| Hotline: 0983.970.780

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ Bảy 02/11/2024 , 14:18 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Đàn gà của HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến khỏe mạnh nhờ được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đàn gà của HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến khỏe mạnh nhờ được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều kỹ thuật hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học

Từ tháng 6/2024 đến tháng 9/2024, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) tham gia Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tham gia mô hình với 3.200 con gà ri, ông Trương Văn Hướng, một trong những thành viên của HTX đã sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, từ đó giúp đàn gà khỏe mạnh mà không cần dùng đến kháng sinh trong phòng bệnh.

Cùng với đó, ông Hướng cũng đã sử dụng đệm lót bằng mùn cưa bổ sung chế phẩm sinh học giúp chuồng trại không còn mùi hôi, thoáng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

“Qua 14 tuần nuôi theo hướng hữu cơ, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao lên đến 97%, trọng lượng trung bình đạt hơn 2 kg/con. Tuy không phải sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng các bệnh thông thường nhưng đàn gà lại khỏe mạnh hơn”, ông Hướng chia sẻ.

Cũng tại HTX Chăn nuôi đồi Tân Tiến, từ tháng 5/2024, 9 hộ chăn nuôi của HTX đã tham gia dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc với quy mô nuôi 9.000 con gà thịt thương phẩm. Giống sử dụng trong mô hình là giống gà thịt lông màu ri lai.

Theo ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX, kết quả thực tế cho thấy, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh theo quy trình đã giúp đàn gà tăng sức đề kháng, ít xảy ra dịch bệnh, phát triển đồng đều, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất chuồng cao. Khối lượng bình quân khi gà đạt 14 tuần tuổi là 1,9kg/con.

“Hiện, các quy trình kỹ thuật nuôi gà theo hướng hữu cơ, VietGAHP đã được phổ biến, áp dụng cho các thành viên HTX và các hộ liên kết chăn nuôi. Vừa qua, HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP, sản phẩm gà tươi của HTX đã được UBND huyện Phú Bình công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”, ông Bùi Quang Hữu cho hay.

Thương hiệu 'Gà đồi Phú Bình' nức tiếng gần xa. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thương hiệu "Gà đồi Phú Bình" nức tiếng gần xa. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nức tiếng thương hiệu ‘Gà đồi Phú Bình’

Vùng đất Phú Bình tại tỉnh Thái Nguyên được biết đến là địa phương có đồi gò thấp, địa hình đồi bát úp, dân cư thưa, là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để chăn nuôi gà thả vườn quy mô lớn. Phát huy những lợi thế đó, từ năm 2010, huyện Phú Bình đã bắt đầu phát triển các mô hình chăn nuôi gà thả đồi. Cho đến nay, nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến một thương hiệu gà đẹp mã, thịt rắn, chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao…

Để có thể xây dựng thành công thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”, trong nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đã triển khai chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh… cho người chăn nuôi.

Nhờ đó, đàn gà có thể phát triển khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi gà địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, thực tế cho thấy, người chăn nuôi tại huyện Phú Bình vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Là người tiên phong, trực tiếp trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, ông Hữu cho rằng, do kinh tế nông hộ còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi tại địa phương vẫn còn thiếu đồng bộ, người dân cũng chưa mạnh dạn đầu tư để có thể áp dụng rộng rãi những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAHP, người dân sẽ gặp phải khó khăn trong việc ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn vật nuôi vào sổ theo dõi một cách đầy đủ, khoa học và chính xác để có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Ví dụ như thông tin về thời gian nhập con giống, địa chỉ nơi bán giống, đã được tiêm phòng những loại vacxin nào…”, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Hữu cho biết, hiện vẫn còn một số hộ chăn nuôi có tâm lý e ngại khi cho rằng việc ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP sẽ làm tăng chi phí, tốn kém hơn trong khi lợi nhuận thu được cũng không cao hơn so với việc không áp dụng các tiêu chuẩn trong chăn nuôi.

Người dân mong mỏi những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tại địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân mong mỏi những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tại địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Bùi Quang Hữu, hiện các thành viên của HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến đều có chung niềm mong mỏi các cấp ngành, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi gà trong những năm tiếp theo.

“Một vấn đề nan giải khác mà người chăn nuôi gà hiện nay đang gặp phải, đó là thức ăn chăn nuôi hiện đang chiếm tới 75% chi phí. Do đó chúng tôi đều mong muốn Nhà nước, các Bộ ban ngành có thể có những giải pháp để sớm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, để người dân an tâm đầu tư, sản xuất”, ông Hữu bày tỏ.

Cùng với đó, người chăn nuôi địa phương cũng đề nghị Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cũng như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình tiếp tục mở các lớp tập huấn cho người dân về kỹ năng quản lý và vận hành trang trại, ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số… vào chăn nuôi.

Đồng thời, tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại để kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thịt gà của người chăn nuôi địa phương tới đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.

Năm 2014, sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” cũng đã thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà đồi ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, qua đó mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.