Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại trên địa bàn, Đồng Nai tăng cường nhiều biện pháp nhằm phòng chống bệnh dại với kiềng ba chân: tuyên truyền, vacxin và bắt chó thả rông.
Link driver nhờ các anh up Youtube: https://drive.google.com/file/d/1CB5nnGgAxyzT-d3RLRdLCAp9dQxddunD/view?usp=sharing
MC:
Mến chào quý vị và bà con đến với Báo Nông nghiệp Việt Nam,
Thưa quý vị, Đồng Nai hiện là tỉnh có số xã có ca bệnh dại trên chó đứng đầu cả nước. Theo thống kê, từ đầu năm đến đầu tháng 10/2024, toàn tỉnh phát hiện 31 ổ bệnh dại, ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Trước nguy cơ bệnh dại bùng phát và lan rộng, Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện những giải pháp chủ động phòng, chống bệnh. Trong đó, thực hiện đồng bộ chiến lược kiềng ba chân với: đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tiêm vacxin và bắt chó thả rông.
Mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam khu vực Đông Nam bộ thực hiện.
Phóng sự:
Thời gian gần đây, nhiều người dân tại Đồng Nai đến các cơ sở y tế để chủ động tiêm ngừa dại. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là người bị chó mèo cắn hoặc cào, tiềm ẩn nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dại. Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai đã tiêm khoảng 14 ngàn mũi vacxin phòng bệnh dại hoặc huyết thanh kháng dại cho người dân trong tỉnh.
BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, CDC tỉnh Đồng Nai:Nguyên nhân gốc rễ là quản lý đàn chưa chưa đủ. Cái thứ hai, tiêm phòng cho cái đàn vật nuôi về bệnh dại chưa đủ. Đó là hai lý do cơ bản mà bệnh dại hiện nay đang gọi là cao điểm so với cả nước và chiếm gần 40 % ổ dịch dại có xét nghiệm dương tính toàn khu vực phía Nam, cho thấy là mức độ rất nghiêm trọng.
Hiện nay, đàn chó mèo của Đồng Nai ở khoảng 300.000 con. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng ngừa dại mới chỉ đạt khoảng 40%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu. Đây cũng chính là lỗ hổng để dịch bệnh dễ bùng phát và vật nuôi dễ phát dại trong điều kiện thuận lợi.
Trước tình hình đó, các địa phương phối hợp với trạm thú y tổ chức các đợt tiêm vacxin cho đàn chó mèo. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng vật nuôi”, Đồng Nai quyết tâm nâng cao tỉ lệ tiêm vacxin ngừa dại cho chó mèo.
Bà Cao Thị Là, Tổ trưởng Tổ dân phố 18, KP Vườn Dừa, phường Phước Tân, TP Biên Hòa:Các hộ gia đình nuôi thì thường người ta cũng nuôi nhốt trong nhà và người ta có xích lại chứ không có thả rông ngoài đường. Bà con đều rất là phấn khởi khi mà có đoàn đến nhà trực tiếp để tiêm chích cho chó, mèo.
TP Biên Hòa, nơi có đàn chó, mèo lớn của tỉnh. Tình trạng chó thả rông không chỉ khiến cho tình hình bệnh dại càng trở nên nghiêm trọng hơn mà còn tăng nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mất mĩ quan đô thị.
Nhiều phường của TP Biên Hòa đã tổ chức ra quân bắt chó thả rông hàng tuần để hạn chế việc chó thả rông. Đồng thời, đây cũng chính là biện pháp tuyên truyền cứng rắn với người dân để chặn đứng những tai nạn, thiệt hại về người không đáng xảy ra.
Anh Nguyễn Ái Vương, Phụ trách mảng Thú y, Phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa:Mỗi lần tiếp xúc cử tri thì người dân cũng phản ánh rất nhiều. Do đó, phường cũng đã xây dựng kế hoạch và cái thành lập đội bắt chó thả rông, dưới sự giúp đỡ và hỗ trợ của bên Chi cục Thú y. Phường cũng đã ra quân tuyên truyền cách đây là một tháng rưỡi rồi. Kết quả đánh giá bà con tương đối chấp hành tốt. Nhờ công tác tuyên truyền từ khu phố thì địa phương nên bà con chấp hành rất là tốt, chỉ có một số hộ là cố tình vi phạm thì phường cũng đã xử lý và trên tinh thần là tuyên truyền và nhắc nhở, chủ yếu nâng cao ý thức của nhân dân về chó thả rông ra đường.
Hiện nay, mầm bệnh dại ngoài cộng đồng ở Đồng Nai vẫn còn rất lớn. Bệnh dại là bệnh lây một cách âm thầm, khi con vật bị bệnh có khả năng nó đã truyền bệnh cho những con vật khác và những mầm bệnh này được mang đi khá xa.
Đồng Nai hiện đang đứng đầu cả nước về số xã có ca bệnh dại trên chó. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 31 ổ dịch dại ở 22 xã phường của 6 huyện, thành phố. Trong đó, 2 trường hợp tử vong về bệnh dại được ghi nhận là do chủ quan, không tiêm ngừa vacxin dại sau khi bị vật nuôi tấn công.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện những giải pháp chủ động phòng, chống; trong đó, xây dựng vùng an toàn được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể thanh toán dứt điểm bệnh dại.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai:Chi cục Chăn nuôi Thú y đang triển khai cho hệ thống nhân viên thú y xã phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã để triển khai rộng rãi tiêm phòng xã hội hóa trên địa bàn có thống kê đầy đủ. Mặc dù là hiện nay trên địa bàn thì số liệu cũng chưa được cụ thể, chưa được chính xác. Qua những cái đợt này thì chúng tôi sẽ để tổng hợp số liệu từ các phòng khám, rồi là cho anh em thú y đi phối hợp với các ban, ấp xuống tận nơi để điều tra những con nào tiêm rồi, những con nào chưa tiêm. Và có giải pháp cụ thể cho từng đối tượng đó để làm sao quản lý tốt đàn chó và quản lý được tỷ lệ tiêm phòng ở trên địa bàn.
Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại sẽ tử vong. Do vậy, việc phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng, việc việc chủ động tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cắn, cào thì người dân cũng cần nắm rõ các hướng xử lý vết thương và phác đồ tiêm chủng.
BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, CDC tỉnh Đồng Nai:Chúng ta phải vệ sinh rửa ngay vết thương tức thời, nhờ người lớn hỗ trợ và đến cái cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán mức độ của vết thương. Có những chỉ định tiêm vacxin hoặc là cả kết hợp vacxin và kháng huyết thanh phù hợp theo dõi con vật đến ngày an toàn. Nếu như sau 10 ngày con vật hoàn toàn bình thường thì phác đồ tiêm sẽ dừng lại và đó được xem là phác đồ dự phòng. Lỡ không may trong vòng sáu tháng có trường hợp cũng bị cắn như vậy thì chúng ta tiêm cái phác đồ bổ sung chứ không tiêm phác đồ đầy đủ nữa.
MC:
Thưa quý vị, tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó tại Đồng Nai là rất cao trong khi tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng vắc xin dại chưa cao nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch Dại mới là rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều người còn chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó mèo, cào cắn nên nguy cơ người tử vong do bệnh dại luôn hiện hữu.
Hy vọng với những biện pháp quyết liệt như tiêm vacxin, bắt chó thả rông thì Đồng Nai sẽ sớm chống chế được bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tới đây, phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.