Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam và thế giới.
Không đứng ngoài cuộc, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng.
Nông nghiệp hữu cơ là gì?
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ: www.ifoam.org) với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp nuôi hữu cơ, trồng rau hữu cơ, quả hữu cơ, thực phẩm hữu cơ mà không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào như: thuốc trừ sâu hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất, các loại phân hoá học.
Những nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ là những gốc rễ cơ bản mà từ đó nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển và đóng vai trò làm động lực cho xu hướng vận động hữu cơ theo cách đa dạng nhất.
Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ dựa vào 4 nguyên tắc cơ bản, Nguyên tắc về sức khỏe; Nguyên tắc về sinh thái học; Nguyên tắc về sự công bằng; Nguyên tắc về tính cẩn trọng.
Việc ứng dụng nông nghiệp hữu cơ trong thực tế nhìn có vẻ rất đơn giản với 4 nguyên tắc trên. Nhưng khi mới bắt đầu áp dụng vào thực tế, để thực hành tốt được 4 nguyên tắc trên lại là điều hết sức phức tạp và cần sự đầu tư bài bản, sự quyết tâm và rất nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khi Vinamit Organic đã thực hành tốt về nông nghiệp hữu cơ thì quay ngược trở lại vấn đề làm nông nghiệp hữu cơ không khó đối với Vinamit Organic. Hiện nay, Vinamit Organic đã và đang từng bước tiến sang một giai đoạn mới, giai đoạn nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao phát triển bền vững vì sự sống.
Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập cho người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát, chi phí khi sản xuất nhỏ lẻ.
Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh trong khi đầu tư ban đầu rất lớn, thị trường tiêu thụ không được cam kết để đảm bảo duy trì sản xuất.
Vấn đề đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ cũng cần phải giải quyết triệt để. Có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu trong khi đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra.
Như vậy, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam có một tiềm năng và cơ hội rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, khó khăn và thách thức cũng không hề nhỏ. Để biến khó khăn thành tiềm năng, thách thức thành cơ hội đòi hỏi cần có một sự đầu tư bài bản ngay từ ban đầu và duy trì phát triển liên tục qua thời gian tồn tại và phất triển.
Khó khăn của Vinamit Organic
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, Vinamit organic đã phát triển nền nông nghiệp hữu cơ từ rất sớm. Khi mọi người thấy xuất hiện thương hiệu Vinamit Organic cần phải có một thời kỳ thai nghén rất dài tính bằng chục chục năm.
“Thời kỳ thai nghén này, nội bộ của Vinamit Organic đã phải làm việc vượt qua giới hạn sinh học. Những khó khăn của người tiên phong dẫn đường rất dễ làm con người ta nản chí. Tuy nhiên, thực tế Vinamit Organic đã vượt qua được giai đoạn thai nghén này bằng nghị lực của tất cả mọi thành viên Vinamit Organic”, ông Viên nói.
Khó khăn đầu tiên mà Vinamit Organic gặp phải là sự hạn chế về kiến thức thực hành nông nghiệp hữu cơ tại Việt. Giai đoạn này tại Việt Nam các thông tin về nông nghiệp hữu cơ còn rất hạn chế. Đây cũng là lý do tại sao Vinamit Organic bắt đầu với tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp mỹ (USDA) và tiêu chuẩn hữu cơ của EU, Tổng Giám đốc Vinamit chia sẻ.
Khó khăn thứ 2 mà Vinamit Organic gặp phải là vấn đề về đất, nước dùng trong trồng trọt. Các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn hữu cơ USDA và EU là một thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam.
Tiếp theo là khó khăn về nhân sự, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ kỹ thuật rất hạn chế. “Tìm kiếm chuyên gia và kỹ thuật viên khó như mò kìm đáy bể”, ông Nguyễn Lâm Viên kể lại.
Ngoài ra, còn hàng loạt khó khăn vướng mắc mà Vinamit Organic gặp phải ở giai đoạn ban đầu như chi phí đầu tư, thị trường, nhận thức của người tiêu dùng, chính sách, công nghiệp phụ trợ, giống, khí hậu - thổ nhưỡng và cuối cùng là khó khăn của người đi đầu, đồng nghĩa với “đi một mình”.
Vượt qua khó khăn thế nào?
Nhận định về những khó khăn kể trên, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng: “Chúng tôi tin rằng bất cứ tổ chức và cá nhân nào khi thực hành nông nghiệp hữu cơ cũng đều gặp phải những khó khăn này”.
Cũng theo ông Viên, hiện tại một số khó khăn đã được tháo gỡ, các chính sách về nông nghiệp hữu cơ của nhà nước đã góp phần thúc đẩy và hỗ trợ cho những người làm nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, việc làm nông nghiệp hữu cơ có nhiều thuận lợi hơn vì qua quá trình phát triển Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ theo một hướng tích cực và ngày càng một tốt hơn.
Bên cạnh những khó khăn, cũng phải kể đến nhiều thuận lợi, cơ hội mà Vinamit Organic đã có được trong giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Có thể kể đến như sự ủng hộ của địa phương, sự đồng lòng của ban lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật của Organic có đam mê mãnh liệt với nông nghiệp hữu cơ hay diện tích của nông trại lên đến 150 ha cũng là thuận lợi để phát triển mô hình hữu cơ.
Ngoài ra, nhận thức của xã hội ngày một thay đổi về nông nghiệp hữu cơ. Sự kiên trì của Vinamit Organic đã đánh thức người tiêu dùng thông thái. Người tiêu dùng đã đón nhận sản phẩm của Vinamit Organic ngay từ khi chưa lấy được chứng nhận.
Có thể thấy rằng thuận lợi luôn đi kèm với những khó khăn, khó khăn luôn đi kèm với những thuận lợi. Hai vấn đề này luôn song hành với nhau không thể tách rời. Điều quan trọng là phải biến những khó khăn thành hành động để đạt được kết quả là thuận lợi.
Mục tiêu mà ông Viên và Vinamit Organic đặt ra là khi xuất hiện trên thị trường thế giới, người tiêu dùng sẽ nhắc đến Vinamit organic như một phần của thương hiệu quốc gia về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ đồng hành với bất kỳ tổ chức cá nhân nào thực sự mong muốn làm nông nghiệp hữu cơ vì một thương hiệu quốc gia nông nghiệp hữu cơ Việt Nam”, người đứng đầu Vinamit chia sẻ thêm.
“Vinamit Organic sẵn sàng chia sẻ cách thức vượt qua những khó khăn cho những người làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Chúng tôi mong muốn và nhận thức được rằng, việc nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ là một cách thức tốt tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ”, ông Nguyễn Lâm Viên khẳng định.