100 chị em phụ nữ người dân tộc Bana ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) hiện còn gắn bó với dệt thổ cẩm, hướng tới phát triển du lịch làng nghề.
100 phụ nữ dân tộc Bana gắn bó, hồi sinh dệt thổ cẩm
Làng Hà Văn Trên xã Canh Thuận, huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định có 100 hộ với 360 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Bana. Đây là một trong những làng đồng bào dân tộc còn gìn giữ nhiều khung dệt thổ cẩm nhất của người Bana tại huyện miền núi này. Trong nỗ lực khôi phục làng nghề, huyện Vân Canh cũng chú trọng với định hướng phát triển du lịch làng nghề, bởi một khi sống được với nghề mới là cơ sở để bà con bám nghề và giữ nghề.
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã được lưu giữ từ nhiều đời nay. Để nỗ lực khôi phục làng nghề cũng như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều giải pháp đã được triển khai, khuyến khích bà con làm ra những sản phẩm đẹp mắt, phục vụ du khách đến với địa phương. Những sản phẩm thổ cẩm được phụ nữ trong làng làm ra, còn được đẩy mạnh quảng bá du lịch, có mặt ở các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch để thể tiêu thụ sản phẩm.
Phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định: Với 2 mục đích là giúp giới trẻ giữ nghề truyền thống và phát triển du lịch để lấy tiềm lực đầu tư lại làng nghề.
Những hình ảnh người phụ nữ Bana bên khung dệt lại tiếp tục nuôi dưỡng kỳ vọng sản phẩm do chính mình làm ra được ưa chuộng và mỗi chị em của làng lại không cần bôn ba đâu xa kiếm sống, cứ ngồi bên khung dệt làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Phỏng vấn nghệ nhân Đinh Thị Hà, Làng Hà Văn Trên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định: Mong muốn bán được sản phẩm để chị em yên tâm dệt, bảo đảm thu nhập cho gia đình.
Nghề dệt thổ cẩm tuy chưa đem lại nguồn thu nhập lớn cho phụ nữ ở làng Hà Văn Trên, nhưng với tình yêu văn hóa truyền thống, các nghệ nhân đã tạo ra sức lan tỏa đến thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc. Sản phẩm “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên” cũng đã có chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực hồi sinh một làng nghề.