| Hotline: 0983.970.780

Siết quản lý chó thả rông

Thứ Ba 28/05/2024 , 16:51 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Những con chó thả rông không rọ mõm chạy lông nhông ngoài đường, quanh quẩn trong công viên, ngoài bãi biển khiến người dân e ngại vì không biết bị chúng cắn lúc nào…

Vòng cổ, dây dắt, chuông, rọ mõm… chó được bày bán tại các dịch vụ thú cưng ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Vòng cổ, dây dắt, chuông, rọ mõm… chó được bày bán tại các dịch vụ thú cưng ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhức nhối nạn chó thả rông

Mới đây, anh Võ Văn B. (60 tuổi) ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) ghé mua bánh hỏi tại 1 căn nhà nằm trên đường Quang Trung, mới bước vô nhà thì bị con chó của chủ nhà đang đi lang thang xồ đến cắn vào chân. Trời đang nắng nóng cao độ, không biết con chó kia có bị bệnh dại không, về đến nhà anh B. ăn ngủ không ngon. Vợ con giục quá, anh B. phải đi tiêm phòng dại cho an toàn.

Một hôm đang lưu thông trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), chúng tôi thấy 1 thanh niên chạy chiếc máy đi ngược chiều vừa bóp còi inh ỏi, mắt vừa nhìn chừng con chó đang rượt theo phía sau với vẻ mặt hốt hoảng, nguy cơ xảy ra va chạm với những chiếc xe khác.

Tại thành phố Quy Nhơn, nơi có tổng đàn chó, mèo hơn 3.800 con, vào những sáng sớm hoặc những chiều muộn, người dân thường dắt chó đến thả rông ở những khu vực công cộng như: Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn nằm trên địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ, khu vực dọc biển đường Xuân Diệu ở phường Lê Lợi và phường Trần Phú, hồ sinh thái Đống Đa ở phường Thị Nại…

Những khu vực này thường tập trung đông người đến giải trí, tập thể dục, nên những con chó thả rông không rọ mõm tiềm ẩn mối đe dọa của người dân.

Một người đang dắt chó thả rông không bịt rọ mõm chia sẻ nguyên nhân vì sao không cột dây cho vật nuôi: “Chó mà cột dây thì nó không còn lanh lợi, được thả rông chúng sẽ thoải mái hơn. Cả ngày chúng bị nhốt trong nhà, giờ được thả ra ngoài thiên nhiên phải cho chúng chạy nhảy cho giãn xương giãn cốt. Chó tôi nuôi từ nhỏ nên không cần cột, nó quen rồi thả đi chơi bình thường, khi muốn về nó sẽ tự tìm đến chủ”.

Những người thường chạy bộ quanh hồ sinh thái Đống Đa vào mỗi sáng sớm không ngừng than vãn vì chạy thể dục mà lòng dạ không yên, vì khu vực này có nhiều con chó thả rông có hình thể rất to lớn, nhiều con có gương mặt dữ dằn trông rất đáng sợ mà không biết chủ là ai. Mỗi lần gặp chúng bà phải né ra để tránh trường hợp bị cắn bất ngờ.

Nhiều du khách đến thành phố biển Quy Nhơn cũng tỏ ra bất ngờ với tình trạng chó thả rông không rọ mõm phổ biến tại khu vực công viên, dọc đường ven biển Xuân Diệu.

Họ tỏ vẻ ngạc nhiên vì những con chó lang thang đã làm xấu hình ảnh nơi vui chơi giải trí của đông đảo người dân và khách du lịch, nơi được cho là diện mạo của bãi biển Quy Nhơn xinh đẹp, niềm tự hào về cảnh quan của thành phố biển.

Chó thả rông không rọ mõm là mối đe dọa của người đi đường. Ảnh: V.Đ.T.

Chó thả rông không rọ mõm là mối đe dọa của người đi đường. Ảnh: V.Đ.T.

Mạnh tay xử lý

Trước thực trạng công tác quản lý chó, mèo nuôi chưa được chặt chẽ, nguy cơ bùng phát bệnh dại rất cao, vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản số 2308/UBND-KT về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các đơn vị, địa phương và cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm các biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền về mối nguy hại của bệnh dại, các quy định pháp luật về tiêm phòng, nuôi, quản lý, khai báo chó, mèo.

Không để chó, mèo chạy rông; khi đưa chúng đến nơi công cộng phải quản lý và đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Đặc biệt, chó ra đường phải được rọ mõm, có dây xích và có người dắt. Kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức tiêm phòng bệnh dại và quản lý chó, mèo và tổ chức bắt chó chạy rông.

Chó thả rông rượt người đang lưu thông bằng xe máy trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ảnh: V.Đ.T.

Chó thả rông rượt người đang lưu thông bằng xe máy trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ảnh: V.Đ.T.

Thành phố Quy Nhơn, địa phương có có tổng đàn chó, mèo hơn 3.800 con đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, trong thời gian tới, địa phương này sẽ xử lý nghiêm tình trạng chó, mèo thả rông; giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Quy Nhơn tham mưu xây dựng kế hoạch ra quân bắt giữ và xử lý chó thả rông.     

“UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo là người đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp có người tử vong do bệnh dại và trên địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại chó, mèo không đạt theo quy định của UBND tỉnh do chủ quan, lơ là, thiếu kiên quyết”, ông Nguyễn Đức Toàn cho hay.

Người bị thương tật ngồi trên xe lăn thấy chó thả rông không rọ mõm cũng phải sợ. Ảnh: V.Đ.T.

Người bị thương tật ngồi trên xe lăn thấy chó thả rông không rọ mõm cũng phải sợ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định) cho biết, tiêm phòng dại cho chó ở Bình Định được xã hội hóa. Mỗi năm ngành chức năng phát động 1 đợt tiêm phòng dại, người nuôi đăng ký thú có nhu cầu tiêm. Khu vực trưởng hoặc trưởng thôn tập họp danh sách, ngành chức năng thành lập điểm, hẹn ngày đưa thú đến để cán bộ thú y địa phương tổ chức tiêm.

“Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, ý thức tiêm phòng bệnh dại của người dân khi bị chó, mèo cào, cắn ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người nuôi chó, mèo lơ là trong việc khai báo, quản lý, thả rông chó nơi công cộng. Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường đôn đốc chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại; nâng cao nhận thức của người dân trong việc nuôi, quản lý chó, mèo”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.