xác khủng khiếp, một sự thay đổi kinh hồn trong lĩnh vực này.

Gần 10 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ phải rút xuống chỉ còn 1-2 triệu hộ; 17,5 triệu lao động nông nghiệp chỉ còn 5-6 triệu; lao động nông thôn sẽ phải rút ra, trở thành những thị dân; 25 triệu người phải chuyển từ nông thôn ra đô thị… Phải làm được câu chuyện đó mới có thể mở rộng quy mô sản xuất, mới có thể chuyển tỷ lệ hóa đô thị nông thôn từ 42% hiện nay lên 57%.

Vì xuất phát điểm của chúng ta thấp, nếu không có giải pháp căn cơ, không có sự đột phá lớn như tôi đã phân tích, khi những thời cơ dân số vàng qua đi, khi sự tích lũy chưa đủ, chưa kịp giàu đã già sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội.

Lúc đó chúng ta sẽ khó đạt mục tiêu đặt ra vào năm 2045, kỷ nguyên này không đi đến đích, giống như câu chuyện trước đây đặt mục tiêu đưa đất nước cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 vậy.

Nói cách khác, quá trình lột xác này không chỉ quyết định sự thành bại của ngành nông nghiệp liệu có tiếp tục giữ được vị trí, sứ mệnh đẹp đẽ, vai trò quan trọng của mình hay không mà còn quyết định đến sự thành bại của quá trình tích lũy đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả đất nước.

Mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dựa vào quá trình lột xác của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu năng suất lao động tiếp tục thấp, nếu chênh lệch thu nhập tiếp tục lớn, nếu tỷ lệ đô thị hóa tiếp tục chậm thì không thể đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Phát huy lợi thế quốc gia phải tập trung đột phá 3 vấn đề quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn như tôi đã phân tích, trong đó trọng tâm là đột phá thể chế.

Xin cảm ơn ông Hồ Xuân Hùng, TS Đặng Kim Sơn về cuộc trò chuyện.

(thực hiện)

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.