Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô hạn, dự báo năm nay khốc liệt hơn mọi năm. Mực nước trên các sông hồ ngày càng cạn kiệt khiến cho hàng nghìn ha cây trồng của người dân héo úa vì thiếu nước.
Sông hồ cạn kiệt, nỗi lo cây trồng khô khát
Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô hạn, dự báo năm nay khốc liệt hơn mọi năm. Mực nước trên các sông hồ ngày càng cạn kiệt khiến cho hàng nghìn ha cây trồng của người dân nơi đây héo úa vì thiếu nước.
Báo cáo tình hình mùa khô hạn ở Kon Tum, tình hình nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, dự kiến sẽ có khoảng hơn 1.600ha cây trồng bị hạn vào cuối vụ đông xuân. Trong đó, diện tích lúa nước và hoa màu hơn 650ha, cây công nghiệp khoảng gần 1.000ha. Qua tính toán, tại một số công trình thủy lợi có lưu vực nhỏ trên địa bàn huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và TP. Kon Tum nếu thời tiết nắng nóng kéo dài có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Ở xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) người dân không khỏi lo lắng khi các hồ thủy lợi cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng của người dân đang dần cạn trơ đáy. Để cứu vãn tình hình, người dân bắt buộc phải dùng máy bơm, ống hút cắm xuống lòng hồ vơ vết những giọt nước cuối cùng.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Xuân Tề, Thôn 4 xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum
Cái vườn cà phê của tôi, năm nay do hạn hán quá nhiều, nguồn nước tưới chưa được cung cấp đầy đủ. Do đó, gia đình cũng tận dụng nguồn nước từ các nguồn ra để tận dụng tưới cho cây cà phê. Ngoài ra, người dân cũng tích cực thuê máy móc khơi thông ao, hồ, để lấy nước tưới cho cây cà phê.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, tình trạng khô hạn có xu hướng mở rộng trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 5. Trong khi đó, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum là vừa và nhỏ được đầu tư đã lâu, bị bồi lắng, diện tích tưới lưu vực nhỏ nên lượng nước đến vườn cây của người dân gần như bằng không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn ha cây trồng của người dân.
Phỏng vấn ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà):
Lượng nước trên địa bàn cũng đã bắt đầu cạn khô, mực nước ở lòng hồng đã cạn tới dưới đáy. Trong những ngày tới mà thời tiết nắng nóng khô hạn như thế này thì nguy cơ xảy ra khô hạn rất là rõ nét. Trong thời tiết khô hạn như thế này, thì HTX chúng tôi cũng đang tiến hành lắp đặt hệ thống phun mưa, tưới tự động tận gốc để tiết kiệm nước. So với tưới béc, tưới xả tràn thì lượng nước tưới lãng phí rất lớn.
Để ứng phó với tình trạng hạn hán trên diện rộng, UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Đồng thời tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước.