Việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia cầm giúp nhiều nông dân Thanh Hóa ổn định sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi và tăng thu nhập.
Chăn nuôi an toàn sinh học: Tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường
Từ một cử nhân chuyên ngành điện của Đại học Điện lực có mức lương ổn định, anh Hà Minh Nguyện ở phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa vẫn quyết bỏ nghề về quê để phát triển kinh tế trang trại.
Anh Hà Minh Nguyện chia sẻ, năm 2019, anh bắt tay chung vốn gây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng thảo mộc. Hiện giờ quy mô trang trại nuôi khoảng 1.200 con gà và còn liên kết sản xuất cùng 2 trại khác với quy mô 3.000 con. Trung bình mỗi ngày thu hoạch 2.000 trứng, sau khi trừ chi phí sẽ có lãi khoảng 2 triệu đồng.
Cách nuôi gà được áp dụng cho ăn lá đinh lăng, chùm ngây, đạm cá thảo dược giúp tăng thêm chất dinh dưỡng và sức đề kháng. Nếu gà nhiễm bệnh sẽ dùng thảo dược để điều trị, không sử dụng kháng sinh.
Anh Hà Minh Nguyện cho biết: “Chúng tôi sử dụng thảo dược gần gũi với bà con để tăng sức đề kháng cho gà. Gà không cần sử dụng kháng sinh phòng, chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng lợi khuẩn Probiotic để ủ chín thức ăn cũng giúp nâng cao sức khỏe đường ruột của gà mẹ, giúp gà có sức đề kháng tốt hơn. Do đó, trang trại của chúng tôi không cần đến hóa chất, kháng sinh để chữa bệnh cho gà”.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, kèm theo chi phí thức ăn, chuyển tăng cao, vì vậy ngoài việc chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi thả rông, bán công nghiệp thì việc nuôi gia công là hướng đi được nhiều hộ dân tại tỉnh Thanh Hóa lựa chọn trong những năm gần đây.
Trên diện tích 7.000m2 tại thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, anh Vũ Đức Nghiêm là một điển hình khi đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở, thực hiện nuôi gia công cho Công ty C.P Việt Nam với số lượng 24.000 con vịt. Anh Nghiêm chia sẻ, việc nuôi gia công sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm về việc phòng chống dịch bệnh, bởi vịt được tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại định kỳ thủ có tuân thủ kiểm soát.
Anh Vũ Đức Nghiêm thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa “Nuôi gia công cho công ty, chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, kiêm soát dịch bệnh tốt hơn. Khi có dịch bệnh, công ty cử kỹ thuật xuống để giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát việc hao hụt đầu con, mang lại hiệu quả chăn nuôi tốt hơn”.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 26 triệu con gia cầm. Trong bối cảnh chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài ra chăn nuôi an toàn sinh học mang lại "lợi ích kép" vừa tiết kiệm chi phí lại góp phân giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi - Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, như mở các lớp tập huấn cho các cơ sở chăn nuôi; khuyến khích các chủ trang trại xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh..."
Nhờ chứng minh được hiệu quả kinh tế và phòng chống dịch, nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng chục nghìn hộ dân đang thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, qua đó giúp nhiều nông dân cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.