Một diện tích lớn rừng tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đã bị 'lâm tặc' chặt phá gây bức xúc về việc quản lý bảo vệ rừng.
Chặt phá rừng nghiêm trọng giữa hai tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk
Một diện tích rừng lớn tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đã bị “lâm tặc” cạo trọc, khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng của chính quyền địa phương.
Sát vườn điều của người dân thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, một diện tích rừng lớn đã bị tàn phá. Hàng nghìn cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, nhiều cây gỗ lớn với đường kính 30 đến 40cm đã không còn ở hiện trường, chỉ còn lại gốc cây vẫn còn rỉ nhựa tươi mới và cành nhánh nằm la liệt dưới nắng gắt. Dấu vết tại hiện trường cho thấy vụ việc kéo dài và liên tục, có nơi đã được đốt dọn sạch. Theo thông tin ban đầu, diện tích rừng bị phá nằm tại Lô 6 và Lô 10, Khoảnh 10, Tiểu khu 927, thuộc lâm phần do xã Ia Piơr quản lý. Đây là khu vực giáp ranh giữa xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và xã Ia JLơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
PV Ông Ngô Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai
“Qua phản ánh thì việc quản lý để mất rừng, lấn chiếm rừng, phá rừng như vậy là rất nghiêm trọng. Xã sẽ cùng đơn vị chức năng kiên quyết xử lý vụ việc.”
Điều đáng ngạc nhiên là diện tích rừng bị phá khá lớn và số lượng cây còn nhiều, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông lại thông tin rằng khu vực hiện trường thuộc đất nông nghiệp và đất có cây gỗ tái sinh núi đất, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Đơn vị này cũng cho biết, phần lớn diện tích rừng bị phá thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk.
PV Ông Trần Anh Tài - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Gia Lai
“Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo cho các anh em, cán bộ kĩ thuật có chuyên môn kiểm tra kỹ lại lần nữa. Nếu mà phát hiện sự việc đúng là vi phạm lâm luật thì chúng tôi sẽ xử lý.”
Gần đây, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai nổi lên như một "điểm nóng" về phá rừng, với 14 vụ vi phạm lâm luật chỉ trong quý I/2024. Vụ phá rừng tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông này tiếp tục đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương và các chủ rừng trong việc bảo vệ diện tích rừng được giao. Liệu có phải do sự buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm mà hàng chục hecta rừng tại khu vực giáp ranh đã trở thành "vô chủ" và bị tàn phá nghiêm trọng như vậy?