Những ngày này, tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn, các thợ đang hối hả gói bánh để kịp giao đơn hàng cho khách.
Làng nghề bánh tét Trà Cuôn tất bật chạy đơn hàng
Nếu miền Bắc, ngày Tết có chiếc bánh chưng, bánh dày, thì miền Nam có bánh tét để cúng ông bà, tổ tiên. Cứ thế mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều chủ cơ sở làng nghề bánh tét Trà Cuôn huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh lại thuê lao động địa phương để gói bánh nhằm kịp phục vụ thị trường Tết. Tại cơ sở bánh tét Hai Lý, những ngày thường cung cấp cho thị trường từ 300-500 đòn bánh với khoảng 10-12 nhân công nhưng đến những ngày cận Tết, đơn hàng nhiều, số lượng bánh làm ra tăng lên từ 4.000-10.000 đòn mỗi ngày, cơ sở phải thuê thêm từ 70-80 nhân công mới đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của khách. Dự kiến năm nay, cơ sở bánh tét Hai Lý sẽ cung cấp ra thị trường trên 30.000 đòn bánh.
Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc - Cơ sở bánh tét Hai Lý, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà: Đơn hàng khách hàng đã đặt từ sớm, trước 15 gần như đã chốt đơn hơn một nửa rồi. Tháng 11 ÂL là bên Hai Lý đã bắt đầu đào tạo lại thợ, thợ cũ làm từ từ lại trước cho quen tay. Thợ mới thì mình cho những thợ lâu năm hướng dẫn làm theo đúng quy chuẩn của bánh tét Hai Lý.
Còn tại cơ sở bánh tét Ba Loan, thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, những người thợ đang tất bật gói bánh. Bình quân mỗi ngày cơ sở gói từ 200 đòn bánh tét, cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh, thành lân cận vùng ĐBSCL. Giá bán sỉ từ 80.000 đồng/đòn tùy theo kích cỡ bánh.
Mỗi dịp Tết, bình quân cơ sở làm khoảng 4.000-5.000 đòn/ngày, dự kiến Tết năm nay cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 đòn. Cũng như những cơ sở khác, cơ sở Ba Loan đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong vùng, đặc biệt trong dịp Tết này, với thu nhập tăng hơn ngày thường, bà con đã có được cái Tết đầy đủ, sung túc hơn.
Huỳnh Thị Trúc Mai, ấp Kim Hoà, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Tôi làm ở đây cũng được trên 10 năm rồi, ngày thường làm một ngày 300, Tết lên cỡ 400, thu nhập cũng ổn định, giúp đỡ cho cuộc sống hàng ngày của mấy công nhân ở đây. Làm ở đây chủ bao ăn luôn, ăn sáng, trưa, chiều. Nhờ cái đồng lương mà cơ sở trả vậy á thì ăn tết cũng vui vẻ, cũng phấn khởi. Với đồng lương này thì ăn tết sắm sửa thịt heo, bông hoa trong nhà thì cũng được, cũng ổn định.
Ông Huỳnh Quang Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Để bảo vệ làng nghề phát triển được bền vững và lâu dài, tránh hàng giả hàng nhái thì UBND xã cũng đã kết hợp với phòng kinh tế hạ tầng, được sự chỉ đạo của UBND huyện sự hỗ trợ của sở KHCN đến thời điểm này mình đã làm thủ tục để chỉ dẫn địa lý cho bánh tét trà cuôn. Đặc biệt là người sử dụng nhãn hiệu phải có trách nhiệm phải bảo quản chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cho người tiêu dùng.
Hiện làng nghề bánh tét Trà Cuôn có 7 cơ sở bánh tét. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất được từ 150.000-20.000 ngàn đòn. Tổng doanh thu của mỗi cơ sở khoảng 1,5-2 tỷ. Lực lượng lao động tham gia trong làng nghề từ 150-200 lao động.