Nông dân thu nhập hơn 200 triệu đồng một năm từ chăn nuôi lợn rừng lai, mô hình tại xã An Bình (Văn Yên, Yên Bái) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân thu nhập hơn 200 triệu đồng một năm từ nuôi lợn rừng lai
Nông dân thu nhập hơn 200 triệu đồng một năm từ chăn nuôi lợn rừng lai, mô hình tại xã An Bình (Văn Yên, Yên Bái) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để có đàn lợn rừng lai gần 200 con như hiện nay bà Trần Thị Thu cũng đã từng bị thất bại khi mua những con giống đầu tiên về nhân đàn. Do chưa có kinh nghiệm nên đã có lúc cả đàn lợn có 4 con thì chết tới 3 con… Tuy nhiên với bản tính của người nông dân chịu thương chịu khó bà Thu đã tự tìm hiểu thông tin qua sách báo, ti vi thậm chí đi 1 số mô hình chăn nuôi hiệu quả để học tập nên đã đúc rút cho mình được nhiều kinh nghiệm trong lai tạo chăm sóc giống lợn rừng.
Bà TRẦN THỊ THU - Thôn Tân Hoa, xã An Bình, huyện Văn Yên
Sang Hòa Bình với sang Phú Thọ mua được ba con lợn thì về nó về không hợp khí hậu môi trường, mình không có kinh nghiệm, thế chết mất hai con, còn có mỗi con. Thế từ một con đấy nuôi bốn năm nay rồi thì nó gây được một đàn lợn như này. Cái tháng đầu thì mình cho ăn tăng cám gạo, mình sát gạo ra mình cho nó ăn cám, xong sang tháng thứ hai thì mình cho ăn cỏ rồi cho ăn cũng chỉ quãi ngô quãi có cái gì sống đấy thì quãi, toàn bộ là sống hết chứ không đun nấu cái gì.
Từ chỗ chỉ có vài ba con lợn rừng lai được đầu tư ban đầu bà Thu đến nay đã rất thành công với mô hình chăn nuôi với gần 200 con lợn rừng lai, có những lúc lên đến gần 250 con. Khi đã quen với việc chăn nuôi lợn rừng lai thì bà Thu lại cho rằng dễ dàng hơn cả chăn nuôi lợn nhà.
Bà TRẦN THỊ THU - Thôn Tân Hoa, xã An Bình, huyện Văn Yên
Nếu mà so với lợn kia thì ... nhiều cái thứ nhất là chi phí cái kinh phí của nó ít; thì toàn bộ là cái đồ tự nhiên cỏ cây thì mình đi chặt được mình không mất tiền mua. Thế còn ngô thì mình đong thì trong bao nhiêu thì lên bấy nhiêu thôi chứ cũng không cần cho nhiều.
Thực tế việc nuôi lợn rừng lai cũng không phải đầu tư quá nhiều về chuồng trại bởi chỉ cần có diện tích đất vườn và đất đồi lớn để thả, khi hiểu được tập tính ăn ở và sinh sản thì rất dễ chăm sóc… Mặt khác thức ăn của lợn rừng lai cũng rất đơn giản chỉ là các loại thực phẩm tự nhiên sống như ngô, sắn hay cỏ voi, chuối, khoai lang… Khi cần sử dụng thêm chút bột cám ngô, cám gạo… Những năm gần đây thịt lợn rừng, lợn rừng lai là món ăn đặc sản bởi chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao và có hương vị đặc trưng rất được thị trường ưa chuộng. Nên lợn rừng lai của gia đình bà Thu có những lúc không đủ bán…
Sau 4 năm đầu tư chăn nuôi lợn rừng lai giờ bà Thu đã chủ động trong việc nhân giống với 10 lợn nái, người dân quanh vùng ai có nhu cầu về con giống cũng được bà Thu cung cấp hỗ trợ. Không chỉ là hộ có mô hình chăn nuôi tiêu biểu gia đình bà Trần Thị Thu còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội có nhiều đóng góp đi đầu trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương.
Bà NGUYỄN THỊ YÊN - Bí thư chi bộ Thôn Tân Hoa, xã An Bình, huyện Văn Yên
Người ta làm tốt lắm là một, hai nữa là gia đình nhà người ta có cái kế hoạch làm ăn, cho nên là các anh các chị đến nhìn thấy cái đàn gia súc của người ta đấy, ngoài cái này ra người ta còn có 18 con trâu nữa cơ, là một hộ tiêu biểu thì chúng tôi đưa vào những cái hộ mà người ta sản xuất kinh doanh giỏi trong năm 2023. Chăn nuôi vậy nông dân thu nhập hơn 200 triệu đồng năm.
Với giá bán cao gấp 2-3 lần so với lợn thường nên việc chăn nuôi lợn rừng lai đã giúp gia đình bà Thu có thu nhập gần 300 triệu đồng/1 năm khi đã trừ chi phí, cuộc sống khá giả so với mặt bằng chung ở địa phương, lo cho các con được học hành có công việc ổn định.