Biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến chu trình của cây trồng, cây ra hoa sớm hoặc muộn hơn, tiết mật không kịp thời nên làm giảm năng suất lấy mật của các đàn ong.
Tại ngôi làng hẻo lánh cách thủ đô Kathmandu của Nepal khoảng 8 giờ lái xe, dân làng Taap đang chuẩn bị thu hoạch mật ong trên một vách đá dựng đứng giống như cách cha ông họ vẫn làm từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên năm nay, số lượng tổ ong sụt giảm trông thấy.
Ông Chandra Singh Gurung – Người dân làng Tapp: “Chúng tôi thường thu hoạch mật từ giữa tháng 5 và rất vui vì sẽ có thêm một chút thu nhập. Thế nhưng năm nay không có nhiều tổ ong. Nhiều người đang lo lắng."
Dù đang vào mùa nhưng cư dân làng Taap chỉ thu được khoảng 150 lít mật ong thô và bán với giá 2.000 rupee Nepal (khoảng 1,5 USD) một lít. Có nhiều nguyên nhân khiến lượng ong mật giảm mạnh, mà hai trong trong số đó là việc cây cối bị chặt và thay đổi thời tiết bất thường.
Ông Dam Bahadur Gurung – Cư dân làng Tapp: “Quanh đây, nơi chăn thả bò đã hoàn toàn hoang vắng. Ngay cả ong mật cũng bay đi đâu hết. Ngày xưa, tổ tiên của chúng tôi không cho chặt cây vì chặt cây thì ong mật sẽ không đến”.
Ông Surendra Raj Joshi - Chuyên gia về ong: “Mưa quá nhiều hay quá ít, khô hạn kéo dài hay nóng lạnh thất thường đều làm suy giảm số lượng tổ ong và trữ lượng mật ong”.
Biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến chu trình của cây trồng, khiến cây ra hoa sớm hoặc muộn hơn, tiết mật không kịp thời nên làm giảm năng suất lấy mật của các đàn ong. Trong khi đó, tình trạng lở đất, lũ lụt cũng làm xáo trộn và cướp đi môi trường sống của chúng./.