| Hotline: 0983.970.780

Đất được bồi phù sa, sạch sâu bệnh, nông dân tăng tốc làm vụ đông

Thứ Hai 04/11/2024 , 08:36 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Vụ đông năm nay có nhiều thuận lợi nhờ không khí lạnh về sớm, đất đai được lũ lớn bồi đắp phù sa, thau rửa sạch nguồn sâu bệnh hại...

Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm với đa dạng các dòng sản phẩm, thị trường tiêu thụ thuận lợi và mang lại thu nhập cao, người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã khẩn trương xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng, cải tạo đất, chuẩn bị vật tư, kịp thời xuống giống để liên tục có nguồn cung.

Theo anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Thái Tân, huyện Nam Sách), vụ đông năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi nên chắc chắn năng suất, sản lượng khoai tây sẽ cao hơn năm trước. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Thái Tân, huyện Nam Sách), vụ đông năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi nên chắc chắn năng suất, sản lượng khoai tây sẽ cao hơn năm trước. Ảnh: Trung Quân.

Tại huyện Nam Sách, bà Phạm Thị Loan ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân cho biết, đầu vụ đông năm nay, do ảnh hưởng mưa lũ nên nước sông Thái Bình dâng cao, hầu hết vùng bãi sản xuất rau bị ngập. Gia đình bà cũng bị mất trắng hơn 3 sào trồng dưa hấu.

Khi nước rút, mặc dù công tác thu dọn, vệ sinh ruộng khá vất vả, tuy nhiên vẫn có tín hiệu tích cực là nước ngập dài ngày đã để lại một lớp phù sa mới và khiến một số mầm bệnh, sinh vật gây hại trong đất có chiều hướng giảm. Tận dụng lợi thế này, các hộ huy động nhân lực vệ sinh ruộng trồng, cải tạo đất, xuống giống cà rốt.

“Mặc dù giá giống cà rốt ở mức cao hơn gần 10.000 đồng/lạng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thời tiết đang rất thuận lợi, đất trồng sạch và giàu dinh dưỡng nên gia đình không ngần ngại dồn mọi nguồn lực tốt nhất để mở rộng tối đa diện tích. Hi vọng tới lúc thu hoạch, cà rốt sẽ dễ tiêu thụ, giá bán cao để có thêm thu nhập, bù đắp lại những phần đã mất”, bà Loan chia sẻ.

Nhờ đất trồng được bổ sung thêm dinh dưỡng nên các diện tích cà rốt mới xuống giống đã nhanh chóng phát triển tốt. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ đất trồng được bổ sung thêm dinh dưỡng nên các diện tích cà rốt mới xuống giống đã nhanh chóng phát triển tốt. Ảnh: Trung Quân.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn (cùng xã Thái Tân) cũng đang tranh thủ các yếu tố thuận lợi để tăng tốc xuống giống cà rốt vụ đông, đồng thời liên kết trồng khoai tây với Công ty Pepsico để gia tăng thu nhập. Anh Đoàn cho hay, để giảm áp lực tiêu thụ vào cùng một thời điểm, duy trì ổn định giá bán và cắt đứt mầm bệnh, từ năm 2023, anh đã không trồng cà rốt toàn bộ diện tích, dành hơn 30 sào luân canh, liên kết với doanh nghiệp trồng khoai tây chế biến.  

Khi tham gia liên kết, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm. Gia đình đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, thay đổi kỹ thuật gieo, hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học nên tiết kiệm được chi phí, năng suất, lợi nhuận theo đó tăng lên.

Cụ thể, khi xuống giống phải đảm bảo độ sâu của củ tối thiểu 15cm tính từ bề mặt luống để tạo không gian rộng, thoáng giúp củ nhanh lớn, tạo nhiều tầng củ. Dàn tưới nước tiết kiệm được cài đặt tự động đảm bảo luôn giữ được độ ẩm của đất từ 75 - 80%. Có nhật ký ghi chép lại quá trình sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV và thời gian sử dụng để theo dõi, điều chỉnh…

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, trong vụ đông 2023, năng suất khoai tây đạt trung bình 9 tạ/sào (360m2). Công ty thu mua toàn bộ với giá 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình có lãi hơn 4 triệu đồng/sào.

Tham gia chuỗi liên kết trong vụ đông sẽ giúp các hộ thuận lợi nâng cao năng suất, tiêu thụ và thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Tham gia chuỗi liên kết trong vụ đông sẽ giúp các hộ thuận lợi nâng cao năng suất, tiêu thụ và thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

“Trồng khoai tây lo lắng nhất là bệnh thối nhũn và sương mai. Tuy nhiên, vụ đông năm nay đất trồng được bổ sung phù sa tơi xốp hơn, sâu bệnh hại giảm, quy trình sản xuất được kiểm soát nên chắc chắn năng suất sẽ tăng cao hơn so với năm trước”, anh Đoàn nhận định.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, vụ đông 2024 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 21.500 ha. Trong đó rau các loại 18.000ha (hành, tỏi củ 6.500ha; cà rốt 1.200ha; bắp cải, su hào, súp lơ 4.500ha; khoai tây 1.000ha); ngô 1.500ha; cây khác 2.000ha.

Hiện nay thời tiết đang thuận lợi nên nông dân tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất trồng cà rốt, hành củ, bắp cải, su hào, súp lơ, cải dưa tại các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Cẩm Giàng, Nam Sách; cây ngô, bí xanh tại Thanh Miện, Ninh Giang.

Để sản xuất vụ đông thắng lợi, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo, khuyến khích nông dân phấn đấu mở rộng diện tích tăng thêm khoảng 5% so với kế hoạch (tương đương khoảng 1.000ha). Trong đó cây cà rốt chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên mở rộng tối đa diện tích trên các chân đất phù hợp, có thể mở thêm diện tích tại các vùng đất bãi ven sông Luộc, Kinh Thầy, Thái Bình.

Đối với cây hành tỏi, do có thể bảo quản tại nông hộ để tiêu thụ dần nên tập trung phát triển tối đa diện tích ở các vùng có truyền thống (Kinh Môn, Nam Sách) và mở rộng sang các vùng lân cận (Kim Thành, thành phố Hải Dương, Chí Linh).

Các giải pháp tiến bộ kỹ thuật được áp dụng giúp giảm chi phí, giảm công lao động, bảo vệ đất, gia tăng thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Các giải pháp tiến bộ kỹ thuật được áp dụng giúp giảm chi phí, giảm công lao động, bảo vệ đất, gia tăng thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Đối với cây su hào, bắp cải, súp lơ, rau ăn lá, thời tiết vụ đông năm nay được dự báo là vụ đông rét, gió mùa đông bắc đến sớm hơn so với cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm, vì vậy đây là điều kiện thuận lợi cho nhóm cây rau này sinh trưởng, phát triển đạt năng suất cao.

Mặt khác, nông dân ở nhiều vùng sản xuất của Hải Dương rất có kinh nghiệm trồng su hào, bắp cải, súp lơ sớm để phục vụ thị trường giáp vụ khi các tỉnh khác chưa trồng được. Vì vậy, cần tập trung mở rộng tối đa diện tích trồng vụ sớm trên đất rau hè thu đã thu hoạch và trên đất lúa thu hoạch sớm, các vùng có khả năng phát triển trên địa bàn toàn tỉnh.

Đối với cây khoai tây, những năm gần đây nhu cầu khoai tây cho chế biến tăng nên tiêu thụ khá thuận lợi. Thời gian sinh trưởng của khoai tây ngắn, thời vụ trồng không áp lực. Bên cạnh đó, khoai tây có thể bảo quản tại nông hộ trong thời gian ngắn nên ít chịu áp lực tiêu thụ tươi và có thể áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất từ khi trồng đến khi thu hoạch. Vì vậy, cần mở rộng tối đa diện tích khoai tây trên chân đất 2 vụ lúa ở tất cả các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà, Bình Giang, Nam Sách. Thời vụ trồng đến ngày 15/11…

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.