| Hotline: 0983.970.780

Cục trưởng Cục Thú y giải thích về chăn nuôi 'an toàn sinh học'

Thứ Tư 21/08/2024 , 09:17 (GMT+7)

An toàn sinh học là việc kiểm tra chuồng trại để đảm bảo vệ sinh, sát trùng, tiêu độc đúng cách, là biện pháp hàng đầu trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Tọa đàm 'An toàn sinh học, ưu tiên hàng đầu trong phòng dịch tả lợn Châu Phi'. Ảnh: Duy Học.

Tọa đàm "An toàn sinh học, ưu tiên hàng đầu trong phòng dịch tả lợn Châu Phi". Ảnh: Duy Học.

Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn do virus gây ra, nên “thiên biến vạn hóa” rất khó lường. Dịch bệnh này đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi nước ta, nhiều hộ nuôi trắng tay, tuy nhiên trong các đợt dịch bệnh bùng phát vừa qua, vẫn có nhiều trang trại chăn nuôi an toàn sinh học có thể đứng vững. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) và TS. Fred Unger, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á về chăn nuôi an toàn sinh học để tăng cường khả năng phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo TS. Nguyễn Văn Long: Đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi vẫn là một trong những bệnh nguy hiểm nhất đối với đàn lợn. Do đó, chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp cần thiết, quan trọng và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh này. 

Tuy nhiên, cụm từ “chăn nuôi an toàn sinh học” đôi khi có thể khó hiểu đối với bà con. Ông Long giải thích đơn giản như sau: An toàn sinh học là việc kiểm tra chuồng trại để đảm bảo cơ sở đã được xây dựng và vệ sinh, sát trùng, tiêu độc đúng cách.

Chúng ta cần có biện pháp ngăn chặn ruồi muỗi và côn trùng, đồng thời lưu ý rằng, việc nuôi nhiều loài động vật như lợn, gà, và chó trong cùng một khu vực có thể tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, bà con cần thu gom phân rác hàng ngày và sát trùng bằng hóa chất hoặc vôi bột. Các dụng cụ chăn nuôi và máng thức ăn phải được vệ sinh và sát trùng kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh.

Đặc biệt, bà con cần tránh để người ngoài vào khu vực chăn nuôi, nhất là thương lái, vì họ có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác. Những dụng cụ như rọ bắt lợn hoặc phương tiện chuyển lợn cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Tôi tin rằng cách giải thích này sẽ dễ hiểu hơn thay vì chỉ sử dụng cụm từ “an toàn sinh học”.

"Ngoài ra, Việt Nam hiện đã có vacxin phòng ngừa cho lợn thịt và chúng tôi khuyến nghị bà con nên tiêm vacxin này cho đàn lợn. Đến nay, trên toàn quốc đã có gần 4 triệu liều vacxin được sử dụng cho đàn lợn thịt, với tỷ lệ an toàn và hiệu lực trên 99%." TS. Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, trong quá trình chăn nuôi, nếu bà con thấy lợn có biểu hiện bệnh, hãy báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương. Tuyệt đối không bán chạy, không vận chuyển, không giết mổ và không vứt xác lợn ra môi trường, bởi virus này lây lan rất nhanh và nguy hiểm. Việc thông tin kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y sẽ giúp phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

"Đây là những biện pháp cơ bản và tôi tin rằng bất kỳ người chăn nuôi nào cũng có thể thực hiện được. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ phía bà con." TS Long nhấn mạnh.

An toàn sinh học được là rất quan trọng để ngăn chặn sự thâm nhập của Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Duy Học.

An toàn sinh học được là rất quan trọng để ngăn chặn sự thâm nhập của Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Duy Học.

Đồng tình với TS. Nguyễn Văn Long, TS. Fred Unger cho rằng: An toàn sinh học là tập hợp các biện pháp nhằm ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh xâm nhập hoặc thoát ra khỏi một khu vực và gây bệnh cho động vật. Vì hiện tại chưa có liệu pháp điều trị hiệu quả cho dịch tả lợn Châu Phi, nên an toàn sinh học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan và tác động của dịch bệnh này.

Khi các biện pháp an toàn sinh học được thực hiện tốt hơn, khả năng dịch bệnh xâm nhập vào các trang trại hoặc lây lan từ trang trại này sang trang trại khác sẽ giảm đi. Mỗi trang trại có thể áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khác nhau tùy theo điều kiện thực tế.

Ví dụ, các trang trại hiện đại hoặc trang trại công nghiệp thường đầu tư nhiều hơn vào an toàn sinh học, do đó mức độ bảo vệ an toàn sinh học cũng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều trang trại quy mô nhỏ và vừa thường gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc không thể chi trả nhiều cho các biện pháp an toàn sinh học hiệu quả.

Một ví dụ đơn giản về an toàn sinh học là hạn chế khách thăm vào trang trại. Trong trường hợp có khách vào, cần phải áp dụng các biện pháp khử trùng nghiêm ngặt. Nếu quy trình này không được thực hiện một cách hiệu quả ở các trang trại nhỏ và vừa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là đối với những trang trại này.

"Hiện nay, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đang hợp tác với các đối tác địa phương tại Việt Nam, bao gồm Cục Thú y và tỉnh Sơn La, nhằm cung cấp và thử nghiệm các giải pháp an toàn sinh học với chi phí thấp cho các trang trại nuôi lợn. Kết quả ban đầu rất hứa hẹn, dù vẫn còn một số thách thức cần vượt qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và cải thiện trong những năm tới." TS. Fred Unger cho hay.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.