Khoa học công nghệ cần tạo những bộ giống mới đặc sắc. Tăng cường hợp tác với Corplife trong sản xuất giống cây trồng chỉnh sửa gen. Làm rõ thông tin cua Cà Mau khó xuất khẩu sang Trung Quốc. Nuôi bồ câu cho doanh thu 20 triệu đồng/tháng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024 của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chiều 2/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, trong xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ phải thấm nhuần quan điểm “lượng đổi chất phải đổi. Khoa học công nghệ là một lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành. Về nguồn gen, Việt Nam có nguồn gen vô cùng quý giá. Đây là nguồn nhân giống vô cùng quan trọng. Trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hoá cần phục hồi các nguồn gen, nhất là nguồn gen bản địa, phải tiến hành điều tra, thu thập, bảo tồn, phát triển vì đó là điểm đặc sắc của nông nghiệp các vùng miền. Kết hợp bảo tồn và ứng dụng khoa học công nghệ để lai tạo ra những bộ giống mới, đặc sắc, riêng có, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phục vụ chế biến, xuất khẩu, tiến đến không chỉ bảo tồn nguồn gen mà cần phải có cả sản phẩm hàng hoá bằng khoa học công nghệ.
Tăng cường hợp tác với Corplife trong sản xuất giống cây trồng chỉnh sửa gen
Thảo Phương sx
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung vừa có buổi làm việc với tổ chức Corplife. Tại buổi làm việc, bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Corplife cho biết, từ 2015 tới nay, Croplife đã có nhiều chương trình hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ, trong đó có việc sản xuất, canh tác các giống ngô chỉnh sửa gene, giảm thiệt hại năng suất từ sâu bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái.
Đại diện Croplife hy vọng tiếp tục hợp tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các công ty thuộc tổ chức tiếp tục giới thiệu các giống ngô chỉnh sửa gen mới cho bà con nông dân, và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả và trách nhiệm với ngành nông nghiệp của Croplife, đặc biệt trong việc khuyến khích áp dụng các giống cây trồng mới, mang các đặc tính cải tiến. Thứ trưởng đề nghị CropLife tiếp tục phối hợp với Bộ xây dựng, hoàn thiện các hành lang pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật về khảo kiểm nghiệm giống để sản xuất, kinh doanh giống chỉnh sửa gen tại Việt Nam; xây dựng các mô hình phổ biến tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng mới, thuốc BVTV thế hệ mới tại các địa phương…
Làm rõ thông tin cua Cà Mau khó xuất khẩu sang Trung Quốc
Trọng Linh – Văn Vũ sx
Những ngày qua, người nuôi cua và các chủ vựa trên địa bàn tỉnh Cà Mau rất hoang mang khi nghe thông tin đơn vị vận chuyển cua không tiếp nhận hàng xuất qua thị trường Trung Quốc. Qua xác minh, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, đây là thông tin không đúng sự thật và khẳng định việc vận chuyển cua qua thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau xác nhận: Chi cục Thủy sản đã chỉ đạo các đơn vị liên hệ với các chủ vựa cua và doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và thấy hoạt động xuất khẩu cua vẫn diễn ra bình thường trong những ngày qua. Ngoài ra, đơn vị sẽ tăng cường theo dõi nắm tình hình diễn biến thị trường để cung cấp thông tin chính xác, tránh thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ cua Cà Mau của bà con.
Hiện tại, tình hình mua bán cua những ngày qua tại huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Thới Bình vẫn diễn ra bình thường, giá thu mua đang ở mức ổn định. Cụ thể, cua gạch giá dao động 450.000 - 500.000 đồng/kg, cua y 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Nuôi bồ câu cho doanh thu 20 triệu đồng/tháng
Thanh Tiến sx
Đầu năm 2024, gia đình anh Hờ A Sùng bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư chuồng trại, mua con giống nuôi lai tạo 30 đôi bồ câu Pháp kết hợp bồ câu ta. Đến nay, mô hình của thanh niên người Mông này đã phát triển lên trên 300 cặp chim bồ câu, trung bình mỗi ngày xuất bán từ 30 - 40 con bồ câu thịt cho các nhà hàng, homestay trên địa bàn huyện để phục vụ khách du lịch; đem lại doanh thu mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng.
Đây là mô hình tiêu biểu trong sáng tạo khởi nghiệp cần nhân rộng, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi bằng những giống mới cho hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số.