Gần 5 ha rừng tự nhiên bị chặt phá làm rẫy. Nuôi cá lòng hồ thủy lợi cho thu nhập cao. Lễ khánh thành ‘Không gian OCOP Nhân văn’. Sản phẩm OCOP tham gia 'Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp'
Gần 5 ha rừng tự nhiên bị chặt phá làm rẫy
Tuấn Anh sx
Một vụ phá rừng trái phép vừa xảy ra tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, khiến gần 5 ha rừng tự nhiên bị mất. Đây là một trong những vụ việc ảnh hưởng đến nguồn lợi lâm sản, môi trường sinh thái và an ninh trật tự của địa phương.
Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, vụ phá rừng xảy ra vào ngày 6/9 vừa qua, tại các vị trí lô 1, khoảnh 6 và lô 5, khoảnh 7, tiểu khu 793 thuộc lâm phần Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de quản lý, địa giới hành chính xã Sró, đã bị người dân địa phương chặt phá gần 5 ha rừng tự nhiên để lấy đất làm nương rẫy. Qua kiểm đếm của lực lượng chức năng, tổng số cây gỗ bị chặt hạ là 641 cây có đường kính gốc từ 8cm – 30cm, gồm nhiều loại như: Căm xe, Bằng lăng, Bình linh, SP5, SP6, SP7… Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de thừa nhận trách nhiệm vì đã không ngăn chặn kịp thời vụ việc.
Vụ việc đang được các ngành chức năng tiến hành mở rộng hiện trường, điều tra, xác minh làm rõ đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, kiến nghị cấp trên làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ rừng để xảy ra vụ việc.
Nuôi cá lòng hồ thủy lợi cho thu nhập cao
Quốc Toản sx
Nghề nuôi cá lồng tại hồ thủy lợi Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
Hiện nay, toàn huyện Thường Xuân, Thanh Hóa có 166 lồng nuôi trồng thủy sản chủ yếu nuôi cá lăng, cá trắm đen, cá diêu hồng, trong đó có 100 lồng cá được chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng thủy sản bình quân năm 2023 đạt 262 tấn/năm.
Việc nuôi trồng thủy sản tại hồ Cửa Đạt được coi như một nghề sản xuất truyền thống, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động tại địa phương và đóng góp hơn 25 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương.
Lễ khánh thành ‘Không gian OCOP Nhân văn’
Trần Trung sx
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp- nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, trường Đại học nhân văn TP.HCM tổ chức Lễ khánh thành “Không gian OCOP Nhân văn”.
Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, không gian OCOP Nhân văn với thông điệp "Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt" với các kệ trưng bày sản phẩm của hơn 10 doanh nghiệp qua sự lựa chọn ngẫu nhiên, trong đó có những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều sản phẩm của các chủ thể OCOP khác được trưng bày trên "Chiếc thuyền nhân văn".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ, Bộ NN-PTNT cho rằng, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn nhưng chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, “đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả”.
Sản phẩm OCOP tham gia “Ngày hội phự nữ khởi nghiệp”
Đình Thung sx
Tại thành phố Quy Nhơn diễn ra “Ngày hội phự nữ khởi nghiệp” tỉnh Bình Định năm 2023 với chủ đề: ‘Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Phát huy tài nguyên bản địa”. Nổi bật trong ngày hội là những sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, tham gia ngày hội, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đặc hữu được nhiều người tiêu dùng, khách du lịch đón nhận. Tiêu biểu như heo thảo dược; mật ong dú...
Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của hội viên.