Bắt đầu bước vào mùa khô, huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) đang tập trung xây dựng các giải pháp để chủ động nguồn nước nhằm chống hạn cho cây trồng hiệu quả.
Chủ động phòng chống hạn hán nơi vùng biên giới Gia Lai
Những năm qua, huyện Đức Cơ (Gia Lai) luôn được xem là tâm điểm của hạn hán. Tình trạng khô hạn khắc nghiệt kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích cây trồng nơi đây bị cháy khô, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của nhiều hộ dân. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho mùa vụ tới, nhiều hộ gia đình đã chủ động đào giếng, khoan giếng, làm hồ trữ nước với hy vọng có thể vượt qua mùa khô hạn.
Phỏng vấn ông Lương Minh Trường, Làng Ấp, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ:
Nếu lòng suối mà hết chúng tôi sẽ nạo vét lòng suối để có nguồn nước tưới phục vụ cho cây trồng, hoặc khoan giếng. Tuy nhiên mùa khô hạn sắp đến ngoài việc chủ động về nước tưới thì chúng tôi cũng muốn địa phương làm thế nào để có nguồn nước tưới cho người dân vùng Ia Kriêng.
Thời điểm cuối năm rất quan trọng cho việc phục hồi cây trồng, đặc biệt là cây cà phê, do đó lượng nước tưới đã được người dân chú trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy ở một số con suối, mực nước đang cạn dần. Giải pháp nạo vét lòng suối và thực hành tưới tiết kiệm đang là lựa chọn hàng đầu của các địa phương trên địa bàn huyện Đức Cơ.
Phỏng vấn ông Kpuih Chuil, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ:
Tuần vừa rồi xã cũng chủ động lên kế hoạch đối phó với hạn hán. Thứ nhất tuyên truyền người dân tích nước đặc biệt là các khe suối không để cạnh tranh giữa các hộ dân, tích nước hợp lý cho gia đình. Thứ nữa là tưới nhỏ giọt cho cà phê, do là năm nay đang lo thiếu nước. Thêm nữa giá cà phê cao là chặt bớt cây điều nhưng chúng tôi vận động ngưng chặt cây điều để trồng xen kẽ, cây điều mình to rồi lỡ có hạn hán thì còn làm kinh tế được.
Toàn huyện Đức Cơ có gần 25.000ha cây trồng nhưng lại rất ít các hồ thủy lợi, hồ nước tự nhiên cung cấp nguồn nước tưới. Để khắc phục điều này, nhiều địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn nước tưới, đồng thời áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm hạn chế tiêu tốn nguồn nước. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người dân là xây dựng hồ thủy lợi để điều tiết nguồn nước cho các vùng khô hạn và hàng ngàn ha cây trồng trên địa bàn.
Phỏng vấn ông Đặng Văn Hải, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ:
Hạn hán hàng năm của huyện xảy ra ở một số địa phương trong vụ đông xuân. Đặc biệt như xã Ia Lang, Ia Kriêng đối với diện tích đất chân ruộng bị hạn thì không trồng cây ngắn hạn mà chuyển đổi cây trồng phù hợp hơn. Thứ hai là khuyến cáo bà con gieo trồng đúng thời vụ để đảm bảo phòng chống hạn hán vụ đông xuân 2024-2025. Thứ ba là xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp cây ăn quả. Chúng tôi cũng đã khảo sát một số vị trí có thể xây dựng vị trí tích nước để đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh để xây dựng các công trình tích nước phục vụ cho bà con trên địa bàn huyện.
Để giảm thiểu thiệt hại trong mùa khô hạn, ngành nông nghiệp huyện Đức Cơ đã khuyến cáo các địa phương chấp hành nghiêm túc kế hoạch sản xuất và lịch tưới của các công trình thủy lợi, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới, đảm bảo hài hòa giữa các hộ dân khi bước vào cao điểm của mùa khô hạn.