Vườn ổi của ông Nguyễn Văn Lời ở huyện Cầu Kè là vườn đầu tiên ở Trà Vinh thực hiện quy trình phục hồi ổi bệnh do tuyến trùng tấn công rễ. Kết quả cho thấy đối với cây mới phát bệnh phục hồi 100%.
Lần đầu tiên phục hồi thành công vườn ổi bị bệnh bướu rễ
Vườn ổi của ông Nguyễn Văn Lời ở huyện Cầu Kè là vườn đầu tiên ở Trà Vinh thực hiện quy trình phục hồi ổi bệnh do tuyến trùng tấn công rễ. Kết quả cho thấy đối với cây mới phát bệnh phục hồi 100%.
Cây ổi từng là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, tuy nhiên, gần đây do xuất hiện một bệnh lạ làm chết khoảng 15% diện tích vườn ổi của huyện, gây thất thoát lớn cho nhà vườn.
Ông Nguyễn Văn Lời ở ấp Hội An, xã Hòa Tân (huyện Cầu Kè): Mới phát bệnh thấy lá nó héo và đỏ, mình đốn bỏ nhánh này nó lây qua nhánh khác, nó lây từ từ vậy đó rồi chết đa số những cây tốt.
Ông Nguyễn Văn Điền, ấp Hội An, xã Hòa Tân: Nó dễ nhiễm bệnh nhất là bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 12, hết mùa mưa qua mùa nắng nó nhiễm bệnh cao nhất. Nó đánh lá cháy hết luôn, nếu không trị lá rụng hết.
Theo khảo sát và đánh giá của Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cầu Kè, việc nông dân lạm dụng phân bón hóa học đã khiến đất suy kiệt và tạo điều kiện cho tuyến trùng tấn công rễ cây, dẫn đến tình trạng cây ổi chết bất thường. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm đã chọn vườn ổi của ông Nguyễn Văn Lời làm mô hình điểm, triển khai quy trình phục hồi vườn ổi bệnh với 6 bước.
Đầu tiên, vôi bột được rải quanh gốc và khắp mặt liếp trồng ổi. Sau đó, tiến hành xử lý tuyến trùng và nấm bệnh tại phần gốc. Tiếp theo, bổ sung phân hữu cơ lỏng để cải tạo đất. Bước thứ tư là rải thuốc điều hòa sinh trưởng quanh gốc cây. Bước thứ năm, phun dinh dưỡng qua lá kết hợp với thuốc trừ sâu rầy để kích thích cây phát triển. Cuối cùng, sau khi cây hồi phục, cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc tăng trưởng. Kết quả cho thấy, đối với những cây bị bệnh nặng, tỷ lệ phục hồi đạt 70%. Đặc biệt, những cây mới phát bệnh có khả năng hồi phục hoàn toàn, đạt tỷ lệ 100%.
Ông Nguyễn Văn Lời: Qua khoảng thời gian 1 tháng mình thấy ổi hồi phục, không còn chết nữa, rồi sao mình tưới thuốc, tưới thuốc phân dô từ từ nó mới lại sức.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cầu Kè: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo để tổ chức tập huấn cho nông dân về mô hình này. Mô hình đã chứng minh hiệu quả, nhất là khi hiện nay nông dân thường chỉ chú trọng xử lý phần lá mà bỏ qua việc chăm sóc bộ rễ, khiến tuyến trùng tấn công và gây bệnh.
Theo đa số bà con nông dân tại huyện Cầu Kè họ đều mong muốn mô hình phục hồi này được nhân rộng, giúp bảo vệ vườn ổi, đồng thời cải thiện kinh tế gia đình .