Để sớm thương mại hóa sản phẩm cây trồng chỉnh sửa gen, các bộ ngành cần sớm có các quy định rõ hơn đối với các nghiên cứu này.
Giống cây trồng chỉnh sửa gen cần được công nhân để thương mại
Đây là giống lúa chỉnh sửa gen kháng bệnh bạc lá TBR225, được các nhà khoa học nghiên cứu nhằm khắc phục bệnh bạc lá trên cây lúa.
TBR225 là giống lúa chủ lực của nước ta, tuy nhiên vào vụ Mùa giống lúa này hay bị nhiễm bệnh bạc lá, dẫn đến giảm năng suất. Để khắc phục tình trạng bạc lá Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương và cộng sự đã tiến hành công trình nghiên cứu chỉnh sửa gene.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Bộ môn bệnh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp
Bằng công nghệ chỉnh sửa gen, chúng tôi muốn chỉnh sửa những cây trồng bị hỏng trong cây lúa hoang dại ban đầu. Tức là vi khuẩn không tấn công được vào giống lúa ấy. Khi đã sửa được thì cũng không kích thích cây lúa sinh ra đường và không phát triển được.
Thông qua việc gây đột biến chính xác đồng thời vùng khởi động của 2 gene nhiễm OsSWEET13 và OsSWEET14, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương và các cộng sự đã cải tiến tính kháng bệnh bạc lá phổ rộng cho giống lúa này với các chủng vi khuẩn gây ra bệnh bạc lá.
Công nghệ chỉnh sửa gene đã cho phép các nhà khoa học tiến hành chỉnh sửa gene bị hỏng trên cây lúa để trả lại tính trạng ban đầu với nhiều tính ưu việt.
Đến nay tính kháng bạc đã được đánh giá qua 3 thế hệ liên tục để chứng minh sự di truyền ổn định.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Bộ môn bệnh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp
Chúng tôi đã có những so sánh giữa giống lúa chỉnh sửa gen và giống lúa ban đầu thì kết quả trong phạm vi có kiểm soát của nhà lưới cho thấy sự sinh trưởng, phát triển của giống gốc đã được lưu giữ hoàn toàn trong dòng lúa chỉnh sửa gen. Cái ưu việt là các giống lúa chỉnh sửa gen kháng vượt trội so với giống lúa gốc ban đầu.
Từ những thành công trong việc nghiên cứu thử nghiệm giống lúa kháng bạc lá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương mong rằng trong thời gian tới giống lúa sớm được đưa đến tay bà con nông dân.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Bộ môn bệnh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp
Với các nhà khoa học chúng tôi thì chúng tôi rất mong tất cả các sản phẩm chúng tôi tạo ra khi đã thành công về mặt khoa học thì rất muốn được đưa đến cho bà con trong thời gian sớm nhất để phục vụ cho sản xuất. Vì các bệnh lúa nói rất nguy hại tới ngành trồng trọt của chúng ta.
Trước đó giống lúa TBR225 đã được công nhận giống quốc gia năm 2015. Giống lúa này chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nhờ thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và chất lượng gạo ngon, được bà con nông dân lựa chọn gieo trồng.
Bà ĐẶNG THỊ THÀNH - Xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Hôm nay chúng tôi ra ngoài đồng, nhìn thấy ruộng lúa xanh tốt và không bị đổ thì chúng tôi thấy rất là vui và phấn khởi, đạt được mùa thu hoạch năng suất hơn 5% so với vụ Chiêm 2024.
Với những hiệu quả mà cây trồng chỉnh sửa gene mang lại, tại một số quốc gia Đông Nam Á như Philipin, Malaysia, Indonesia cây trồng chỉnh sửa gene đã được chỉnh sửa hành lang pháp lý để được lưu hành rộng rãi, còn tại Việt Nam cây trồng chỉnh sửa gene trong thời gian tới cần được các bộ, ngành sớm hoàn thiện cơ chế chính sách với giống cây trồng này.
Bà NGUYỄN THỊ THANH THỦY - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hiện nay chúng ta mới có nghị định 69, nghị định 118 và các nghị định sau này sửa đổi hai nghị định trên. Chúng ta mới đang tập trung vào công nghệ biến đổi gen. Đối với việc phát triển sinh học nói chung thì luôn luôn phải đồng hành với hành lang pháp lý, nhân lực thì mới có thể phát triển bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen vào cải tiến sinh vật được xem là một trong những phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới giúp cây trồng kháng được một số loại bệnh đặc hữu trên cây trồng.
Do đó, việc cấp phép hoàn thiện cơ chế chính sách sẽ là bước tiến quan trọng để đưa các giống cây trồng chỉnh sửa gen vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng cho người dân.