Phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học đang giúp người dân tại Vĩnh Phúc tiết kiệm được nhiều chi phí phòng trị bệnh, công lao động và gia tăng lợi nhuận.
Giảm 40% chi phí phòng trị bệnh nhờ chăn nuôi an toàn sinh học
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tụy, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có 2 chuồng nuôi gà thịt với diện tích 400 m 2. Từ đầu năm nay, nhờ được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, anh Tụy đã mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, thay vì sử dụng nhiều kháng sinh tổng hợp phòng trị bệnh cho gà, tăng cường sử dụng chế phẩm an toàn như tỏi ngâm, men tỏi… để nâng cao sức đề kháng.
Anh NGUYỄN VĂN TỤY - Huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Áp dụng kỹ thuật bên khuyến nông chuyển giao thì đàn gà ít bệnh hơn so với những lứa trước và so với những hộ không áp dụng kỹ thuật sinh học và giảm chi phí thuốc hơn. So sử dụng kháng sinh bình thường với sử dụng cái này thì ước lượng giảm 30-40% tiền thuốc.
Bên cạnh đó, anh Tuỵ còn dùng chế phẩm sinh học để xử lý nền chuồng, phối trộn cùng trấu tạo đệm lót sinh học giúp giảm bụi bẩn và mùi hôi của chất thải. Lứa gà 2.000 con áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học mà anh Tụy vừa xuất bán với giá 52.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí lãi hơn 30 triệu đồng. Sau khi để chuồng nghỉ nửa tháng, xử lý vôi bột, phun thuốc khử trùng, tiêu độc anh Tuy sẽ tiếp tục vào 3.000 gà để đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm.
Anh NGUYỄN VĂN TỤY - Huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Sử dụng chế phẩm độn lót chuống có ưu điểm là sẽ không phải thay trấu thường xuyên mà xong 1 đàn gà mình mới phải thay. 2 nữa là đảm bảo cho phân hủy phân của con gà. Mẫu mã thì con gà đạt cân và chất lượng thịt tốt hơn so với quy trình bình thường mà sử dụng kháng sinh.
Năm 2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc triển khai mô hình chăn nuôi theo VietGAP với quy mô 30.000 con gà thương phẩm. Các hộ tham sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giống gà, thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng; hỗ trợ 70% chi phí cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cơ sở chăn nuôi là HTX hoặc tổ hợp tác. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chăn nuôi an toàn sinh học giúp các hộ giữ được đầu con, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, các hộ phải tuân thủ quy trình, định mức kỹ thuật.
Ông VŨ HOÀNG LÂN - Trưởng Phòng Khuyến nông Chăn nuôi -Thủy sản, TTKN tỉnh Vĩnh Phúc
Bà con chúng ta lưu ý các quy trình không được làm tắt, từ chọn con giống tại các cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đến việc cơ sở vật chất như chuồng trại, vật tư chăn nuôi phải đúng định mức kỹ thuật. Quá trình chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình phòng bệnh về vắc xin cũng như các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng các chế phẩm sinh học.
Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi gà của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang ngày càng phát triển với tổng đàn gà hơn 11 triệu con, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, công nghệ xử lý chất thải còn nhiều hạn chế… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, phát triển chăn nuôi theo VietGAP, an toàn sinh học đang là giải pháp tối ưu để ngăn ngừa rủi ro, tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi.