| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nghị định quản lý, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam

Thứ Hai 18/03/2024 , 17:33 (GMT+7)

CẦN THƠ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam giao các đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam để trình Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 18/3 tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đóng vai trò lớn trong việc gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 - 2030.

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.

Tuy nhiên đến nay, rất ít nông sản chủ lực quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, chưa có một hành lang pháp lý chung về việc sử dụng tên gọi địa danh quốc gia Việt Nam để đăng ký bảo hộ với các sản phẩm nông sản chủ lực cấp quốc gia.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện các doanh nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu nông sản riêng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam trong nước và quốc tế. Tuy nhiên qua thời gian theo dõi, Thứ trưởng Nam nhận thấy vẫn còn nhiều vướng mắc và cần sự chung tay của các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng để xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia về nhãn hiệu và thương hiệu quốc gia.

Thực tế hiện nay, nhãn hiệu của các sản phẩm ở nhiều cấp độ khác nhau, có nhãn hiệu của doanh nghiệp, vùng, quốc gia. Như vậy, việc xác định phạm vi sử dụng và giải quyết các tranh chấp nếu xảy ra cần phải có một cơ chế.

Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ chặng đường đầy khó khăn để bảo hộ thương hiệu Gạo ST25. Ảnh: Kim Anh.

Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ chặng đường đầy khó khăn để bảo hộ thương hiệu Gạo ST25. Ảnh: Kim Anh.

Đến năm 2018, Bộ NN-PTNT đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu chứng nhận Quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Trên hệ thống Madrid, nhãn hiệu này đã được bảo hộ tại 21 quốc gia. Thế nhưng đến nay, các cơ quan chuyên môn vẫn loay hoay vì không cấp được nhãn hiệu do chưa có cơ chế cụ thể.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của thương hiệu Gạo ST25 đã từng trải qua chặng đường gần 4 năm đối mặt với liên tục những sự cố liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới sau khi gạo ST25 đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.

6 tháng sau khi đoạt giải, tại Mỹ đã có doanh nghiệp đăng ký độc quyền từ khóa ST25, nếu không chặn, quốc gia này sẽ bảo hộ lan ra nhiều nước trên thế giới. Điều này đồng nghĩa, Gạo ST25 của Việt Nam khó có cơ hội xuất hiện trên thương trường gạo thế giới.

Trải qua khoảng thời gian dài kiên nhẫn làm việc với luật sư quốc tế, tháng 12/2023, Mỹ đã chính thức công nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo ST25 của ông Cua.

Từ thực tế này liên hệ đến vấn đề xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam, ông Cua cho rằng, cần lựa chọn những sản phẩm “tinh túy" của quốc gia để xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bộ NN-PTNT sẽ thí điểm xây dựng nhãn hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo, tiến tới mở rộng đối với các mặt hàng chủ lực khác. Ảnh: Kim Anh.

Bộ NN-PTNT sẽ thí điểm xây dựng nhãn hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo, tiến tới mở rộng đối với các mặt hàng chủ lực khác. Ảnh: Kim Anh.

Không riêng với mặt hàng lúa gạo, các mặt nông thủy sản nói chung vẫn rơi vào thế khó trong việc xây dựng thương hiệu.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình, thương hiệu quốc gia cho mặt hàng nông sản phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng. Về mặt chính sách, Bộ NN-PTNT cần quan tâm hệ thống, kiện toàn lại các hiệp hội ngành hàng để thực hiện việc quản lý, khai thác, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Đồng thời, các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, lựa chọn sản phẩm nào là chủ lực để gắn với việc thực hiện bảo hộ, chỉ dẫn địa lý.

Để tạo cơ sở pháp lý quản lý cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) tham mưu, xây dựng các văn bản để đề xuất Chính phủ xây dựng nghị định liên quan đến quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Việc xây dựng nghị định phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản; phân định rõ cơ chế quản lý của các cơ quan, địa phương, ban ngành. Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ thí điểm xây dựng nhãn hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo, lồng ghép thêm gạo giảm phát thải, tiến tới mở rộng đối với các hàng chủ lực khác như sầu riêng, tôm, cá tra.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.