| Hotline: 0983.970.780

Canh tác sen đa giá trị, hướng đi mới của nông dân Hà Nội

Thứ Tư 03/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Canh tác đơn giá trị là chỉ tạo ra sản phẩm dạng bán tươi, còn canh tác đa giá trị là tạo thêm những sản phẩm chế biến, thậm chí kết hợp với du lịch.

Trang trại sen sản lượng 1 triệu bông/năm

Trang trại trồng sen của anh nông dân Lã Quang Khanh ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội có lẽ là trang trại sen lớn nhất cả nước với tổng diện tích 50 ha, sản lượng 1 triệu bông/năm, doanh thu từ bán hoa tươi 2 tỉ đồng/năm, từ bán trà sen 2-3 tỉ đồng/năm, từ bán vé cho khách du lịch đến chụp ảnh, trải nghiệm khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Tuy doanh thu từ bán vé du lịch trải nghiệm hiện đang khá khiêm tốn nhưng nó lại góp phần để cho anh có thể bán được thêm sản phẩm trà sen.

Hiện HTX làng nghề sen Mê Linh của anh đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập ổn định. Có được thành công hôm nay, anh Khanh không thể quên được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện Mê Linh (hiện sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Mê Linh) và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mấy năm về trước.

Vốn sinh ra trong một gia đình đông con, lại ở vùng trồng hoa có tiếng ở miền Bắc nên cũng như nhiều người Mê Linh, đầu những năm 90 anh đã học trồng hoa hồng. Tuy nhiên, khi nhận ra hoa hồng trồng hiệu quả không còn cao, phải phun quá nhiều thuốc BVTV anh thấy những thửa ruộng hoang hay cấy lúa một vụ ở quê nhà là một cơ hội phát triển nghề mới: trồng sen. 

Bón phân cho sen. Ảnh: NNVN.

Bón phân cho sen. Ảnh: NNVN.

Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 2017, anh đứng lên thuê 15 ha đất ruộng trũng để trồng sen giống cũ chuyên lấy hạt. Khi thấy thị trường sen lấy bông phát triển, anh thử nghiệm trồng một số giống mới và được Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội giúp đỡ giống sen Quan Âm, phân bón cũng như tư vấn kỹ thuật. Dần dần, khi kỹ thuật đã thành thục anh mở rộng diện tích trồng sen lên đến 52 ha thuộc địa bàn 2 thôn Liễu Trì và Hạ Lôi, tạo thành một cảnh quan đẹp hiếm có của huyện Mê Linh.

Mỗi mùa sen anh thu hoạch 1 triệu bông, bán tươi với giá mỗi bông 2.000-3.000đ tùy loại, ướp trà vào 100.000 bông bán 25.000-60.000đ/bông. Từ trồng sen chuyên để bán hoa, để ướp trà, gần đây anh đã mở ra một hướng đi mới là du lịch nông nghiệp, bán vé cho khách vào chụp ảnh, trải nghiệm 30.000đ/người. Trung bình mỗi vụ cũng được hơn 1.000 người đến, có những tuần đông tới cả trăm:

“Trồng sen là cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng ruộng trũng, không chỉ tạo ra kinh tế mà còn là cải tạo môi trường rất tốt bởi ở đó sử dụng rất ít thuốc BVTV. Mùa sen chính vụ bắt đầu từ ngày 19/5, khách du lịch có thể đến trải nghiệm toàn bộ các công đoạn của nghề như sáng sớm đi thuyền hái sen hồng bách diệp về làm trà, buổi chiều hái sen trắng Tây Hồ hay sen trắng Quan Âm để cắm.  

Tôi cũng đã cho làm một số đường dẫn ra đầm, lều hóng gió để cho khách chụp ảnh check in cùng đầm sen. Muốn có một bức ảnh đẹp thì tốt nhất là chụp vào buổi sáng sớm và khi chiều tà, lúc ánh sáng trong ngày dịu nhẹ. Khách đến ngoài trải nghiệm ngay tại đầm sen của tôi còn có thể kết nối với nhiều điểm du lịch khác như du lịch tâm linh thì về đền Hai Bà Trưng, du lịch nông nghiệp thì qua Tráng Việt nhổ rau củ quả, du lịch xem cánh đồng hoa hồng thì về Mê Linh, du lịch sinh thái thì lên đồi Bác Hồ ở xã Thanh Lâm...”

Thu hoạch sen ở trang trại anh Khanh. Ảnh: NNVN.

Thu hoạch sen ở trang trại anh Khanh. Ảnh: NNVN.

Tuy chưa có nhà hàng phục vụ cho nhu cầu ẩm thực tại chỗ nhưng theo anh Khanh, khách đến có thể mua sản phẩm về chế biến. Các bộ phận của sen như ngó, củ, lá, hoa, hạt đều có thể chế biến thành các món ăn ngon miệng như nộm ngó sen, gà hầm hạt sen, củ sen hầm thuốc Bắc…

“Làm nông nghiệp bao giờ cũng có những khởi đầu khó khăn nên chúng tôi mong được nhà nước hỗ trợ máy sấy thăng hoa, nhà bảo quản lạnh để chế biến, bảo quản sản phẩm được lâu, làm gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, chúng tôi rất cần các cơ quan báo đài đến tuyên truyền, quảng bá những giá trị của các sản phẩm từ sen để người tiêu dùng biết mà ủng hộ thì chuyện đầu ra mới thuận lợi được”, anh Khanh kiến nghị.

Sứ mệnh làm giàu cho nông dân

Anh Vũ Hoàng Trung- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Xuyên hào hứng nói về mô hình phát triển sen đa giá trị ở xã Quang Trung với diện tích 5 ha. Ngoài bán hoa sen tươi tại chỗ hay ship hàng đi quanh vùng, ở đây còn bán hạt sen, ngó sen cho các nhà hàng để chế biến làm thực phẩm. Trong hồ sen được thả xen canh các loại cá nheo, cá chuối hoa, cá rô đồng, chạch…Khi trồng sen không dùng thuốc BVTV thì sinh vật phù du, tép đồng rất nhiều trở thành nguồn thức ăn nuôi cá tạo ra sản phẩm sạch. Khi có điều kiện mở rộng thêm diện tích thì hoàn toàn Quang Trung có thể mở thêm hướng lôi cuốn khách du lịch về thăm, trải nghiệm.

Cận cảnh hoa sen của trang trại anh Khanh. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh hoa sen của trang trại anh Khanh. Ảnh: NNVN.

Bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã từng đôi lần nhấn mạnh rằng khuyến nông đã hoàn thành sứ mệnh xóa đói giảm nghèo cho nông dân, giờ phải bắt tay vào sứ mệnh giúp cho nông dân trở thành giàu có. Đi theo hướng ấy ngành nông nghiệp Thủ đô đã triển khai 4 mô hình trồng sen giống mới ở phường Quảng An (quận Tây Hồ), xã An Phú (huyện Mỹ Đức) và thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) trên tổng diện tích 17 ha.

Sau một thời gian vắng bóng sen vì nước hồ ô nhiễm hóa chất, vào tháng 4 năm 2024, Sở NN-PTNT Hà Nội đã hỗ trợ quận Tây Hồ 7.000 cây giống sen bách diệp và cung cấp vật tư, tập huấn kỹ thuật cho 2 hộ dân tham gia vào mô hình. Hiện sen đã phát triển khá, hoàn toàn cho có thể hi vọng dần phần hồi được một vùng trồng cây đặc sản ở Hồ Tây. Từ đó xây dựng một chuỗi giá trị từ sản xuất sen gắn với chế biến trà sen và phát triển du lịch sinh thái dựa trên cảnh quan độc đáo mà hồ sen và nghề làm trà sen đem lại.

Làm trà sen của cơ sở Hiền Xiêm. Ảnh: NNVN.

Làm trà sen của cơ sở Hiền Xiêm. Ảnh: NNVN.

Bà Lưu Thị Hiền- chủ cơ sở trà sen Hiền Xiêm cho biết: “Đất và nước của Hồ Tây là phù hợp nhất với giống hoa sen bách diệp bởi cho bông vừa to, hương vừa đậm, 100 bông đã cho 100 gram gạo, trong khi các nơi khác chỉ được 70-80 gram gạo. Từ ngày người ta cho thuốc diệt tảo xuống nước để xử lý cá chết ở Hồ Tây, các ao Thủy Sứ, Đầu Đồng, Đầm Trị sen cũng lụi hết. Nay nghe nhà nước có dự án phục hồi sen ở Hồ Tây thì những người làm trà sen như chúng tôi mừng lắm”.

 Bà Hiền chia sẻ, nghề này rất vất vả, 4 giờ sáng đã đi lấy hoa, 7-8 giờ sáng về nhà gỡ gạo trong bông ra đến trưa thì đem ướp với trà, chiều đến lại sấy trà. Ướp xong sau 3 ngày lại sàng bỏ gạo cũ rồi ướp gạo mới. Qua 7 lần ướp 7 lần sấy bằng than hoa mới cho ra được một mẻ trà.

Trung bình 1.500 bông hoa mới ướp được 1 kg trà, bán 10 triệu đồng/kg, còn loại 1.000 bông hoa ướp được 1 kg trà, bán thấp hơn, 8 triệu đồng/kg. Cầu kỳ từ việc chọn sen đến chọn chè để ướp hương, sấy nên trà nhà bà Hiền có màu nước vàng vàng giống như mật ong, uống xong một lúc cổ cứ ngọt dần, đọng lại rất lâu trong vị giác cũng như tâm trí người thưởng thức. Nức tiếng gần xa, trà sen Hiền Xiêm không chỉ là món quà độc đáo cho người đến tham quan, du lịch Hồ Tây mà còn được đưa vào phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và đặc biệt là phục vụ trà bà Bành Lệ Viên- phu nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và bà Ngô Thị Mận- phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.