Sau khi tham dự các lớp tập huấn, người dân đã áp dụng các kiến thức, kỹ thuật vào chăn nuôi giúp đem lại hiệu quả cao hơn so với cách sản xuất truyền thống.
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ các lớp tập huấn, đào tạo nghề
Tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay hoạt động chăn nuôi của người dân chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, theo phương thức truyền thống. Do không chú trọng đến việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả mang lại không cao. Từ thực tế này, thời gian qua, huyện Sơn Tịnh đã phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức tập huấn các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân.
Thông qua kiến thức được học từ các lớp này, người dân địa phương đã từng bước áp dụng vào hoạt động chăn nuôi như chắc chăm sóc, cho vật nuôi ăn cũng như phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, hiệu quả trong hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân đã được nâng lên đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Lên, Xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi
Sau khi mình học lớp tập huấn xong rồi mình nuôi bò, heo, gà mình biết tiêm phòng, phòng trừ bệnh và mình cho bò ăn đúng cách, đúng quy định, bò heo nhanh lớn, mình xuất chuồng nhanh.
Ông Đào Sẽ, Xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi
Lúc trước kia nói chung mình theo truyền thống thì không có năng suất và không đạt kết quả. Sau mình tập huấn xong rồi mình về tập trung chăn nuôi đạt kết quả cao hơn trước nhiều.
Theo Phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội huyện Sơn Tịnh, trong thời gian vừa qua, đơn vị đã tập trung khảo sát nhu cầu của người lao động và phối hợp với trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức khoảng 30 lớp đào tạo nghề cho bà con nông dân với gần 500 đối tượng tham gia. Trong đó tập trung vào nghề chăn nuôi và trồng trọt. Thông qua các lớp đào tạo này, những nội dung chuyển tải đến người nông dân đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Vân Nam, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi
Qua các lớp mà Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Bảo Lộc thì kiến thức đã đến được với người chăn nuôi. Và người chăn nuôi cũng đã nắm bắt được các kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong quá trình sản xuất chăn nuôi tại hộ gia đình và đạt được những kết quả khả quan. Trong quá trình chăn nuôi thì chất lượng sản phẩm vật nuôi được đảm bảo ổn định. Góp phần trong việc ổn định đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo đã mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo nghề ở huyện Sơn Tịnh. Người dân sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, giúp gia tăng được năng suất lao động cũng như thu nhập, góp phần cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.