| Hotline: 0983.970.780

Bắc Tây Nguyên triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới cho mùa khô

Thứ Sáu 09/12/2022 , 16:23 (GMT+7)

Tây Nguyên đang bắt đầu bước vào mùa khô. Theo đó, hàng trăm ngàn ha cây trồng cũng đang đối diện với khả năng thiếu nước tưới nếu không có giải pháp hiệu quả.

Tây Nguyên chính thức bước vào mùa khô, người dân với nỗi lo thiếu nước luôn hiện hữu. Ảnh: Đăng Lâm.

Tây Nguyên chính thức bước vào mùa khô, người dân với nỗi lo thiếu nước luôn hiện hữu. Ảnh: Đăng Lâm.

Đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng

Ý thức được vấn đề trên nên ngay từ đầu mùa khô, các tỉnh ở Bắc Tây Nguyên gồm Gia Lai và Kon Tum đã sớm triển khai các phương án thiết thực, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do khô hạn gây ra cho cây trồng trên địa bàn.

Tỉnh Gia Lai hiện có 352 công trình thủy lợi kiên cố, 46 hồ chứa thủy điện, với tổng năng lực thiết kế tưới cho 68.000 ha cây trồng. Ngoài ra, còn có hàng ngàn ha cây trồng các loại được nhận nước từ các công trình tạm, công trình bán kiên cố như ao, hồ đập... Trong những năm qua, hầu hết các công trình thủy lợi đã phát huy tương đối tốt năng lực, đảm bảo hiệu quả khai thác công trình trên 70% năng lực thiết kế; các công trình được vận hành an toàn, không để xảy ra sự cố, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong vùng hưởng lợi.

Vụ đông xuân năm 2022- 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đặt ra kế hoạch sản xuất với tổng diện tích là 77.500 ha cây trồng các loại. Trong đó cây lúa nước 26.000 ha, sắn 11.500 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 10.900 ha, cây thực phẩm 19.000 ha (trong đó rau dưa các loại 14.500 ha, đậu đỗ các loại 4.500 ha)…

Huyện Đăk Đoa là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh này. Hiện tổng diện tích cây trồng của huyện khoảng hơn 40.000 ha, riêng cây cà phê đã chiếm đến khoảng 28.000 ha, hồ tiêu khoảng 2.200 ha, lúa nước 4.500 ha… Đây cũng là một trong những địa phương ít có các công trình thủy lợi, do vậy “Nước tưới cho cây trồng chủ yếu đều dựa vào hệ thống sông suối, ao hồ tự nhiên hoặc giếng đào có trên địa bàn”, ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết.

Nước tưới vào mùa khô đã được các hộ dân lên phương án chuẩn bị. Ảnh: Đăng Lâm.

Nước tưới vào mùa khô đã được các hộ dân lên phương án chuẩn bị. Ảnh: Đăng Lâm.

Còn tại “chảo lửa” Krông Pa, dự kiến tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2022- 2023 trên địa bàn huyện là 1.141,18 ha, trong đó lúa đông xuân 913,18 ha, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày 228 ha. Tuy được mệnh danh là “chảo lửa”, nhưng huyện Krông Pa đang có nhiều công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho diện tích cây trồng trên địa bàn. Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, mực nước tại các hồ đập cũng như trên các sông suối tự nhiên vẫn đảm bảo. Do vậy diện tích cây trồng vẫn đang sinh trưởng và phát triển bình thường”.

Không lơ là, chủ quan

Nhìn chung đến thời điểm hiện tại, diện tích cây trồng trên địa bàn bắc Tây Nguyên vẫn ổn định, chưa có biểu hiện thiếu nước tưới. Nguyên nhân được đánh giá là do lượng mưa năm 2022 tương đối dồi dào, thêm vào đó là mới bước vào đầu mùa khô nên tình hình sản xuất nông nghiệp ở đây vẫn đang ổn định.

Tuy nhiên không vì vậy mà các địa phương nơi đây lơ là, chủ quan. Để đối phó với khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng vụ đông xuân 2022- 2023, ngay từ những ngày đầu mùa khô, tỉnh Kon Tum đã theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước trữ, nước đến của các công trình để thực hiện kế hoạch gieo trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo; bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất, đồng thời thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông xuân, phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ nước cho các nhu cầu thiết yếu trong cả mùa khô.

Gia Lai đưa ra nhiều giải pháp, tránh tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô. Ảnh: Đăng Lâm.

Gia Lai đưa ra nhiều giải pháp, tránh tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn hướng dẫn các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Thực hiện thường xuyên việc rà soát các hạng mục công trình bị hư hỏng tổ chức khắc phục sửa chữa, tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, cửa lấy nước hoàn thành đầu vụ để phục vụ sản xuất; bảo dưỡng máy móc, thiết bị, vận hành thử các máy bơm dự phòng để phục vụ chống hạn khi xảy ra…

Tương tự ở Gia Lai, ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đã kịp thời tổ chức đánh giá, rà soát nguồn nước tại các hồ đập, sông suối để lên kế hoạch tưới luân phiên, tưới tiết kiệm; ưu tiên nguồn nước tưới cho các loại cây trồng đang trong thời kỳ ra hoa kết trái; ưu tiên nước sinh hoạt, nước chăn nuôi…

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cũng đã đề ra các giải pháp phòng, chống hạn cụ thể cho vụ đông xuân như chuyển đổi cây trồng vùng thường xuyên bị hạn, bố trí thời vụ hợp lý từng vùng để tránh hạn. Ngoài ra khuyến khích bà con áp dụng triệt để công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho hơn 38.000 ha cây trồng cạn…

Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa: “Huyện vận động bà con nạo vét kênh mương, lòng hồ để chuẩn bị nước tưới cho mùa khô sắp đến. Với những diện tích thường xuyên bị hạn, khuyến cáo bà con hạn chế trồng lúa, chuyển đổi sang các loại cây trồng ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao. Với cây công nghiệp, cần ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để tránh lãng phí nguồn nước. Với toàn bộ diện tích rau màu, bà con đã áp dụng công nghệ tưới phun sương, tướid tiết kiệm…”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.