Diện tích sầu riêng Đắk Nông tăng nhanh trong những năm gần đây. Để xuất khẩu bền vững, địa phương này đã có những tiêu chuẩn cụ thể.
Đắk Nông xây dựng sầu riêng xuất khẩu bền vững
Diện tích sầu riêng Đắk Nông tăng nhanh trong những năm gần đây. Để xuất khẩu bền vững, địa phương này đã có những tiêu chuẩn cụ thể.
Theo thống kê sơ bộ năm 2023, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt 10.309,7ha, tăng 4.170,4ha so với năm 2022. Nguyên nhân diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông tăng nhanh trong thời gian gần đây là được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; giá sầu riêng năm 2023 ở mức cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với nhiều loại cây trồng khác đã thúc đẩy người dân chủ động chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp. Để xuất khẩu bền vững các hộ dân đã chuyển dần canh tác truyền thống sang canh tác VietGAP.
Phỏng vấn: Ông PHAN VIẾT CƯỜNG, Huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
Gia đình phát triển theo hướng hữu cơ, mô hình bền vững theo nông nghiệp sạch. Gia đình được bên khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, làm mã vùng trồng. Do đó, gia đình rất yên tâm canh tác.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chủ yếu tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất sầu riêng thông qua sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm (khoảng 70 ha) và sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, hữu cơ,...). Việc sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận đang dần được người dân quan tâm thực hiện do đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nhập khẩu.
Phỏng vấn: Ông NGUYỄN THIỆN CHÂN, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông.
Quy mô tối thiểu 10ha trở lên và áp dụng cáp biện pháp theo quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, quản lý dịch hại không còn sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của phía Trung Quốc. Việc áp dụng quy trình sản xuất phải đảm bảo theo yêu cầu tối thiểu là VietGAP và khi kiểm tra sản phẩm không có dư lượng hóa chất trong nông sản, đặc biệt là sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, Đắk Nông định hướng, xác định vùng có khả năng phát triển sầu riêng theo hướng hàng hoá, vùng tập trung và khuyến cáo để nông dân biết. Từ đó làm cơ sở phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng về sản lượng, chất lượng, quy mô sản phẩm để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Địa phương cũng hỗ trợ hình thành và phát triển các HTX, THT liên kết với người dân sản xuất sầu riêng theo các yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Làm cơ sở để kết nối Doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng của tỉnh.