Từ những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả, người dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội đã thay đổi canh tác trồng sen mang lại đa giá trị.
Biến ruộng trũng kém hiệu quả thành vùng trồng sen đa giá trị
Từ những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả, người dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội đã thay đổi canh tác trồng sen. Và từ các hộ nhỏ lẻ ban đầu, đến nay số diện tích trồng sen của Mê Linh đã tăng lên hơn 60ha hoa sen kết hợp chè sen.
Trên những cánh đồng sen thơm ngát đang nở rộ vào mùa thu hoạch.
Tất bật với công việc từ sáng sớm, chị Xuân ở xã Mê Linh cho biết, nghề sen ở đây đang ngày một phát triển, từ khi mang giống về trồng, giờ đây nhưng đầm sen đang ngày một mở rộng và tạo được công việc ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Chị Lã Thị Xuân – Xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội:“ Nghề làm sen mùa thu hoạch từ rằm tháng 4 âm lịch cho đến tháng 7 là chúng tôi thu hoạch xong sen của hợp tác xã Mở rộng càng ngày càng nhiều diện tích hơn, mỗi năm là chúng tôi thu hoạch theo mùa, cứ đến mùa hè công việc công nhân lúc nào cũng ổn định công việc.”
Anh Lã Văn Sang – Xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội: “Tôi thời điểm này cứ 4h sáng là xuống đầm để theo dõi anh em bẻ sen lên và xuất hàng đi khắp nơi trong nội thành TP Hà Nội cũng như một số tỉnh lân cận.
Là một vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả, anh Khanh giám đốc HTX làng nghề sen đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 5ha giống sen Bách Diệp nổi tiếng vừa cho hoa đẹp, vừa có thể sử dụng búp để ướp trà. Sau 5 năm, diện tích trồng sen đã lên hơn 50ha. Trung bình 1 ngày, HTX làng nghề sen Mê Linh thu hái từ 20 đến 30 nghìn bông bách diệp hồng làm trà còn bách diệp trắng dùng để trưng bày.
Mỗi năm, 50 ha trồng sen cho số lượng trên dưới 1 triệu bông sen, 30% sản lượng sẽ chế biến ra trà sen. Từ trồng sen để bán hoa, ướp trà, HTX giờ đây còn phát triển hướng mới là du lịch nông nghiệp.
Ông Lã Quang Khanh – Giám đốc HTX làng nghề sen Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội: “ HTX hiện tại vẫn đang duy trì là 50 ha tại Mê Linh. Nay mai đô thị hóa, chúng tôi cũng đã có mục tiêu đi sang các xã khác trong huyện và các huyện khác trong thành phố để chúng tôi mở rộng vùng đất trũng kém hiệu quả về cây lúa để chuyển giao công nghệ trồng sen, giống sen, thu mua lại chế biến sản phẩm.”
Khởi nguồn từ ý tưởng đa dạng sản phẩm từ cây sen, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, huyện Mê Linh đang từng bước mở rộng diện tích trồng sen trên những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.
Ông Nguyễn Tiến Hùng – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, TP Hà Nội: “ Đối với các mô hình trồng sen đã giải quyết rất nhiều lao động , việc làm cho bà con. Đặc biệt những lao động trong thời điểm nhàn rỗi có thể ngồi đóng chè sen, sơ chế chè sen góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các gia đình tham gia. Trồng sen thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cũng là một trong những điểm nhấn góp phần xây dựng NTM nâng cao , NTM kiểu mẫu.”
Để mô hình trồng sen phát triển bền vững, sản phẩm từ sen trở thành thương hiệu riêng, thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đa dạng mô hình để đẩy mạnh phát triển thương hiệu trà sen Mê Linh đến tay người tiêu dùng.