Chọn lựa nông nghiệp hữu cơ để khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng và có lương tri với nhân loại.
Lan tỏa đạo làm nông nghiệp tử tế
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai, nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ . Theo báo cáo của Tổ chức nông nghiệp hữu cơ thế giới, năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất Châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 ngàn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới… Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hơn 17 ngàn đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…
Phỏng vấn ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lan tỏa các mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Chính sách thay đổi thực tiễn, thay đổi nhận thức nông nghiệp hữu cơ là tất yếu. Từ người nông dân, trang trại, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý…
Ở Tây Nguyên, nhiều năm trước, những vùng hồ tiêu nức tiếng ở khu vực Đắk Nông lâm vào cảnh khốn đốn. Giá tiêu bấp bênh lúc cao lúc thấp, cây trồng liên tục đổ bệnh rồi chết đồng loạt. Từ chỗ giàu có nhờ hồ tiêu, không ít gia đình nợ nần chồng chất. Đó là hậu quả tất yếu của quá trình bóc lột đất đai để đổi lấy những lợi nhuận trước mắt.
Vậy mà bây giờ, giữa những thủ phủ hồ tiêu đã có những khu vườn miễn nhiễm với dịch bệnh, có những nông dân ung dung ngồi bán hồ tiêu giá cao bất chấp những biến động của thị trường. Họ chính là những người trồng hồ tiêu hữu cơ, những người biết cách sinh sống hài hòa cùng đất đai Tây Nguyên.
BT Lê Minh Hoan
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Có thể hình dung bức tranh nông nghiệp Việt Nam sẽ hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao và giá trị sinh học đặc thù, đảm bảo tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân.
Từ hôm nay, nông nghiệp hữu cơ đã không còn là một khái niệm mơ hồ và cũng không còn là một ước mơ viển vông đối với những người Việt Nam có trách nhiệm. Chọn lựa nông nghiệp hữu cơ để khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế, để đề cao giá trị con người Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng và có lương tri với nhân loại